Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát triển kinh tế từ các làng nghề truyền thống

Việt NamViệt Nam09/04/2025


Nam Định là cái nôi của nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, trong đó nhiều làng nghề tồn tại và phát triển hàng trăm năm, sản phẩm được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Sự phát triển của các làng nghề đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập, gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống.

Nghề sơn mài ở xã Yên Tiến (Ý Yên) đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều lao động.
Nghề sơn mài ở xã Yên Tiến (Ý Yên) đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều lao động.

Nghề ươm tơ ở làng Cổ Chất ở xã Phương Định (Trực Ninh) có từ thời nhà Trần, trải qua nhiều đời truyền dạy và làm nghề, hiện Cổ Chất là một trong số rất ít ngôi làng trong cả nước còn ươm tơ theo phương thức thủ công truyền thống. Ngày nay, trong làng vẫn còn nhiều những xưởng kéo tơ, tiếng lách cách, tiếng thoi đưa rộn rã. Gắn bó với nghề dệt tơ từ hơn 10 năm nay, hàng ngày từ 7 giờ sáng chị Nguyễn Thị Huê lại đến xưởng dệt của gia đình chị Đoàn Thị Huê để làm việc. Công việc tuy không vất vả nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và kiên nhẫn. Những sợi tơ mỏng mảnh liên tục được kéo lên các bát tơ, khi đủ dày thì được chuyển sang guồng tơ, ghim mặt và tháo tơ ra phơi nắng, tơ này gọi là tơ sống. Mỗi một ngày công, chị Hoa được nhận 210 nghìn đồng, đủ để thêm yêu nghề và trang trải cuộc sống gia đình. Cũng như chị Huê, bà Lan cũng là người làng Cổ Chất, biết và gắn bó với nghề từ những ngày còn trẻ. Hiện nay, tuy đã lớn tuổi nhưng bà rất vui khi còn được gắn bó với nghề truyền thống của quê hương. Để góp phần gìn giữ và phát triển nghề tơ lụa truyền thống, một số hộ dân hiện đã chủ động đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ hiện đại vào công đoạn se tơ, dệt lụa, cho năng suất và thu nhập cao hơn. Nhờ kỹ thuật ươm tơ của người xưa, sản phẩm tơ lụa Cổ Chất hiện đại dù sản xuất thủ công hay trang thiết bị hiện đại vẫn giữ được chất lượng cao, sợi tơ mảnh mà bền, mượt mà, óng ả bắt mắt. Hiện tại, làng còn duy trì hơn 30 hộ làm nghề, không chỉ đem lại cuộc sống ấm no cho người dân, nghề ươm tơ còn góp phần lưu giữ nghề truyền thống của địa phương. 

Ở thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng), nghề mây tre đan có mặt ở khắp khu dân cư nhưng tập trung nhiều nhất ở tổ dân phố số 5 với 100/180 hộ làm nghề. Ngoài những lúc làm nông, nhà nhà lại tranh thủ đan lát và đem sản phẩm ra các chợ trong vùng bán. Những sản phẩm gia dụng và phục vụ nhu cầu lao động sản xuất, đánh bắt thủy sản từ mây tre đan của tổ dân phố được người tiêu dùng đánh giá cao. Có nhiều gia đình cả 3 thế hệ cùng làm nghề. Gia đình anh Vũ Văn Lợi làm nghề mây tre đan từ thời các cụ. Gia đình anh cũng là một trong những địa chỉ uy tín cung cấp sản phẩm đi khắp các nơi trong và ngoài tỉnh. Mỗi tháng vợ chồng anh chị đan được khoảng 1.000 chiếc lờ cáy, lờ rạm, lờ rốc. Trung bình mỗi năm, thu nhập từ nghề truyền thống của gia đình đạt trên dưới 200 triệu đồng. Từ nghề đã giúp anh xây được nhà cửa khang trang, nuôi dạy con cái ăn học nên người.  Để tạo ra những sản phẩm thủ công sắc nét, ngoài sự tỉ mỉ kiên nhẫn, chăm chỉ, đôi bàn tay khéo léo, người thợ còn gửi gắm vào đó cả tâm huyết của mình trong từng mối đan để mỗi thành phẩm mây tre đan của làng khi bán ra thị trường luôn toát lên được hồn vị và bản sắc riêng của mây tre đan Quỹ Nhất mà không bị lẫn với các sản phẩm của những địa phương khác. Có thời kỳ cao điểm, nhu cầu của người dân tăng cao, người dân làm ngày làm đêm mới đáp ứng được thị trường trong và ngoài huyện nhất là các xã, thị trấn ven biển, ven các bờ sông Đáy, sông Ninh. Là một nghề phụ, song sản xuất các sản phẩm mây tre đan đã đem lại cho người làm nghề khoản thu nhập chủ đạo cho các gia đình. Thu nhập trung bình của mỗi người từ 200 đến 300 nghìn đồng/ngày trở lên, trong đó lao động chủ yếu là người già, những phụ nữ chưa có công việc ổn định và trẻ nhỏ cũng có thể làm thêm.

Những năm gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề ở nông thôn đã thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Để thích ứng với thị trường, các làng nghề trên địa bàn tỉnh đã chủ động ứng dụng, chuyển đổi dữ liệu và quy trình làm việc từ thủ công sang số hóa, tự động hóa. Các làng nghề cũng đẩy mạnh chuyển đổi số để mở rộng thị trường tiêu thụ như sử dụng mạng xã hội, xây dựng website, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử. Một số làng nghề truyền thống đang hoạt động ổn định và có khả năng phát triển bền vững trong tương lai như: các làng trồng hoa cây cảnh Vị Khê, Lã Điền, Trừng Uyên ở xã Nam Điền (Nam Trực); làng nghề đồ gỗ khảm trai Bình Minh, xã Hải Minh (Hải Hậu); làng nghề mộc mỹ nghệ Ninh Xá, Lũ Phong và La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên); bún Phong Lộc Tây (thành phố Nam Định), cơ khí Xuân Tiến (Xuân Trường)… Bình quân mỗi năm, giá trị sản xuất của các làng nghề ước đạt gần 6.000 tỷ đồng; trong đó, nhóm hàng chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản chiếm 1,94%; nhóm hàng thủ công mỹ nghệ chiếm 10,78%; nhóm hàng sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan... chiếm 48,04%; nhóm cây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh 37,30%; nhóm xây dựng, vận tải và các dịch vụ khác phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn chiếm 1,92%. Thu nhập bình quân từ các nhóm ngành nghề trong làng nghề nông thôn từ 2,5-7 triệu đồng/người/tháng tùy theo từng nhóm ngành nghề, nhóm nghề. Thu nhập cao nhất là nhóm nghề sản xuất đồ gỗ, mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng và thu nhập thấp nhất là nhóm nghề chiếu, cói, thêu ren. 

Để thúc đẩy các làng nghề phát triển, các địa phương đã đẩy mạnh liên kết tìm đầu ra; hỗ trợ đào tạo, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất. Đồng thời chủ động lập và triển khai thực hiện quy hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm, điểm công nghiệp tại các vị trí thuận lợi về hạ tầng giao thông, điện, nước nhằm tạo không gian phát triển theo hướng tập trung, đồng bộ cho các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề, thuận tiện trong công tác quản lý, khắc phục mặt trái gây ô nhiễm môi trường của các làng nghề. Chú trọng thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh các ngành nghề truyền thống và phát triển các làng nghề. Tỉnh cũng có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hình thành hệ thống phân phối lớn trong và ngoài nước. Đồng thời, dành sự quan tâm đặc biệt đối với nghệ nhân, thợ giỏi nghề thủ công mỹ nghệ, giúp họ gắn bó với nghề; từ đó góp phần thúc đẩy làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề nói riêng và công nghiệp nông thôn nói chung trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững.

Việc duy trì và phát triển các nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh không chỉ giúp người dân phát triển sản xuất, mang lại thu nhập, ổn định đời sống mà còn tận dụng tốt thời gian lao động nhàn rỗi, khắc phục được tính thời vụ trong sản xuất nông nghiệp. Qua đây, góp phần phân bổ hợp lý lực lượng lao động nông thôn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương.

Bài và ảnh: Hồng Minh



Nguồn: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202504/phat-trien-kinh-tetu-cac-lang-nghe-truyen-thong-5c41266/

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm