>>>Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ
>>>Yên Bái đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ
>>>Sản xuất hữu cơ giúp Yên Bái mở cửa thị trường xuất khẩu
Phát triển mô hình nông nghiệp đa giá trị
Chị Đinh Thị Đương, người dân tộc Mường ở xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ đã đi đầu làm du lịch cộng đồng với điểm nhấn là giúp du khách thích trải nghiệm, khám phá văn hóa bản địa của dân tộc Mường. Khởi đầu với cái tên rất giản dị "Homestay và ẩm thực Bếp Mường”, chị Đương đã xây dựng các tour, tuyến đưa khách du lịch đạp xe xung quanh bản làng bình yên.
Ở đó có một không gian bản Mường giúp du khách cảm nhận những giá trị văn hóa độc đáo của người Mường với kiến trúc nhà ở đặc trưng, nét sinh hoạt văn hóa thường nhật cùng tín ngưỡng và lễ hội dân gian còn lưu giữ đến ngày nay.
Chị Đương chia sẻ: "Đúng như tên gọi "Homestay và ẩm thực Bếp Mường”, chúng tôi tự tay vào bếp và giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của địa phương ngay trên mâm cơm vô cùng độc đáo. Không ăm ắp thịt, xôi, cá mà chỉ rặt một màu xanh của rau củ, măng rừng, cá dưới ao, gà trong vườn…, tất cả đều từ đồng đất Phúc Sơn mà ra. Đến nay, sau 2 năm "Homestay và ẩm thực Bếp Mường” đi vào hoạt động, lượng khách du lịch đã tăng lên và đã được các công ty lữ hành ký hợp đồng phục vụ du khách”.
Du khách Hà Văn Công ở Hà Nội chia sẻ: "Cảm nhận đầu tiên của mình khi đến đây thấy không gian rất rộng rãi, thoải mái, không khí rất trong lành. Đặc biệt là những ngôi nhà sàn của người Mường khiến mình thấy rất thích thú, ẩm thực ở đây cũng rất ngon, con người thì hồn hậu, thân thiện. Mình và những người thân trong gia đình đã có những trải nghiệm rất ý nghĩa khi đến đây”.
"Chúng tôi đã nhận được sự đánh giá và ủng hộ cao của khách hàng, nhất là những khách hàng ưa trải nghiệm, khám phá văn hóa và con người nơi mảnh đất Mường Lò. Nhờ đó, đã mang lại cho gia đình tôi thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm. Không chỉ riêng gia đình tôi mà cả các hộ dân khác trong vùng cũng có thu nhập từ việc bán các sản phẩm nông nghiệp cho du khách và tham gia trình diễn văn hóa Mường mỗi khi khách có yêu cầu”, chị Đương bộc bạch.
Du khách đến tham quan, trải nghiệm và khám phá vùng đất và con người của mảnh đất Mường Lò.
Từ nhiều năm qua, những thửa ruộng bậc thang ở huyện vùng cao Mù Cang Chải không chỉ mang về thóc, lúa cho đồng bào Mông mà những giá trị từ thiên nhiên, thổ nhưỡng, văn hóa tộc người từ những thửa ruộng này đã mang lại những giá trị vô cùng lớn.
Câu chuyện tại Hợp tác xã (HTX) Du lịch Đồi mâm xôi xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải là một ví dụ. HTX được thành lập vào tháng 7/2022 với 7 thành viên. HTX hiện đang thuê gần 5 ha diện tích ruộng bậc thang tại khu vực đồi mâm xôi để cấy lúa và làm du lịch. Vào các tháng cao điểm của mùa du lịch, HTX tạo công ăn việc làm cho trên 10 lao động thời vụ và quản lý 500 xe ôm đưa khách đi tham quan khu vực đồi mâm xôi, tạo nguồn thu đáng kể cho người dân địa phương.
Chị Giàng Thị Bầu - bản Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn cho biết: "Không chỉ cho HTX thuê đất mà gia đình chúng tôi còn trực tiếp làm thuê cho HTX với tiền công 150 nghìn/ngày. Ngoài ra, tôi còn cho du khách thuê trang phục truyền thống, bán thêm các sản phẩm truyền thống của người Mông cho khách du lịch để có thêm thu nhập. Từ ngày làm du lịch và có HTX, đời sống của chúng tôi đã khá hơn trước rồi”.
Giám đốc HTX đồi Mâm xôi Lý A Dờ cho biết: "HTX đã thuê bà con làm việc ngay trên chính ruộng của nhà mình để tăng thu nhập. Đồng thời gắn các hoạt động canh tác ruộng bậc thang của bà con với phát triển du lịch, quảng bá rộng rãi hình ảnh Đồi Mâm xôi đến với du khách trong và ngoài nước. Giúp bà con có thêm cơ hội để vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ngay trên mảnh đất quê hương. HTX là một trong những HTX trên địa bàn huyện Mù Cang Chải do nông dân làm chủ đã phát huy hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho họ ngay trên mảnh đất quê hương”.
Nông nghiệp đa giá trị - mở hướng cho nông dân làm giàu
Sau khi đi tham quan một mô hình trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao như: nho Hạ đen, nho Mẫu đơn, cây Cherry Braxin, lựu đỏ Ấn Độ… tại các tỉnh: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Sơn La, tháng 6/2023, ông Phùng Đức Nghĩa đã thành lập HTX sản xuất nông nghiệp và du lịch Tình Nghĩa với ngành nghề kinh doanh trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm và làm mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm.
Đến nay, HTX đã thực hiện trồng hơn 2.500 cây nho Hạ đen, nho Mẫu đơn; 150 cây nho thân gỗ; 150 cây giống cây Cherry Braxin và một số loại hoa cây cảnh, cây ăn quả khác. Theo đánh giá, các loại cây trồng đều phát triển tốt. Riêng cây Nho hạ đen và cây Chery Braxin đã cho quả sau 6 tháng trồng. Chất lượng quả đều đạt yêu cầu về kích thước, màu sắc, trọng lượng. Chi phí đầu tư cho 1 ha trồng nho khoảng 3 tỷ đồng. "Tuy chi phí khá cao nhưng với năng suất bình quân đạt 16 - 18 tấn/ha, giá bán 120.000 - 150.000 đồng/1kg, ước tính sau 2 năm trồng nho đã có thể thu hồi vốn” - ông Nghĩa phấn khởi khoe.
Khi chọn địa điểm thực hiện dự án, HTX sản xuất nông nghiệp và du lịch Tình Nghĩa đã chọn Tân Hương là một xã thuần nông của huyện Yên Bình. HTX đã đưa những ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, những giống cây có giá trị kinh tế cao để tạo ra sản phẩm hàng hóa, từng bước hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm thay đổi nhận thức và nâng cao thu nhập cho người dân.
Xây dựng thành công mô hình trồng nho công nghệ cao kết hợp với du lịch nông nghiệp từng bước tạo thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, HTX sẽ phát triển quy mô trồng tập trung, bền vững, an toàn; bảo đảm sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng cao.
"Đây là một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng phát huy những giống cây trồng, vật nuôi mới đặc sản; tạo công ăn, việc làm nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước hình thành chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm. Thành công HTX sẽ góp phần tạo điều kiện phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm, thu hút khách du lịch đến tham quan mô hình và thưởng thức đặc sản địa phương. Từ đó, người dân có thêm thu nhập, mở ra nhiều cơ hội làm giàu cho người nông dân” - quyền Chủ tịch xã Tân Hương Trần Quang Trung cho biết.
Từ thực tế cho thấy, Yên Bái là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp và người nông dân đã khai thác những giá trị gia tăng từ nông nghiệp, kết hợp văn hóa, du lịch... để tạo nên một điểm đến thu hút du khách. Việc phát triển loại hình HTX kết hợp hoạt động du lịch sẽ thúc đẩy nông nghiệp sạch phát triển; thu hút và tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương. Nếu được quản lý và khai thác tốt sẽ là cầu nối để quảng bá sản phẩm của địa phương và kết hợp phát triển du lịch sinh thái, hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của du lịch nông nghiệp cho người lao động trong vùng có tiềm năng.
Nông nghiệp tích hợp đa giá trị là tạo ra giá trị gia tăng tối ưu trên một đơn vị diện tích canh tác, trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp diện tích và chịu tác động từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Tích hợp đa giá trị là kết tinh tài nguyên bản địa, với các kỹ thuật, công nghệ chế biến tiên tiến, và cả những bản sắc văn hoá - xã hội, tạo thành thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn; kết nối hài hoà nông nghiệp truyền thống với các mô hình nông nghiệp hữu cơ, thông minh, tuần hoàn...
Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên
Chẳng hạn như mô hình nuôi cá tầm kết hợp với phát triển du lịch của HTX nông nghiệp và du lịch Nà Hẩu, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên đã mang lại tối đa lợi ích cho người dân. Việc nuôi cá tầm tại các vùng nước sạch ở Nà Hẩu không chỉ tận dụng nguồn tài nguyên tự nhiên mà còn tạo ra sản phẩm có giá trị thương mại lớn, cung cấp cho thị trường. Người dân có thu nhập từ cá tầm và các sản phẩm nông nghiệp khác giúp cải thiện đời sống của người dân địa phương, tạo công ăn việc làm và giảm nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc HTX cho biết: Mô hình nuôi cá tầm gắn với tiêu chuẩn bền vững giúp bảo vệ nguồn nước sạch. Du khách đến Nà Hẩu có thể tham gia trải nghiệm nuôi cá tầm, tìm hiểu về quy trình sản xuất bền vững, kết hợp khám phá cảnh quan thiên nhiên và ẩm thực địa phương. Đây là điểm nhấn hấp dẫn, thu hút du khách và nâng cao giá trị của mô hình nông nghiệp. Thông qua các hoạt động du lịch, người dân và du khách được nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế bền vững.
Tại Yên Bái, nhiều địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, bà con còn khai thác những giá trị gia tăng từ nông nghiệp, kết hợp văn hóa, du lịch... để tạo nên một điểm đến thu hút du khách. Các địa phương đang ngày càng hướng đến một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng: nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh.
Mạnh Cường
(Bài 2: Tạo bước đột phá hướng đến phát triển bền vững)
Nguồn: https://baoyenbai.com.vn/12/348474/Phat-trien-nong-nghiep-da-gia-tri-o-Yen-Bai-Co-hoi-va-thach-thuc---Bai-1-Tang-gia-tri-san-pham-cho-nguoi-nong-dan.aspx
Bình luận (0)