Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát triển cực tăng trưởng mới phía Tây Thái Nguyên

Với việc thành lập xã Đại Phúc trên cơ sở sáp nhập 5 xã, thị trấn thuộc 3 đơn vị hành chính cấp huyện, tỉnh Thái Nguyên đang từng bước hình thành một cực tăng trưởng mới ở phía Tây. Đây là khu vực giàu tiềm năng du lịch sinh thái, có quỹ đất lớn và khả năng phát triển các dịch vụ đô thị tổng hợp.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên05/05/2025

Dự án Flamingo Majestic Island Resort - Khu nghỉ dưỡng 6 sao quốc tế đầu tiên ở miền Bắc - đang được triển khai tại khu vực hồ Núi Cốc, với tổng diện tích quy hoạch trên 61ha (trong đó có trên 41ha là diện tích mặt hồ).
Dự án Flamingo Majestic Island Resort - Khu nghỉ dưỡng 6 sao quốc tế đầu tiên ở miền Bắc - đang được triển khai tại khu vực hồ Núi Cốc, với tổng diện tích quy hoạch trên 61ha (trong đó có trên 41ha là diện tích mặt hồ).

Việc sáp nhập các xã Phúc Xuân, Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên), thị trấn Hùng Sơn, xã Tân Thái (Đại Từ) và xã Phúc Tân (TP. Phổ Yên) để thành lập xã Đại Phúc không chỉ là một cuộc “tái cấu trúc đơn vị hành chính” trong khu vực này, mà còn là sự chuẩn bị cho một chiến lược phát triển lâu dài.

Sau khi hợp nhất, xã Đại Phúc có diện tích trên 107km², số dân gần 39.000 người, quy mô tương đương nhiều thị xã hiện nay. Với vị trí giáp ranh nhiều khu vực trọng điểm, như phường Quyết Thắng, xã Tân Cương, phường Phúc Thuận hay các xã Đại Từ, Quân Chu, An Khánh, xã Đại Phúc được kỳ vọng trở thành trung tâm mới ở khu vực phía Tây của tỉnh, nơi có thể tổ chức các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế và hệ thống dịch vụ công cộng cấp vùng...

Theo định hướng quy hoạch của tỉnh, đây là khu vực được ưu tiên đầu tư hạ tầng kết nối như đường ven hồ Núi Cốc, Quốc lộ 37, tỉnh lộ 267 và 270, mở rộng không gian đô thị từ trung tâm TP. Thái Nguyên ra các hướng Đại Từ và Phổ Yên.

Một lợi thế vượt trội của xã Đại Phúc chính là nằm trọn trong vùng quy hoạch phát triển du lịch sinh thái ven hồ Núi Cốc và lưu vực Sông Công, hai “lá phổi xanh” có giá trị tự nhiên, cảnh quan lớn nhất của Thái Nguyên.

Với địa thế chiến lược, tài nguyên sinh thái dồi dào, không chỉ sở hữu cảnh quan đẹp, các khu vực trong xã như Tân Thái, Hùng Sơn, Phúc Trìu còn có nền văn hóa bản địa phong phú, làng nghề chè truyền thống, cộng đồng dân cư gắn bó lâu đời là yếu tố quan trọng để phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm và nghỉ dưỡng sinh thái.

Thêm vào đó, phần lớn địa bàn xã mới vẫn còn quỹ đất nông nghiệp, đất rừng và các vùng bán sơn địa chưa khai thác hết. Đây là dư địa quan trọng để hình thành các khu đô thị sinh thái, sân golf, khu nghỉ dưỡng cao cấp, góp phần nâng tỷ trọng kinh tế xanh trong cơ cấu chung của tỉnh.

Các dự án đã và đang được triển khai (như Sân vận động Thái Nguyên; Khu thể thao sân golf Tân Thái; Flamingo Majestic Islands Resort…) không chỉ khẳng định tiềm năng trở thành trung tâm du lịch, thể thao và nghỉ dưỡng cao cấp phía Tây tỉnh, mà còn tạo động lực mạnh mẽ thu hút đầu tư, hình thành chuỗi dịch vụ hỗ trợ như khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại.

Dự án Sân vận động Thái Nguyên được triển khai thực hiện tại xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên), có tổng mức đầu tư trên 535 tỷ đồng.
Dự án Sân vận động Thái Nguyên được triển khai thực hiện tại xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên), có tổng mức đầu tư trên 535 tỷ đồng.

Đồng chí Phạm Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thái (Đại Từ), cho biết: Từ những lợi thế sẵn có, xã Đại Phúc khi thành lập có đầy đủ cơ sở để phát huy các thế mạnh, từng bước trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ cao cấp phía Tây TP. Thái Nguyên. Trong tương lai, Đại Phúc sẽ phát triển theo định hướng trở thành điểm đến du lịch trọng điểm của tỉnh, kết nối với các trung tâm đô thị lớn. Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được chú trọng nhằm đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. 

Phân tích về vấn đề này trong cuộc làm việc của Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Từ làm việc với Đảng ủy thị trấn Hùng Sơn, đồng chí Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vân Tỉnh ủy, nhấn mạnh: Việc sắp xếp, sáp nhập 5 đơn vị hành chính để thành lập xã Đại Phúc là rất cần thiết, tạo điều kiện để mở rộng không gian phát triển, phát huy được tiềm năng của Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc; góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, người dân thị trấn các địa phương đã đồng thuận, ủng hộ cao đối với chủ trương sáp nhập để thành lập xã mới Đại Phúc.

Ông Phạm Đức Bình, tổ dân phố Tân Sơn, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), chia sẻ: Tôi nhận thấy việc thành lập xã mới Đại Phúc là bước đi đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Chúng tôi kỳ vọng rằng, với cú hích mạnh mẽ từ chủ trương sáp nhập, thị trấn Hùng Sơn hôm nay và xã Đại Phúc trong tương lai sẽ có thêm động lực to lớn để bứt phá phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh Thái Nguyên.

Các chuyên gia quy hoạch cho rằng, nếu có chính sách đầu tư hạ tầng hợp lý và thu hút doanh nghiệp đúng hướng, khu vực này có thể đóng vai trò “vệ tinh” hỗ trợ trung tâm Thái Nguyên, giảm tải áp lực dân cư, hạ tầng và môi trường cho khu vực nội thị.

Có một điều đặc biệt đó là việc chọn tên gọi “Đại Phúc” không chỉ có ý nghĩa tôn vinh các địa danh hiện hữu mà còn mang theo kỳ vọng về một vùng đất “phúc lớn”, nơi hội tụ thịnh vượng và phát triển bền vững.

Hy vọng rằng với nền tảng tiềm năng vững chắc và quyết tâm đổi mới, xã Đại Phúc sẽ trở thành hình mẫu tiêu biểu trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với du lịch xanh và bền vững của tỉnh Thái Nguyên.

Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202505/phat-trien-cuc-tang-truong-moiphia-tay-thai-nguyen-69b0233/


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm