Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Yên Bái từ truyền thống cách mạng đến khát vọng thịnh vượng

Việt NamViệt Nam16/04/2025


YênBái - Sau ngày đất nước thống nhất, Yên Bái tiếp tục hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, xây dựng cuộc sống mới. Công trình Nhà máy Thủy điện Thác Bà - “đứa con đầu lòng” của ngành thủy điện Việt Nam, là biểu tượng cho tinh thần sáng tạo và vươn lên trong gian khó của Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh. Bước vào công cuộc đổi mới và tái lập tỉnh năm 1991, Yên Bái đã có bước chuyển mình mạnh mẽ.

Một góc thành phố Yên Bái hôm nay.
Một góc thành phố Yên Bái hôm nay.

Ngày 3/2/1930, tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành một Đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng là một sự kiện trọng đại, đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử cách mạng nước ta, mở ra con đường giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do, vì hạnh phúc của nhân dân.

Ngay sau khi Đảng ra đời, ánh sáng cách mạng đã lan tỏa mạnh mẽ tới khắp mọi vùng miền đất nước, trong đó có Yên Bái. Chính tại mảnh đất giàu truyền thống yêu nước này, tinh thần đấu tranh cách mạng sớm được thổi bừng lên bằng cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc dân Đảng do lãnh tụ Nguyễn Thái Học khởi xướng vào đêm ngày 9, rạng sáng ngày 10/2/1930. Mặc dù thất bại nhưng cuộc khởi nghĩa đã để lại tiếng vang lớn, hun đúc sâu sắc thêm lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của nhân dân các dân tộc Yên Bái, làm bừng lên ý chí đấu tranh giành độc lập, tự do trên cả nước.

Từ những "hạt giống” cách mạng ban đầu, phong trào đấu tranh giành độc lập ở Yên Bái ngày càng lan rộng. Các cơ sở cách mạng hình thành, nhiều tổ chức cứu quốc ra đời. Đặc biệt, ngày 7/5/1945, Chi bộ Cộng sản đầu tiên của thị xã Yên Bái được thành lập, mở ra thời kỳ đấu tranh mới, đặt nền móng cho sự ra đời của Đảng bộ tỉnh. Ngày 30/6/1945, tại Chiến khu Vần - Hiền Lương, Ban Cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ được thành lập do đồng chí Ngô Minh Loan làm Bí thư. 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc Yên Bái đã tiến hành các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Văn Chấn, Lục Yên, Trấn Yên, Yên Bình và thị xã Yên Bái, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ và nhân dân Yên Bái đã phát huy cao độ tinh thần cách mạng, kiên cường bám đất, bám dân, xây dựng lực lượng, phối hợp với bộ đội chủ lực làm nên những chiến thắng lớn trong các chiến dịch như: Sông Thao, Lê Hồng Phong, Lý Thường Kiệt, đặc biệt là Chiến dịch Tây Bắc đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Yên Bái. 

Yên Bái đã cùng cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, góp phần chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp trên đất nước ta. Trong kháng chiến chống Mỹ, Yên Bái tiếp tục trở thành hậu phương lớn, huy động sức người, sức của cho tiền tuyến. Phong trào "Tay cày, tay súng”, "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” lan rộng khắp tỉnh. Gần 25.000 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 4 Tiểu đoàn mang tên Yên Ninh tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường. Toàn tỉnh Yên Bái đã đóng góp 29 vạn tấn lương thực, 15 vạn tấn thực phẩm cho cuộc kháng chiến.

Sau ngày đất nước thống nhất, Yên Bái tiếp tục hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, xây dựng cuộc sống mới. Công trình Nhà máy Thủy điện Thác Bà - "đứa con đầu lòng” của ngành thủy điện Việt Nam, là biểu tượng cho tinh thần sáng tạo và vươn lên trong gian khó của Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh. Bước vào công cuộc đổi mới và tái lập tỉnh năm 1991, Yên Bái đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Đặc biệt, sau khi thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, Yên Bái đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

 Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, năm 2024 tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,91%, đứng thứ 7/14 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố. Sản xuất nông nghiệp khẳng định vai trò "trụ đỡ” của nền kinh tế, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá trong bối cảnh nhiều diện tích nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, bão lũ, đạt 3,56%, đứng thứ 2/14 tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc. 

Toàn tỉnh hiện có 113/146 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm trên 77,4% tổng số xã, cao gấp 1,5 lần so với bình quân chung của vùng; 5/9 huyện, thị, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới là huyện Trấn Yên, thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Yên Bình, huyện Văn Yên. Chuyển mình mạnh mẽ sang nền kinh tế thị trường đa dạng và năng động, Yên Bái đã có các vùng chuyên canh nông nghiệp theo chuỗi giá trị. 

Tiêu biểu như vùng quế trên 80.000 ha, vùng cây ăn quả gần 10.000 ha, vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng trên 220.000 ha, vùng măng Bát độ trên 6.000 ha, vùng sơn tra trên 10.000 ha, vùng dâu tằm trên 1.000 ha, vùng lúa đặc sản trên 3.000 ha… Sản xuất nông nghiệp đã tạo động lực để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. 

Được xác định là khâu đột phá trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, công nghiệp của tỉnh phát triển khá, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2024 đạt 18.400 tỉ đồng, tăng 8,7% so với năm 2023, đứng thứ 8/14 tỉnh trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Yên Bái đặc biệt quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã và đang đầu tư vào Yên Bái như: Tập đoàn BB Group, Tổng Công ty Viglacera, Flamingo Holding Group, Tập đoàn Erex Nhật Bản, Tập đoàn Vigroup, Sun Group, Tập đoàn Euro Window, Tập đoàn APEC, Tập đoàn Dược phẩm Nippon Joki, Tập đoàn Bảo Lai, các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp may Hàn Quốc… 

Đặc biệt, Yên Bái là một trong số ít các tỉnh đi đầu cả nước về xây dựng giao thông nông thôn. Cả tỉnh đã có 7 cây cầu hiện đại vượt sông Hồng kết nối đôi bờ. Cùng với tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua địa bàn, những năm gần đây, nhiều tuyến đường khang trang, hiện đại được đầu tư xây dựng đã tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo diện mạo mới cho quê hương Yên Bái. 

Du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng của tỉnh với nhiều sản phẩm độc đáo, hấp dẫn, mang bản sắc riêng như: Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và khám phá Di tích Quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Lễ hội đền Đông Cuông, du lịch hồ Thác Bà, Khu nghỉ dưỡng Le Champ Tú Lệ, suối nước nóng Trạm Tấu, các sản phẩm du lịch cộng đồng… thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.


Người dân Lục Yên hạnh phúc trong ngày khánh thành cầu Tô Mậu.

Năm 2024, Yên Bái đã đón và phục vụ gần 2,15 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 270.000 lượt; doanh thu đạt 1.790 tỉ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Các ngành ngân hàng, vận tải, thương mại cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Các công trình trọng điểm của tỉnh đã và đang triển khai cùng nhiều dự án hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư tiếp tục tạo sắc diện mới từ đô thị đến nông thôn. 

Cùng với phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội được quan tâm chăm lo và có bước phát triển toàn diện; chất lượng giáo dục, y tế không ngừng được nâng lên. Bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy gắn với phát triển du lịch. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn đạt kết quả tích cực, đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững. Đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của nhân dân không ngừng được nâng lên. 

Quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Phương thức lãnh đạo của Đảng và hệ thống chính trị có nhiều đổi mới và đạt kết quả tích cực. 

Hoạt động của chính quyền ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập hợp, phát huy cao độ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên trong các tầng lớp nhân dân, chung sức cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Những kết quả đó chính là nền tảng quan trọng và là yếu tố vô cùng thuận lợi để tỉnh Yên Bái tiếp tục đổi mới, phát triển, cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới. 

Nhìn lại chặng đường đã qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái có quyền tự hào với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc. Những thành tựu đó là kết tinh của trí tuệ, bản lĩnh, ý chí và sự hy sinh của biết bao thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân qua các thời kỳ. Bước vào giai đoạn phát triển mới, với tinh thần "dân chủ, đổi mới, đoàn kết, tự lực, tự cường, hành động quyết liệt, vì lợi ích nhân dân”, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Bái tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá trong cả nước vào năm 2025 và nằm trong nhóm dẫn đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.

Anh Dũng



Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/11/348867/Yen-Bai-tu-truyen-thong-cach-mang-den-khat-vong-thinh-vuong.aspx

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm