Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch đặc trưng

(Baothanhhoa.vn) - Với vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên, cùng hệ thống hang động và các khu di tích lịch sử, văn hóa... là điều kiện quan trọng để huyện Như Thanh phát triển các loại hình du lịch.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa17/05/2025

Phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch đặc trưng

Du khách trải nghiệm tại xã Xuân Thái.

Đến với Như Thanh, du khách không thể bỏ qua vùng đất Xuân Thái. Đây là xã có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Đến đây khách du lịch được khám phá nhiều hang động đẹp, tham quan sông Mực bằng cano, chèo thuyền kayak, đi bộ trekking; thưởng thức nhiều món ngon đặc sản của núi rừng. Đặc biệt, du khách còn được lưu trú trong những nếp nhà sàn truyền thống, thưởng thức lời ca, điệu múa đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi đây.

Để phát huy tiềm năng lợi thế, xã Xuân Thái đã tuyên truyền sâu rộng đến người dân trên địa bàn về tầm quan trọng, lợi ích của du lịch. Đồng thời khuyến khích, vận động các hộ dân mạnh dạn tham gia phát triển các dịch vụ du lịch. Hiện nay, xã có 7 hộ đầu tư làm các dịch vụ, phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Việc phát triển du lịch ở Xuân Thái đã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Từ đầu năm 2025 đến nay, xã đón 50.000 lượt khách, trong đó có khoảng 3.000 lượt khách nước ngoài.

Ngoài xã Xuân Thái, khi đến với Như Thanh du khách còn được trải nghiệm nhiều loại hình du lịch đặc trưng của huyện, như: Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại Vườn quốc gia Bến En; du lịch sinh thái kết hợp du lịch cộng đồng tại dốc Eo Gắm (xã Hải Long), hang Ngọc gắn với cây lim xanh cổ thụ (xã Xuân Khang); du thuyền trên lòng hồ - du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần thuộc một phần hồ Yên Mỹ (xã Thanh Tân và xã Thanh Kỳ). Du lịch văn hóa tâm linh tại đền Phủ Na (xã Xuân Du); đền Bạch Y công chúa (xã Phú Nhuận); đền Đức Ông Khe Rồng (thị trấn Bến Sung), đền Mẫu Phủ Sung và Di tích lịch sử quốc gia Lò cao kháng chiến (thị trấn Bến Sung).

Xác định phát triển du lịch là 1 trong 3 chương trình trọng tâm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Như Thanh đã ban hành Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm cụ thể hóa chương trình trọng tâm của huyện. Huy động mọi nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ du lịch; gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư xây dựng các khu trung tâm vui chơi giải trí, nhà nghỉ, nhà hàng dịch vụ du lịch; sửa chữa nâng cấp phương tiện, tài sản phục vụ kinh doanh du lịch, trồng cây tạo cảnh quan. Thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, xã, thị trấn bảo vệ cảnh quan môi trường các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa thuộc địa bàn quản lý. Tăng cường công tác kiểm tra các hoạt động du lịch, kinh doanh du lịch và các hoạt động liên quan, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường văn hóa lành mạnh để phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Điều chỉnh phương án bảo tồn phát triển bền vững Vườn quốc gia Bến En giai đoạn 2021-2030 và trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Vườn quốc gia Bến En, giai đoạn 2021-2030 làm cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi thế, cơ hội, thách thức và định hướng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch sinh thái để thu hút các nhà đầu tư và tổ chức cho thuê môi trường rừng phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, huyện Như Thanh đã huy động các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo 5 di tích. Sau khi được trùng tu, tôn tạo, đi vào hoạt động, các di tích đang ngày càng phát huy giá trị, thu hút đông đảo Nhân dân và khách thập phương tới tham quan, chiêm bái, cầu phúc, cầu an, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa tâm linh, quảng bá đất và người Như Thanh.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, ngành du lịch huyện Như Thanh có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện nay, huyện Như Thanh đang khai thác hiệu quả du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bến En kết nối với du lịch cộng đồng của các xã Xuân Thái, Xuân Khang, Xuân Phúc, Hải Long kết hợp với tham quan tại di tích lịch sử Lò Cao kháng chiến Hải Vân và các hoạt động ẩm thực, văn hóa, văn nghệ dân gian. Từ đầu năm đến nay, huyện Như Thanh đã đón hơn 180.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.

Bà Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, cho biết: Để phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch đặc trưng, huyện Như Thanh tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư du lịch; quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn; huy động các nguồn vốn, nguồn lực đầu tư lĩnh vực du lịch. Xây dựng và triển khai đề án lựa chọn một số lễ hội văn hóa đặc trưng, loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tổ chức thường niên nhằm quảng bá, tạo thương hiệu riêng cho du lịch Như Thanh. Phát triển và khôi phục các làng nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, nghề mây tre đan, nghề đan lát mỹ nghệ. Quan tâm đến công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực quản lý nhà nước về du lịch. Ưu tiên bố trí nguồn lực và huy động xã hội hóa để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong du lịch; xây dựng, vận hành các hệ thống du lịch thông minh nhằm quản lý điểm đến an toàn, hiệu quả, văn minh, thân thiện. Chú trọng kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn như: các dịch vụ lưu trú, vận tải du lịch, hướng dẫn du lịch, ăn uống và dịch vụ du lịch khác tại các khu, điểm du lịch và các cơ sở vui chơi giải trí. Tăng cường công tác quảng bá các tiềm năng phát triển du lịch gắn với gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Bài và ảnh: Xuân Anh

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/phat-trien-da-dang-cac-nbsp-san-pham-du-lich-dac-trung-249041.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa
Khám phá Vũng Chua- ‘nóc nhà’ mây phủ của phố biển Quy Nhơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm