Mô hình hộ gia đình chăn nuôi heo an toàn sinh học tại huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ.
Chăm sóc đàn gia súc, gia cầm
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) TP Cần Thơ, ngay từ đầu năm người dân chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các quận, huyện ngoại thành đã tập trung tái đàn, đầu tư con giống, chăn nuôi heo thịt, gà, vịt. Ông Trần Thanh Tâm, ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Những tháng đầu năm 2025, giá heo hơi tăng cao so với các năm trước. Người nuôi có lợi nhuận, đủ điều kiện tái đàn chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện nay thời tiết vào mùa mưa bão, chăn nuôi heo, gà, vịt rất cực, vì dễ bị bệnh nên việc chăm sóc phải chu đáo, chi phí chăn nuôi cũng tăng lên. Do đó, chúng tôi phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêm ngừa đề phòng dịch bệnh xuất hiện trên đàn vật nuôi trong mùa mưa…”.
Hiện nay, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và phát triển chăn nuôi theo quy trình VietGAHP. Tại thời điểm cuối tháng 4-2025, thành phố có tổng đàn heo là 128.171 con (vượt kế hoạch đề ra); đàn trâu 254 con; đàn bò 3.688 con, vượt 15,3% so với kế hoạch năm; đàn gia cầm hơn 2,207 triệu con, vượt 0,3% so với kế hoạch, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2024; có 303 cơ sở nuôi chim yến, với tổng số 324 nhà yến và tổng đàn trên 198.000 con. Trong tháng 4, sản lượng thịt hơi các loại cung cấp thị trường 2.838 tấn (thịt gia súc 1.926 tấn, gia cầm 912 tấn), cung cấp hơn 8,1 triệu trứng gia cầm. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, sản lượng thịt hơi các loại cung cấp thị trường là 11.595 tấn, đạt 37,4% kế hoạch; cung cấp 32.088.700 trứng gia cầm, đạt 33,08% kế hoạch, tăng 0,28% so cùng kỳ năm 2024… Từ đầu năm đến nay, ngành Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ còn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn, nhằm phát hiện sớm các ổ dịch bệnh để tổ chức xử lý một cách nhanh chóng, kịp thời, tránh lây lan diện rộng. Qua đó, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được ngăn chặn, không xuất hiện.
Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&MT TP Cần Thơ, hiện sản lượng chăn nuôi của thành phố cung ứng từ 50-70% nhu cầu thị trường, nhưng ngành Nông nghiệp thành phố không để xảy ra tình trạng khan hiếm hay tồn đọng sản phẩm. Thành phố đã nhập sản phẩm chăn nuôi từ các tỉnh, thành khác để cung ứng đủ sản phẩm thịt gia súc, gia cầm cho người tiêu dùng. Hiện nay, toàn thành phố có hàng trăm trang trại chăn nuôi, mô hình liên kết sản xuất gia súc và gia cầm theo chuỗi, mô hình chăn nuôi đạt chứng nhận VietGAHP... đã góp phần cung cấp sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Tăng cường bảo vệ
Theo Sở NN&MT TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố không xảy ra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Ðó là nhờ công tác phòng ngừa các dịch bệnh tai xanh ở heo, dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục ở trâu, bò, lở mồm long móng gia súc và cúm gia cầm... khá tốt ở cấp cơ sở. Ðiển hình, tại quận Thốt Nốt, ngành Chăn nuôi và Thú y quận tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 26-2-2025 của UBND quận về việc triển khai Kế hoạch thực hiện “Tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1 năm 2025 trên địa bàn quận Thốt Nốt”. Qua đó đã vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên 125.000 m2/1.500 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm; tiêm vaccine phòng bệnh gia súc trên đàn vật nuôi, phòng bệnh lở mồm long móng, dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng ở heo; thực hiện tiêm vaccine phòng bệnh cúm gia cầm thường xuyên tại các hộ chăn nuôi tập trung, vịt thả đồng; tăng cường kiểm tra và giám sát chặt chẽ dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện ổ dịch xuất hiện trên đàn gia súc, gia cầm… Công tác kiểm dịch động vật, lò ấp trứng, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y cũng được tập trung thực hiện. Qua đó, ngành Chăn nuôi và Thú y quận Thốt Nốt đã tổ chức kiểm soát giết mổ ở lò giết mổ gia súc tập trung được 5.200 con heo, 22.000 con gia cầm, xử lý tiêu hủy 55kg thịt và phủ tạng không đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y; đồng thời tăng cường công tác kiểm dịch sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu trên địa bàn...
Thời gian tới, ngành Chăn nuôi và Thú y thành phố tiếp tục hỗ trợ phát triển đàn heo, đàn gà, vịt và bò thịt chất lượng cao theo hướng tăng quy mô đàn và cải tiến, nâng cao chất lượng đàn giống; dịch chuyển dần chăn nuôi ở các khu vực đông dân cư về các vùng ngoại thành, vùng nông thôn; chuyển nhanh phương thức chăn nuôi truyền thống hộ gia đình quy mô nhỏ sang chăn nuôi trang trại, gia trại theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp, sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn và đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi hữu cơ, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thấp nhất giá thành chăn nuôi… Ngành cũng tăng cường hình thành các mô hình chăn nuôi tiên tiến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế của ngành Chăn nuôi nói riêng và cơ cấu ngành Nông nghiệp nói chung…
Sở NN&MT TP Cần Thơ khuyến cáo: Hiện thời tiết đang vào mùa mưa, có khả năng phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến đàn vật nuôi, vì vậy người chăn nuôi cần tập trung phòng chống dịch bệnh. Bởi khi thời tiết mưa không những gây khan hiếm nguồn thức ăn mà còn dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; mặt khác, khi mưa lớn kéo dài có thể gây ngập úng cục bộ trên diện rộng tạo cơ hội phát tán mầm bệnh. Người chăn nuôi cần thường xuyên cập nhật bản tin dự báo thời tiết hằng ngày và tăng cường chăm sóc gia súc, gia cầm trong mùa mưa để tăng khả năng chống chịu các tác động bất lợi của thời tiết cùng sự đe dọa của dịch bệnh cho vật nuôi. Nhất là đảm bảo chuồng trại vững chắc; đảm bảo mật độ nuôi phù hợp với số lượng và đặc tính, lứa tuổi của đàn vật nuôi; kiểm tra hệ thống thoát nước thải, nơi chứa chất thải để hạn chế ô nhiễm; dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm đủ về lượng và đảm bảo về chất; cần lưu ý đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho vật nuôi uống; dự trữ một số vật tư thuốc thú y cần thiết, vitamin, thuốc trợ sức, trợ lực, men tiêu hóa… dùng cho vật nuôi khi thời tiết bất lợi; tăng cường vệ sinh chuồng trại, phòng bệnh cho vật nuôi; chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho vật nuôi trong mùa mưa; chủ động phương án thắp sáng và giữ ấm cho vật nuôi; tu sửa và chằng chống chuồng trại, mái chuồng để hạn chế tốc mái khi có
mưa giông…
Bài, ảnh: HÀ VĂN
Nguồn: https://baocantho.com.vn/phong-chong-dich-bao-ve-an-toan-cho-dan-vat-nuoi-a186390.html
Bình luận (0)