Phát biểu khai mạc Diễn đàn năng lượng Việt Nam năm 2025 với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy phát triển nhanh các nguồn năng lượng mới kiến tạo kỷ nguyên kinh tế mới”, chiều ngày 31/3, TS Chử Văn Lâm - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã định hướng rõ nét con đường phát triển. Việt Nam xác định phải giải nhiều bài toàn cùng một lúc để có thể đạt được các mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước.
Một trong những nguồn lực có tính nền tảng và huyết mạch cho nền kinh tế là điện năng và các nguồn năng lượng xanh, sạch. Đáp ứng yêu cầu cấp bách phục vụ các mục tiêu phát triển, nhu cầu điện năng đã được các cơ quan quản lý và các chuyên gia tính toán cần phải tăng từ 12-16% mỗi năm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho rằng, quá trình thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức liên quan đến xét duyệt đầu tư, nhân lực, công nghệ và thị trường. Hiện sự tăng trưởng của các nguồn năng lượng tái tạo đang chững lại.
Nguyên nhân xuất phát từ việc phân bổ quy mô công suất nguồn điện mặt trời, điện gió theo tỉnh chậm gần 1 năm sau khi có Quyết định phê duyệt Quy hoạch Điện VIII; nhà đầu tư năng lượng tái tạo còn tâm lý e ngại. Hiện chưa đủ các quy định để triển khai điện gió ngoài khơi, chưa có dự án nào trong quy mô 6.000 MW được triển khai.
“Thách thức đối với việc phát triển năng lượng tái tạo là nhu cầu vốn đầu tư cho nguồn và lưới truyền tải tới hơn 136 tỷ USD trong 5,5 năm, cao hơn nhu cầu vốn trong 10 năm của Quy hoạch Điện VIII. Giả thiết trung bình quy mô mỗi dự án điện mặt trời và điện gió trên bờ là 50 MW thì số lượng dự án điện mặt trời và điện gió dự kiến xây dựng trong điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII rất lớn, từ 400 – 640 dự án điện gió; 600 – 1.100 dự án điện mặt trời.
Điều này cần nhiều nhân lực cho công tác chọn nhà đầu tư, xét duyệt, quản lý nghiệm thu dự án tại các địa phương”, ông Tuấn nói.
Đối với năng lượng hạt nhân, theo ông Tuấn, quy mô phát triển các nguồn tích năng, linh hoạt, lưu trữ lớn, trong khi chưa có quy định thị trường và giá cả mua/bán điện cho các loại hình này. Các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, mặc dù đã có cơ chế đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ nhưng cần thêm thời gian để hoàn thiện các hành lang pháp lý.
Việt Nam hiện chưa làm chủ công nghệ nên mục tiêu hoàn thành xây dựng điện hạt nhân trong hơn 5 năm là thách thức lớn.
Ông Tuấn đề xuất cần giải quyết nhanh, dứt điểm và hợp lý hợp tình với các dự án năng lượng tái tạo có vướng mắc về thủ tục đầu tư trong giai đoạn được hưởng FIT (biểu giá điện hỗ trợ) và chậm FIT, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Để giảm gánh nặng đàm phán giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam với từng dự án điện năng lượng tái tạo trong khi lượng dự án lớn, có thể xem xét áp dụng cơ chế FIT linh hoạt áp dụng với từng vùng miền khác nhau, thời hạn hưởng FIT ngắn hơn. Đối với điện mặt trời mái nhà với quy mô nhỏ cần có thêm chính sách khuyến khích về bán điện dư.
“Cần tăng cường năng lực các địa phương trong xét duyệt, chọn nhà thầu và quản lý dự án năng lượng tái tạo. Có các quy định cụ thể hơn về giao khu vực khảo sát, giao phát triển dự án điện gió ngoài khơi. Đồng thời, cần thực hiện cơ chế điều chỉnh giá điện linh hoạt các yếu tố đầu vào theo Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg; thúc đẩy thành lập thị trường điện bán buôn và bán lẻ”, ông Tuấn khuyến nghị.
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/phat-trien-nang-luong-tai-tao-con-gap-nhieu-thach-thuc/20250331043807193
Bình luận (0)