Học sinh Trường Tiểu học Phú Mỹ 2 (Phú Vang) báo công lên Bác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Kim Phượng

Những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống ở Huế với những kiến thức đã học được trong nhà trường cộng với thực tiễn đấu tranh sôi động của các phong trào yêu nước trên đất Cố đô đã tạo nên bước chuyển biến trong tư tưởng cứu nước, cứu dân của Người trước tuổi 20. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nhận xét: “Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học. Những năm tháng đó là thời gian cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”.

Bảo tàng Hồ Chí Minh là nơi lưu giữ hơn 1.300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật được trưng bày trên một dòng thiết kế mỹ thuật vừa truyền thống, vừa hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa Huế; chuyển tải sâu sắc nội dung về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với cuộc đấu tranh của Nhân dân Huế dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ. Đồng thời, tạo điểm nhấn đi sâu vào quãng đời thơ ấu và thanh niên của Bác Hồ ở Huế, những tình cảm thiêng liêng ấm áp của một vị lãnh tụ đối với con người và mảnh đất này, cũng như tình cảm và tấm lòng con người vùng đất Huế hướng về Bác, là “địa chỉ đỏ” thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu, giúp họ hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu.

Trong nội dung những cuốn sổ viết cảm tưởng được ghi nhiều thứ tiếng khác nhau như Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc… cho thấy sự đa dạng của đối tượng khách đến với địa chỉ này.

Mỗi cảm nhận khách tham quan để lại trong cuốn sổ cảm tưởng được những người làm công tác bảo tàng hào hứng đọc đi đọc lại nhiều lần. Trong đó, dễ dàng bắt gặp những dòng lưu bút đầy tình cảm chân thành của du khách thập phương như: “Cuộc viếng thăm Bảo tàng tuy không dài nhưng đây là một trải nghiệm tuyệt vời” của đoàn khách đến từ Viện Nghiên cứu Raffles của Singgapore; “Chuyến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (nay là TP. Huế) rất thú vị, tôi nghĩ tôi sẽ học và làm theo những tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tốt nhất. Mọi người trên thế giới sẽ hạnh phúc và vui vẻ” của ông Sertep Boonterm đến từ Thái Lan; “Bảo tàng rất thú vị. Tôi thật sự thích thú khi được hiểu hơn về lịch sử Việt Nam và Huế. Tôi hy vọng Bảo tàng Hồ Chí Minh sẽ phát triển một cách tốt nhất” của du khách Katie Vincic đến từ Mỹ...

Lưu Hồng Nhung, sinh viên lớp 45E, Khoa Lịch sử, Đại học Vinh viết trong sổ cảm tưởng: “Lần đầu tiên tôi đặt chân đến mảnh đất Huế thân thương và được tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tôi thật sự xúc động và ngưỡng mộ, những hình ảnh và hiện vật ở đây trưng bày rất đẹp. Cảm ơn cán bộ Bảo tàng đã tạo điều kiện và dành nhiều thời gian để hướng dẫn và cung cấp cho chúng tôi những gì mà chúng tôi chưa biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt trong 10 năm Người cùng với gia đình sống ở Huế  và mong rằng một ngày nào đó tôi hy vọng được quay trở lại…”.

Đại diện đoàn du khách Hải quân chia sẻ: “Lần đầu tiên đến với Cố đô Huế và tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh là điều tuyệt vời nhất trong những trải nghiệm của tôi. Ở đây, tôi lại bắt gặp hình ảnh bình dị của Người - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Cảm ơn những người dân xứ Huế đã lưu giữ lại những kỷ niệm thân thương của Người”.

Và trong những dòng cảm tưởng mà khách để lại cho Bảo tàng, chúng tôi đặc biệt chú ý đến cảm nhận của các em học sinh, để qua đó, hiểu được thế hệ trẻ đang cần gì, cảm nhận gì sau khi tiếp xúc với những hiện vật lịch sử, văn hóa của dân tộc, của đất nước đang trưng bày, lưu giữ tại đây.

Đến từ Trường Tiểu học Phường Đúc (Huế), các em đã cùng chung những dòng ghi cảm tưởng: “Hôm nay chúng em được nhà trường cho đi tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh. Nơi đây chúng em được tìm hiểu về nhiều kỷ vật của Bác Hồ, Người đã cống hiến cả đời mình cho cách mạng”…

Đối với những người làm công tác bảo tàng, những dòng cảm nhận, vài lời cảm ơn của du khách thực sự là món quà tinh thần, động lực to lớn giúp cán bộ bảo tàng ngày càng nỗ lực hơn nữa trong công tác chuyên môn, bài trí, thuyết minh giới thiệu hiện vật, là động lực to lớn giúp cho cán bộ bảo tàng ngày càng nỗ lực hơn nữa để xây dựng, đưa Bảo tàng Hồ Chí Minh TP. Huế  thực sự là một điểm đến quan trọng, phục vụ hiệu quả nhu cầu thưởng thức văn hóa của khách tham quan.

Nguyễn Thị Ngọc Yến

Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/cam-nhan-cua-ban-la-dong-luc-cua-chung-toi-153689.html