Người dân thôn Ngưu Phương đến phòng đọc sách, báo của thôn.
Tại huyện Quảng Xương, việc phát triển văn hóa đọc được xác định là một trong những mục tiêu quan trọng trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Trong những năm gần đây, công nghệ thông tin (CNTT) ngày càng phát triển mạnh mẽ, việc gìn giữ và lan tỏa thói quen đọc sách là một thách thức không nhỏ đối với nhiều địa phương trên địa bàn huyện, tuy nhiên vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận. Tiêu biểu là thôn Ngưu Phương, xã Quảng Khê - một trong những hình mẫu về phát triển văn hóa đọc khu vực nông thôn, góp phần tạo diện mạo mới cho đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Ở đây, phòng đọc sách được cải tạo từ nhà văn hóa thôn dôi dư sau sáp nhập, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2023. Không gian phòng đọc sách rộng tới 70m2, với hàng trăm đầu sách, báo đủ các thể loại, đáp ứng nhu cầu đọc sách của mọi lứa tuổi.
Trưởng thôn Ngưu Phương Lê Thế Phan, cho biết: “Từ khi phòng đọc sách được đầu tư cải tạo rộng rãi, khang trang, người dân địa phương ngày càng hào hứng hơn, thường xuyên đến đọc sách. Nhờ sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân và con em địa phương, tủ sách thường xuyên được bổ sung các đầu sách mới. Hàng ngày, vào cuối buổi chiều cho đến tối hoặc vào dịp cuối tuần, người dân đến đây đọc sách đã trở thành thói quen. Không chỉ dừng lại ở việc phục vụ nhu cầu cá nhân, phong trào đọc sách ở đây còn góp phần lan tỏa sang các hoạt động tập thể như kể chuyện theo sách, tổ chức ngày hội đọc sách”...
Bên cạnh điểm sáng thôn Ngưu Phương, việc phát triển văn hóa đọc ở hầu hết các thôn còn lại trên địa bàn xã Quảng Khê nói riêng, các địa phương khu vực nông thôn, ven biển của huyện Quảng Xương nói chung vẫn còn nhiều hạn chế. Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch (VH,TT,TT&DL) huyện Quảng Xương Dương Thị Tường Vân, cho biết: “Việc phát triển văn hóa đọc được các cấp, các ngành, địa phương rất quan tâm. Trung tâm VH,TT,TT&DL huyện hàng năm huy động các nguồn xã hội hóa đóng góp sách từ bạn đọc, công ty sách; phối hợp với Thư viện tỉnh, các công ty sách thực hiện luân chuyển sách về các địa phương thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, đáp ứng nhu cầu đọc sách của người dân. Quan tâm đầu tư là thế, nhưng phần lớn người dân khu vực nông thôn, ven biển vẫn không mặn mà với việc đọc sách. Thực tế, tủ sách ở các khu vực này chủ yếu chỉ thu hút các bác hưu trí, người cao tuổi đến đọc sách. Thậm chí có những ngày vắng bóng người đọc”.
Mặc dù đã có những nỗ lực đáng ghi nhận, nhưng việc phát triển văn hóa đọc ở nhiều khu dân cư trên địa bàn huyện Quảng Xương vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Đây cũng là thực trạng chung tại nhiều địa phương khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Xác định rõ những khó khăn trong việc phát triển văn hóa đọc, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, hàng năm nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), huyện Thọ Xuân đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm phát huy giá trị, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân. Trong đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, tập trung làm rõ giá trị, ý nghĩa, tinh thần của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam theo từng chủ đề; phát động phong trào đọc sách; giới thiệu các phòng đọc sách... nhằm lan tỏa văn hóa đọc trong các tầng lớp Nhân dân. Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của CNTT, mạng xã hội, hành trình phát triển văn hóa đọc ở các khu dân cư trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều hạn chế.
Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Thọ Xuân Lê Văn Lực, cho biết: “Cuộc sống của người dân ngày càng bận rộn, sách, báo điện tử được xem là giải pháp thuận tiện. Cùng với đó, kinh phí đầu tư cho phát triển văn hóa đọc ở khu vực nông thôn còn hạn chế, chủ yếu dựa vào sự đóng góp tự nguyện của người dân hoặc các nguồn tài trợ nhỏ lẻ, thiếu tính ổn định. Để phát triển văn hóa đọc ở khu vực nông thôn, huyện đã chú trọng công tác tuyên truyền, quan tâm nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả, đồng thời khuyến khích phát triển các thư viện tư nhân”.
Phát triển văn hóa đọc ở vùng nông thôn trong bối cảnh CNTT ngày càng phát triển mạnh mẽ như hiện nay thực sự là một hành trình gian nan. Song từ những “điểm sáng” về văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh như Phòng đọc sách thôn Ngưu Phương (Quảng Xương), Đường sách khu phố 7 (thị xã Bỉm Sơn) hay Thư viện sách Hà Duyên Đạt (Thọ Xuân)... cho thấy rằng những “khe cửa hẹp” vẫn có nhiều cơ hội để mở rộng hơn nữa nếu có sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và cả cộng đồng.
Bài và ảnh: Hoài Anh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/phat-trien-van-hoa-doc-o-nong-thon-can-lach-qua-khe-cua-hep-246672.htm
Bình luận (0)