Đưa công nghệ vào sản xuất thực phẩm giúp tăng năng suất, chất lượng và yêu cầu của thị trường |
Phục vụ người dân và doanh nghiệp
"Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Đột phá đưa đất nước bước vào kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng" là chủ đề của Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2025. Cùng với cả nước, Huế ghi nhiều dấu ấn quan trọng, từng bước khẳng định vị thế của một thành phố đổi mới, thông minh, sáng tạo và là một trong những trung tâm lớn về khoa học, công nghệ của cả nước. Chỉ trong vài năm, thành phố Huế đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ việc đạt Giải thưởng Thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á (2019), đến chuỗi 5 năm liên tiếp đạt Giải thưởng Sao Khuê với nền tảng Hue-S, Huế đã khẳng định vai trò tiên phong trong ứng dụng công nghệ số vào quản lý đô thị và phục vụ người dân.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, các nền tảng số như Hue-S, hệ thống báo cáo số, bản đồ số… đã tạo sự minh bạch, kết nối liên ngành và phục vụ thiết thực đời sống người dân, doanh nghiệp.
Thống kê đến nay, thành phố đã cung cấp hơn 20 dịch vụ đô thị thông minh, có hơn 1,3 triệu tài khoản sử dụng Hue-S. Nhiều chỉ số quan trọng khác cũng cải thiện vượt bậc: Chỉ số DTI của Huế liên tục nằm trong top đầu cả nước; chỉ số PCI tăng từ hạng 20 (2019) lên hạng 8 (2023); PAPI giữ vững vị trí số 1 toàn quốc.
Ông Nguyễn Khanh (phường Thủy Xuân, quận Thuận Hóa) nói: "Trước kia, hàng tháng tôi phải về tận quầy thu ngân để nộp tiền điện, tiền nước, hay muốn đi làm thủ tục gì cũng mất thời gian. Giờ chỉ cần vài thao tác trên điện thoại thông minh là hoàn tất các thủ tục. Muốn phản ánh ô nhiễm, đèn đường tối nguy hiểm, đường sá hư hỏng... tôi chỉ cần mở Hue-S trên điện thoại là có thể gửi hình ảnh phản ánh rất nhanh gọn. Thực sự công nghệ số đang phục vụ người dân và đem lại nhiều tiện ích cho cuộc sống".
Hiện trên địa bàn thành phố có hơn 73,3% doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tham gia vào các hoạt động giao dịch điện tử trên môi trường mạng. Những nền tảng, ứng dụng không chỉ giúp chính quyền, cơ quan Nhà nước đẩy mạnh quản lý, phục vụ mà chính doanh nghiệp cũng được hưởng lợi rất nhiều từ chuyển đổi số. Chị Lê Thị Như Quỳnh, người sáng lập Công ty Bạch Mã Herbals chia sẻ: "Ứng dụng công nghệ số giúp đơn vị đẩy mạnh các đơn hàng, mở rộng kết nối thị trường và quản lý vận hành hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn. Không chỉ được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, công nghệ, những doanh nghiệp trẻ còn được "hội nhập" ứng dụng các nền tảng số dành cho doanh nghiệp mà thành phố đầu tư hỗ trợ".
Hiện tại, Huế có 359 doanh nghiệp công nghệ số và 229 doanh nghiệp nền tảng số hoạt động tích cực, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, du lịch và nông nghiệp thông minh.
Gắn khoa học, công nghệ với thực tiễn
Một trong những dấu ấn KH&CN của thành phố là tỷ lệ đề tài nghiên cứu có ứng dụng thực tiễn đạt 65%. Các đề tài nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp sáng tạo ngày càng hướng đến giải quyết nhu cầu thực tế của người dân, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã bắt đầu đẩy mạnh đầu tư cho mục tiêu đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển, hợp lý hóa sản xuất và đổi mới sáng tạo.
Để thúc đẩy phát triển, đa dạng hóa sản phẩm địa phương, thời gian qua, ngành KH&CN tăng cường triển khai các nhiệm vụ KH&CN nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, tập trung vào việc nghiên cứu chọn tạo giống, phòng trừ bệnh, xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn tiên tiến, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ... Trong đó phải kể đến một số sản phẩm chủ lực, đặc trưng của Huế đã vươn ra thị trường lớn như: Tinh dầu, các sản phẩm từ sen, thanh trà, bánh, bột ngũ cốc hữu cơ, trà từ các loại thảo mộc bản địa, áo dài, hàng thủ công mỹ nghệ...
Hiện thực hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Chương trình 115-Ctr/TU hành động thực hiện nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn đã được Thành ủy Huế ban hành ngày 24/2/2025. Đây là chương trình mang tính đột phá lớn, là động lực trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố, tạo nền tảng chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng và thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, đưa thành phố Huế trở thành "Đô thị di sản, có bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn và bền vững".
"Để thực hiện thành công Nghị quyết 57 trên địa thành phố, ngành KH&CN xác định đây là cuộc cách mạng của toàn xã hội, đòi hỏi sự đồng lòng và kiên trì từ tất cả các bên liên quan. Người dân và doanh nghiệp được coi là trung tâm và nguồn lực chính, lực lượng trí thức và nhà khoa học là nhân tố then chốt đối với sự phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số", bà Trần Thị Thùy Yên, Phó Giám đốc Sở KH&CN thông tin.
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/khoa-hoc-cong-nghe/phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-va-chuyen-doi-so-toan-dien-153690.html
Bình luận (0)