(LĐ online) - Năm 1971, chính quyền Miền Nam ráo riết chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống Việt Nam Cộng hoà. Nguyễn Văn Thiệu tìm mọi cách gạt tất cả các đối thủ để không có bất cứ liên danh nào đủ tiêu chuẩn, điều kiện ra tranh cử, chỉ còn lại độc nhất một liên danh Nguyễn Văn Thiệu - Trần Văn Hương lấy tên liên danh “Dân chủ” ra ứng cử mà thôi. Nhân dân Miền Nam và báo chí gọi đó là “trò hề độc diễn của Nguyễn Văn Thiệu”.
Lúc đó, Ban Chấp hành Đoàn Sinh viên Phật tử Đà Lạt gồm có Ngô Thế Lý, Chủ tịch; Nguyễn Trọng Hoàng, Phó Chủ tịch nội vụ; Nguyễn Thị Nhỏ, Phó Chủ tịch ngoại vụ; Trương Trổ, Tổng Thư ký; Nguyễn Hòa, Chi đoàn trưởng Khoa học; Thái Vân Hùng, Chi đoàn trưởng Chính trị kinh doanh; Lê thị Ân, sau đó là Trần thị Huệ, thủ quỹ… Lấy Đoàn Sinh viên Phật tử làm nòng cốt đứng ra kết nối với Ban Đại diện các trường (khoa) của Viện Đại học Đà Lạt, các Nhóm Ái hữu, các trường trung học, Phật tử từ Tỉnh hội đến các Khuôn hội. Được sự hỗ trợ tích cực của năm mặt trận công khai vừa thành lập trước đó là Mặt trận Bảo vệ Văn hóa Dân tộc; Mặt trận Nhân dân Tranh thủ Hòa bình; Mặt trận Cứu đói, Ủy ban Đòi cải thiện chế độ lao tù; Phong trào Phụ nữ Đòi quyền sống và các má các chị tiểu thương chợ Đà Lạt để chuẩn bị lực lượng và điều kiện vật chất cho đợt đấu tranh chống bầu cử độc diễn vào ngày 03/10/1971.
Thư mời do Đoàn Sinh viên Phật tử Đà Lạt - một tổ chức công khai do các sinh viên hoạt động bí mật nội thành Đà Lạt nắm quyền điều hành - mời dự cuộc hội thảo phát động đấu tranh chống cuộc bầu cử độc diễn ngày 03/10/1971. Ảnh: Tư liệu |
Mọi việc đang tiến hành vận động thì cuối tháng 7/1971, Chủ tịch Ngô Thế Lý đi khỏi Đà Lạt không bàn giao, mất tích không liên lạc được, Văn phòng Đoàn Sinh viên Phật tử bị khóa, không có chìa khóa, không biết con dấu Đoàn đang ở đâu. Ban Chấp hành còn lại họp và cử Nguyễn Trọng Hoàng làm Quyền Chủ tịch Đoàn Sinh viên Phật tử Đà Lạt để danh chánh ngôn thuận phát động tranh đấu. Phải mất nhiều lần trực tiếp gặp thuyết phục Thầy Thích Minh Tuệ, Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đồng ý ủng hộ Đoàn Sinh viên Phật tử Đà Lạt đứng ra tổ chức cuộc đấu tranh chống bầu cử Tổng thống độc diễn của Nguyễn Văn Thiệu. Để thành công trong việc thuyết phục này, chúng tôi phải vận động chị Nguyễn Thục Hiền cùng với chúng tôi đi thuyết phục thầy. Thục Hiền là một sinh viên trường Chính trị Kinh doanh, là thành viên của Đoàn Sinh viên Phật tử Đà Lạt, chị đẹp, sang trọng là con gái của nhà La Faro - một gia đình tư sản nổi tiếng ở Đà Lạt, chị có tiếng nói rất quan trọng đối với Thầy Minh Tuệ! Được Thầy Minh Tuệ đồng ý, anh em đã phá cửa Văn phòng Đoàn, tìm được con dấu, máy đánh chữ, máy quay ronéo và các dụng cụ văn phòng khác mà anh Lý đã cất giấu.
Giữa tháng 9/1971, Đoàn Sinh viên Phật tử Đà Lạt phát hành giấy mời hội thảo “Sinh viên với hiện tình đất nước”, “Nhận định về cuộc bầu cử tổng thống sắp tới”. Chị Thục Hiền lái chiếc xe La Dalat đưa các sinh viên đến gặp gỡ nhiều tổ chức, cá nhân trong thị xã trực tiếp mời tham dự hội thảo. Từ ngày 20/9/1971, tại Văn phòng Đoàn Sinh viên Phật tử Đà Lạt liên tiếp diễn ra các cuộc hội thảo, ngày đầu ít nhưng càng về sau càng đông dần. Ngày 22/9/1971, anh Trương Trổ - Tổng Thư ký được cử đi Sài Gòn để gặp Tổng vụ Thanh Niên và Lực lượng Sinh viên Phật tử Sài Gòn để cùng phối hợp hành động.
Sáng ngày 28/9/1971, tại Giảng đường Chùa Linh Sơn, hội trường lớn cạnh Văn phòng Đoàn Sinh viên Phật tử Đà Lạt, diễn ra cuộc hội thảo với trên 200 thanh niên, sinh viên, học sinh tham dự, có cả Thầy Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tuyên Đức Thích Minh Tuệ, các Thầy của một số chùa trong thành phố, có Giáo sư Trần Tuấn Nhậm, Chủ tịch Mặt trận Nhân dân Tranh thủ Hòa Bình Sài Gòn - một nhà tranh đấu nổi tiếng ở Sài Gòn cũng lên dự, có đại diện các mặt trận, các phong trào công khai trong thành phố, một số nhân sĩ, trí thức, nhà văn, nhà báo, các giáo sư (từ dành gọi các thầy giáo dạy trung học, đại học thời đó)… cùng tham gia.
Sau khi trình bày về lý do buổi hội thảo, giới thiệu đại biểu và các thành phần tham dự, người dẫn chương trình giới thiệu anh Trương Trổ, Tổng thư ký Đoàn Sinh viên Phật tử Đà Lạt đọc diễn văn do Đoàn Thư ký soạn sẵn phân tích tình hình, lên án trò hề độc diễn và kêu gọi đốt Thẻ cử tri tẩy chay bầu cử. Anh Trương Trổ vừa dứt thì Thầy Thích Minh Tuệ, giáo sư Trần Tuấn Nhậm và ông Nguyễn Thúc Biểu - Chủ tịch Mặt trận Nhân dân Tranh thủ Hòa Bình Đà Lạt là những người đầu tiên bước lên đốt Thẻ cử tri, tiếp theo mọi người đều bước ra rút Thẻ cử tri châm lửa, một cảnh tượng chưa từng thấy, thật hoành tráng và nhiều cảm xúc.
Quang cảnh trước Giảng đường Chùa Linh Sơn ngày 28/9/1971. Biểu ngữ căng phía trước giảng đường: “Mỹ Thiệu còn – chiến tranh còn” và “Muốn làm chính trị phải lỳ, muốn xây dân chủ không đi không bầu”. Phóng viên báo Độc Lập đang phỏng vấn một thành viên tổ chức cuộc tranh đấu chống độc diễn… Ảnh: Tư liệu |
Từ dưới hội trường Thầy Thích Minh An và vài chục sinh viên chuẩn bị sẵn hô to với giọng đầy xách động “Xuống đường… Xuống đường…”. Anh Nguyễn Hữu Cầu, giáo sư trường nữ trung học Bùi thị Xuân cùng một sinh viên cầm biểu ngữ “Đả đảo trò hề bầu cử độc diễn” chạy trước, hàng trăm sinh viên học sinh cầm biểu ngữ ùa theo. Đoàn biểu tình xuống sân chùa Linh Sơn, ra đường Hàm Nghi (Nguyễn Văn Trỗi) gặp một chốt cảnh sát đã kéo rào kẽm gai bùng nhùng ở cây xăng ngã 3 Hàm Nghi – Phan Đình Phùng, hàng trăm thanh nie6nm sinh viên, học sinh đạp lên rào kẽm gai băng xuống Phan Đình Phùng, khoảng một tiểu đội cảnh sát dùng dùi cui ma trắc đánh quyết liệt nhưng không chặn lại được. Đoàn biểu tình kéo đến Rạp Ngọc Hiệp thì bị khoảng một đại đội cả cảnh sát dã chiến, quân cảnh đeo mặt nạ dàn thành nhiều lớp ném lựu đan cay, bắn phi tiễn, nổ súng trên đầu và tấn công bằng dùi cui ma trắc. Đoàn biểu tình dội ngược trở lại đến hẻm khách sạn Mimosa, kéo lên nhà thờ Tin Lành trên đường Hàm Nghi rồi ra Khu Hòa Bình hát những bài ca tranh đấu, tung truyền đơn kêu gọi lãng khóa, đình công, bãi thị rồi kéo về lại chùa Linh Sơn vào cổng ở ngã 3 Hàm Nghi lên Võ Tánh (Bùi Thị Xuân ngày nay). Cánh này đã có trên 10 học sinh, sinh viên bị bắt, một vài học sinh bị xé khỏi đội hình phải nhảy xuống suối Phan Đình Phùng hoặc cống hở, trốn thoát trở về quần áo ướt mèm và hôi rình vì nước cống!
Trong lúc đó, một cánh khác có hàng trăm sinh viên và rất nhiều học sinh trường Bồ Đề kéo ra cổng trường hướng ra khu Hòa Bình trung tâm thành phố, đến ngã ba Võ Tánh – Hàm Nghi (Bùi Thị Xuân – Nguyễn Văn Trỗi bây giờ) thì bị một lực lượng rất đông các loại cảnh sát với đầy đủ vũ khí và công cụ đàn áp đồng thời kéo nhiều lớp dây kẽm gai bùng nhùng ngang đường, sinh viên, học sinh tìm cách vượt rào kẽm gai bị cảnh sát đàn áp quyết liệt, sinh viên dùng bom xăng tự chế chống trả. Đồng bào kéo đến rất đông, người thì tham gia nhập vào đoàn biểu tình, người thì tò mò đứng xem hoặc vỗ tay hò hét theo làm náo động cả khu vực. Không vượt qua được chốt cảnh sát này, sinh viên dùng loa cầm tay phát lời tuyên truyền tại chỗ chủ yếu là lên án trò hề bầu cử độc diễn phi pháp, kêu gọi đồng bào đình công bãi thị, tẩy chay bầu cử bịp bợm, kêu gọi cảnh sát không đàn áp sinh viên học sinh! Rồi tập thể SVHS vỗ tay hát những bài ca tranh đấu… Những cuộc đấu tranh tại chỗ trên đường phố như vậy ngày nào cũng diễn ra cho đến hết ngày bỏ phiếu 03/10/1971.
Đêm đêm, tổ hành động do anh Nguyễn Thúc Soạn, sinh viên khoa Hóa và anh Nguyễn Tân, học sinh lớp 12 trường Văn Học phụ trách khoảng 10 thanh niên sinh viên học sinh đột kích cướp các bích chương, áp phích vận động bầu cử của liên danh Dân Chủ có hình Nguyễn Văn Thiệu và Trần Văn Hương treo dọc đường, đem về gạch chéo 2 khuôn mặt và sửa chữ DÂN CHỦ thành DÂN CHỬI rồi đột kích treo ra lại đường phố.
Một tiểu đoàn Cảnh sát Dã chiến bao vây cả khu vực chùa Linh Sơn - Giảng đường Linh Sơn và trường trung học Bồ Đề, bao gồm cả 3 tuyến đường chính, Phan Đình Phùng - Hàm Nghi (Nguyễn Văn Trổi) - Võ Tánh (Bùi Thị Xuân). Ảnh: Tư liệu |
Nhà cầm quyền Đà Lạt - Tuyên Đức đã điều khoảng một Tiểu đoàn Cảnh sát Dã chiến và cả cảnh sát chìm, cảnh sát nổi bao vây quanh chùa Linh Sơn và trường Bồ Đề. Bên trong có hàng ngàn sinh viên học sinh và đồng bào tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với cảnh sát qua hàng rào kẽm gai. Đồng thời tổ chức những nhóm nhỏ thoát ra ngã vườn chè phía sau ra đường Mai Hoa Thôn tới ấp Mỹ Lộc rồi đi các nơi thực hiện kế hoạch “Nói cho đồng bào tôi nghe và nghe đồng bào tôi nói”. Nhiều lúc những người đấu tranh bên trong, tràn xuống đường đẩy cảnh sát xa ra, rồi bị cảnh sát đàn áp lại lui về trụ sở. Có một buổi sáng cảnh sát tràn vào vườn trà trước sân chùa, ở đó có một tổ nữ sinh trường Bùi Thị Xuân do em tên là Thọ phụ trách, một số em có trình độ đai đen karate đã đánh nhau với cảnh sát quyết liệt trong vườn chè, nghe nói em Thọ bị dùi cui đánh văng mất đồng hồ trong vườn trà không biết có tìm được không! Cảnh sát tấn công hòng bắt một số nòng cốt của phong trào, Thầy Minh Tuệ đã cho gióng chuông chùa báo động liên hồi, đồng thời mở loa phóng thanh lên án nhà cầm quyền Đà Lạt xâm phạm nơi tôn nghiêm và kêu gọi đồng bào Phật tử về cứu chùa, bà con kéo tới mỗi lúc một đông, cảnh sát phải tự rút lui…
Từ nóc giảng đường trên đồi cao nhìn xuống phố, sinh viên đã treo biểu ngữ “Mỹ - Thiệu còn, chiến tranh còn” ở phía trước lầu một biểu ngữ với câu “Muốn làm chính trị phải lì (câu này của Nguyễn Văn Thiệu), muốn xây dân chủ không đi không bầu (câu này của sinh viên thêm vào để châm chích Thiệu)”. Ở mặt trước tầng trệt anh em đã cướp bích chương vận động bầu cử của liên danh DÂN CHỦ về gạch chéo mặt 2 ứng cử viên Thiệu - Hương và sửa thành liên danh DÂN CHỬI. Những người tổ chức tranh đấu đã gắn loa sắt công suất lớn phát thanh liên tục những bài viết của các Thầy Mai Thái Lĩnh, Nguyễn Hữu Cầu, nhà văn Thái Lãng, sinh viên Lê thị Quyền… và một số anh chị sinh viên, bình luận về tình hình đất nước, phân tích cái sai trái của cuộc bầu bán mất dân chủ này, kêu gọi tẩy chay bầu cử bằng cách không đi bầu. Những bài viết ca ngợi tình tự dân tộc, ngâm những bài thơ yêu nước, những lời kêu gọi cảnh sát không dùng súng Mỹ bắn vào đồng bào mình… và phát đi những bài ca tranh đấu của phong trào hát cho đồng bào tôi nghe do anh Cơ, anh Nhàn và một số anh em sinh viên học sinh hát. Phía bên kia, Ty Thông tin Chiêu hồi cũng dựng loa công suất lớn trên nóc Lữ Quán Thanh niên chĩa qua bên này, phát liên hồi những bài kích động nhạc nhằm át đi tiếng nói của những người đấu tranh. Ở sân Lữ quán Thanh niên, người ta còn thấy có một chiếc xe thiết giáp đậu lù lù suốt trong những ngày sôi sục.
Sáng ngày 02/10/71, mấy anh em thanh niên đường phố đã phát giác hai nhân viên mật vụ xâm nhập vào hàng ngũ biểu tình đang làm động tác giả ném đá vào cảnh sát nên kêu mọi người bắt trói, có người còn đấm đá nặng tay, một học sinh chạy vào báo cáo anh em bắt được 2 cảnh sát chìm, tôi vừa kịp chạy ra can ngăn không cho đánh, không cho trói, dẫn lên Văn phòng Đoàn hỏi chuyện, họ khai là nhận nhiệm vụ tìm cách tháo cái đuôi của loa sắt để chấm dứt những buổi phát thanh của lực lượng tranh đấu. Số là những thanh niên đường phố từng có nhiều ân oán với cảnh sát nên biết mặt khá nhiều cảnh sát, mật vụ, họ đã tham gia đấu tranh ngay từ đầu. Sau đó, qua trung gian một số Nghị viên thành phố, chính quyền đã đồng ý trao đổi “tù binh”, lúc này cảnh sát đã bắt 17 anh em sinh viên học sinh. Chiều cùng ngày, họ dẫn tất cả người bị bắt đến ngã ba chùa Linh Sơn, lực lượng đấu tranh dẫn hai mật vụ xuống ngã ba và trao trả thành công, anh em reo hò vui hết cỡ.
Lính và cảnh sát tuần tra nghiêm ngặt nhưng khoảng 9 giờ tối đêm 30/9/1971, đội hành động đã đột kích ra khu Hòa Bình đổ xăng đốt bánh xe tải giữa quảng trường, sáng ngày 01/10 một tổ đột kích vào chợ lầu ném hai bom xăng gây chú ý rồi phát truyền đơn kêu gọi đình công bãi thị, treo một bandroll tẩy chay bầu cử ở mặt chợ lầu nhìn lên khu Hòa Bình, nhiều chị tiểu thương giúp sinh viên học sinh phân phát truyền đơn, giúp treo biểu ngữ và hối thúc “Các em chạy nhanh đi, cảnh sát đang tới đàng sau kìa!”. Nhà cầm quyền càng tăng cường kiểm soát, khắp các ngả đường là dây kẽm gai, là xe quân sự, là lính tráng súng đạn rần rần như một trận chiến giữa lòng thành phố. Thành phố vắng ngắt, trường không học, chợ không họp. Ngày bầu cử diễn ra một cách tẻ nhạt, dân ít đi bầu, chỉ có lính tráng và công chức chế độ bị buộc đi bỏ phiếu là chính.
Có thể nói, đi đầu hành động, trực tiếp xông pha là lực lượng thanh niên sinh viên, học sinh, nhưng bên cạnh có sự giúp sức, hậu thuẫn của các bậc cao niên từng trải, là những giáo sư, nhân sĩ trí thức yêu nước, và sự giúp đỡ vật chất phương tiện như xe cộ, máy móc… của các bác, các anh chị trong Gia đình Phật tử có điều kiện, sự che chắn của quí Thầy ở chùa Linh Sơn với một lực lượng Phật tử hùng hậu phía sau như một căn cứ của phong trào tranh đấu. Đặc biệt là lực lượng hậu cần của các má, các chị tiểu thương chợ Đà Lạt rất hiệu quả và đầy cảm động, đêm đêm các má các chị lẻn vào vườn trà phía sau Giảng đường Linh Sơn tiếp tế lương thực, thực phẩm, chanh, túi nilon, khăn… để chống lựu đạn cay, lựu đạn mửa, kể cả một số thuốc men chữa bệnh thông thường. Các má các chị chăm sóc, lo lắng cho các em sinh viên học sinh như con em của mình. Tóm lại sự thành công của phong trào là nhờ tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của nhiều thành phần trong xã hội mới có thể biến thành lực lượng có sức mạnh lớn.
Cuộc đấu tranh đã làm cho ngày bầu cử Tổng thống Việt Nam Cộng hoà tại Đà Lạt diễn ra vắng vẻ và tẻ nhạt trong vòng dây kẽm gai và sự tuần tra canh gác nghiêm ngặt của quân đội, cảnh sát. Ảnh: Tư liệu |
Sau cuộc tranh đấu sôi nổi với một hào khí thôi thúc, nhiều nhân tố mới xuất hiện, được đưa vào tổ chức bí mật. Mùa hè năm 1972, chúng ta đánh lớn ở Quảng Trị mà báo chí lúc bấy giờ gọi là mùa hè đỏ lửa! Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu hạ tuổi động viên quân dịch, một số anh em trúng tuổi đi quân trường, Thị ủy Đà Lạt triệu tập chúng tôi thoát ly ra rừng. Một đêm mùa hè, chúng tôi lên đường theo đường dây của chị Lê Thị Quyền đến bàn đạp là vườn nhà của mẹ chị Nguyễn Thị Nhung ở Đất Mới, Hiệp Thạnh, đến khuya thì anh Dương (Thái Kim Đăng) Đội trưởng Đội Công tác Thanh niên Sinh viên Học sinh cùng hai anh em vũ trang len lỏi, tiếp cận bàn đạp và đón vào căn cứ, sau hơn một tháng học tập lần lượt mỗi người được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam. Tinh thần anh em xác định là ở lại cầm súng chiến đấu nhưng chú Ba Dư (Lê Văn Phận, Bí thư Thị ủy) nói: “Ngoài này đã có nhiều người cầm súng rồi, không cần thêm các cháu nữa, chiến trường đang cần các cháu là trong lòng thành phố, hãy trở lại trường đại học, học tập và xây dựng phong trào cách mạng ở đó”. Chi đoàn Thanh niên Sinh viên học sinh nội thành được thành lập. Thị ủy Đà Lạt cấp cho mỗi người một giấy hoãn dịch vì lý do gia cảnh (cấp cho người không còn tuổi hoãn dịch vì lý do học vấn) do Giám đốc Nha động viên Quân lực Việt Nam Cộng hòa ký tên đóng dấu hẳn hoi, đây là giấy khống chỉ, văn thư của Thị ủy phải đánh máy hết sức cẩn thận điền thông tin cá nhân của mỗi người theo phông chữ tiếng Anh đúng với mẫu giấy hoãn dịch thật.
Đội Công tác lần lượt đưa anh em ra khỏi rừng vào những đêm tối trời, mỗi người đi một hướng khắp nơi rồi chọn lúc thuận lợi quay trở lại trường. Riêng tôi được đưa về Thị ủy tập huấn kỹ thêm về phương thức hoạt động đô thị và cách nhận diện, cách đối phó với đám tình báo mật vụ địch, một tháng sau mới được các anh trong Đội Công tác đưa ra bàn đạp. Ra khỏi rừng tôi bắt xe đò chạy về quê thăm mẹ khoảng hơn một tuần rồi trở lại trường và bắt đầu nhiệm vụ mới.
(CÒN TIẾP)
Nguồn: http://baolamdong.vn/chinh-tri/202503/phong-trao-dau-tranh-chinh-tri-cua-thanh-nien-hoc-sinh-sinh-vien-noi-thanh-da-lat-1969-1975-bai-2-497616e/
Bình luận (0)