(kontumtv.vn) – Phát triển nuôi trồng thủy sản tại các lòng hồ thủy điện, thủy lợi không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại các địa phương. Đơn cử như mô hình nuôi trồng thủy sản tại lòng hồ thủy điện Ya Ly của người dân huyện Sa Thầy.
Năm 2025, gia đình anh A Ir ở làng Chờ, xã Ia Ly, huyện Sa Thầy là hộ nuôi cá lồng bè đạt thu nhập khá ở địa phương. Anh cho biết, từ thói quen ngủ rẫy, làm nương, giờ đây, anh dần quen với việc ngủ lồng bè, dùng ngư cụ đánh bắt thủy sản chế biến thức ăn cho cá. Sự đổi thay này xuất phát từ việc anh tham gia tập huấn nghề nuôi cá, được địa phương hỗ trợ lồng bè, giống và kỹ thuật nuôi. Đặc biệt, anh được ngành chuyên môn hỗ trợ bố trí lồng nuôi sát với lồng nuôi của một hộ giàu kinh nghiệm để học hỏi, làm theo. Đây là cơ sở để anh mạnh dạn mở rộng từ 2 lồng nuôi lên 5 lồng nuôi trong năm nay. Anh A Ir nói: “Bước vào mình nuôi mình thấy cũng không khó lắm, mình có biết cách nuôi, cách chăm sóc, phòng bệnh. Năm tiếp theo mình cố gắng hơn. Mình thấy bán cũng được, mỗi năm thu được vài chục triệu đồng. Vừa làm rẫy, làm nương, vừa nuôi đây đóng góp thêm cho thu nhập của gia đình.”
Ông Trần Lệnh Tuyến, Chủ tịch UBND xã Ya Ly, huyện Sa Thầy cho biết, nhìn từ trên cao, khu vực nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thuỷ điện Ya Ly trông giống vùng nuôi trồng thủy sản ở miền Tây Nam Bộ với tàu thuyền, lồng bè nhộn nhịp, cung cấp nhiều loại cá đặc sản chất lượng cao, trong đó có sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao là khô cá lóc. Kế hoạch giai đoạn 2025-2030, xã Ya Ly phát triển khu vực nuôi thủy sản lòng hồ Ya Ly thành điểm du lịch cộng đồng làng Chờ. Ông Trần Lệnh Tuyến, Chủ tịch UBND xã Ya Ly cho biết thêm: “Những năm trước đây bà con nông dân chưa áp dụng được KHKT vào chăn nuôi nên tỷ lệ phát triển rất là chậm. Năm 2024 chúng tôi có Nghị quyết chuyên đề về nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Từ 30 lồng cá đến nay chúng tôi có 52 lồng cá. Đặc biệt chúng tôi có vận động hộ gia đình đồng bào DTTS. Hiện nay chúng tôi có 3 hộ DTTS tham gia mô hình nuôi cá.”
Xác định nuôi trồng thủy sản là hướng đi phù hợp, huyện Sa Thầy chú trọng công tác khuyến nông, khuyến ngư giúp bà con nông dân mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản. Chị Lê Thị Dung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sa Thầy cho biết, địa phương có lợi thế diện tích mặt nước lớn tại hai lòng hồ thủy điện Plei Krông và Ya Ly. Theo đó, đơn vị tham mưu cho huyện phát triển nuôi trồng thủy sản chất lượng cao và chú trọng xây dựng các mô hình hộ DTTS nuôi trồng thủy sản. Năm 2025, diện tích nuôi trồng thủy sản huyện Sa Thầy đạt 135 ha với sản lượng nuôi trồng gần 420 tấn, sản lượng khai thác gần 400 tấn mỗi năm. Chị Lê Thị Dung cho hay: “Trước kia bà con chỉ nuôi một số loại cá phổ thông, trung tâm đã tham mưu xây dựng một số loại cá đặc sản như là cá chình, cá lăng, cá thát lát. Đưa một số loại cá này vào thì bà con có thu nhập cao hơn.”
Kết quả đạt được từ nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Ya Ly tại huyện Sa Thầy góp phần giúp ngành thủy sản tỉnh Kon Tum khởi sắc. Năm 2025, tỉnh có hơn 1.000 ha nuôi trồng thủy sản với tổng sản lượng đạt trên 8.400 tấn. Đối tượng nuôi chủ yếu là các loài thủy sản truyền thống như rô phi đơn tính, cá trắm, cá chép, cá lóc và một số loài có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá tầm, cá chình, cá thát lát./.
Văn Hiển
Nguồn: https://kontumtv.vn/tin-tuc/kinh-te/phat-trien-nuoi-trong-thuy-san-giup-nguoi-dan-nang-cao-thu-nhap
Bình luận (0)