Sáng 22-5, Ban Chỉ đạo phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TPHCM (Ban Chỉ đạo) họp phiên thứ nhất. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.
Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Nguyễn Văn Được, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo.
Triển khai với tư duy mới, tầm nhìn mới
Kết luận phiên họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nêu rõ, phiên họp đã bàn, thống nhất cơ bản một số vấn đề rất quan trọng để triển khai thực hiện đề án phát triển mạng lưới đường sắt theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị.

Cùng với đó là kế hoạch triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TPHCM theo Nghị quyết 188 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TPHCM.
Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Vì vậy, TPHCM luôn nhận thức, ý thức trách nhiệm, quyết tâm chính trị trong việc triển khai phát triển mạng lưới đường sắt đô thị. “Không bàn lùi, tất cả chúng ta tìm giải pháp để quyết tâm thực hiện”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nêu rõ.

Về phát triển mạng lưới đường sắt nói chung và phát triển đường sắt đô thị nói riêng, Bí thư Thành ủy TPHCM nêu rõ, đây là nhiệm vụ đột phá chiến lược về giao thông vận tải đã được Bộ Chính trị khẳng định tại Kết luận số 49.
Trong đó, mục tiêu là hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị TPHCM đến năm 2035. Đây là phương thức vận tải số lượng lớn, nhanh, chi phí rẻ, an toàn, cũng là một trục xương sống của hệ thống vận tải công cộng, có vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM.
Trong bối cảnh đang triển khai việc hợp nhất tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và TPHCM, TPHCM mở rộng đang đứng trước cơ hội mới trong việc triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng.

Do đó, TPHCM mới phải triển khai thực hiện theo tư duy mới, tầm nhìn mới, bối cảnh và điều kiện mới. “Có nhiều chủ trương rất mở, những quyết sách rất là mạnh mẽ, tạo hành lang thông thoáng để chúng ta triển khai thực hiện”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh và nêu rõ sau khi sắp xếp hợp nhất các tỉnh, thành thì Vùng Đông Nam bộ còn lại 3 tỉnh, thành tạo nên một vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo mô hình, kết cấu và không gian phát triển mới.
Cho nên trong xây dựng kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông cũng như đường sắt đô thị nói riêng, TPHCM xác định tầm nhìn, tư duy mới trong điều kiện mới hiện nay. Trong đó, với góc nhìn mới, TPHCM mở thêm hướng phát triển hệ thống đường sắt đô thị ra hướng biển Cần Giờ, về hướng Đồng Nai, Bình Dương...
Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn
Lưu ý một số nội dung trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy TPHCM chỉ đạo, TPHCM khẩn trương rà soát lại quy hoạch phát triển giao thông trong điều kiện mới hiện nay để kịp thời bổ sung, điều chỉnh.

Cùng với đó, khẩn trương hoàn thiện các thể chế, cơ chế, chính sách của TPHCM. Đồng thời nhanh chóng hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách có liên quan tới việc phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TPHCM.
Để làm được việc này, thành phố phải chủ động nghiên cứu, chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành của Trung ương, trong đó có các cơ quan Chính phủ và Quốc hội để cụ thể hóa và có hướng dẫn những cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là trong đề án.
Trong phạm vi của TPHCM, các sở, ngành cần phải phối hợp chặt chẽ để tham mưu trình cho HĐND TPHCM ban hành những cơ chế, chính sách theo thẩm quyền.

Về huy động và bố trí vốn, TPHCM phải khẩn trương xây dựng kế hoạch đề ra. Trong đó, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn để chủ động về nguồn vốn nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng và tiến độ thực hiện các dự án.
Đồng thời, tích cực tham mưu trình HĐND TPHCM để thông qua nghị quyết bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trong giai đoạn 2026-2030 và 2031-2035, phù hợp với tiến trình đầu tư các dự án theo danh mục, theo lộ trình triển khai thực hiện theo Nghị quyết 188 của Quốc hội.

Nhấn mạnh mô hình quản lý vận hành là rất quan trọng, Bí thư Thành ủy TPHCM chỉ đạo, nhanh chóng nghiên cứu đề xuất mô hình quản lý vận hành cho phù hợp với thực tế của TPHCM và đất nước.
Bí thư Thành ủy TPHCM cũng yêu cầu, cơ chế hoạt động của Ban Chỉ đạo phải rõ ràng, phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, đặc biệt là phải tính toán đến việc giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án khi không còn tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện.
Đồng thời, khẩn trương lập tổ chức tư vấn trong và ngoài nước; nghiên cứu tham khảo các mô hình của các nước có hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị hiện đại...

Đồng chí lưu ý, TPHCM quan tâm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án, qua đó đảm bảo có mặt bằng đúng theo tiến độ, thời gian, kế hoạch triển khai thực hiện.
“Không chỉ là bồi thường mà tính tái định cư hợp lý, đi đôi với đó là xây dựng những chính sách đảm bảo cho lợi ích của người dân bị ảnh hưởng của các dự án này”, đồng chí Nguyễn Văn Nên chỉ đạo.
Quá trình triển khai, mọi thủ tục phải rút ngắn, đơn giản hóa các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ, nhất là khâu giải phóng mặt bằng phải nhanh, hiệu quả và cơ chế bồi thường phải minh bạch, tạo sự đồng thuận cao nhất của người dân. Về chính sách tài chính và huy động vốn cần có kế hoạch phân bổ hợp lý, hiệu quả và tối ưu hóa các nguồn vốn khác, để giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Cùng với đó, tính toán bố trí nhân lực gắn với ứng dụng khoa học công nghệ để quản lý hiệu quả; phương pháp giám sát trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình, thiết lập cơ chế thông tin kết nối báo cáo định kỳ, đồng thời là có giám sát và xử lý nghiêm những vi phạm.
Phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TPHCM là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển TPHCM. Trước khối lượng công việc lớn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Thanh Nghị đề nghị sớm hoàn chỉnh, cụ thể hóa quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; kiện toàn các tổ công tác, tổ tư vấn, các tổ chức trực thuộc Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo phân công của Ban Chỉ đạo...
Đồng chí cũng lưu ý cụ thể đến việc triển khai thực hiện các dự án tuyến đường sắt đô thị; mô hình vận hành, quản lý; cơ chế tài chính và huy động vốn; tổ tư vấn trong và ngoài nước...
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/phat-trien-he-thong-duong-sat-do-thi-la-nhiem-vu-dot-pha-chien-luoc-phat-trien-tphcm-trong-tuong-lai-post796336.html
Bình luận (0)