Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phóng viên chiến trường TTXVN: Tự hào bản hùng ca một thời “hoa lửa”

Gian truân, vất vả, vừa hành quân cùng bộ đội vừa tác nghiệp giữa muôn vàn hiểm nguy nhưng vẫn phải bảo đảm tính thời sự của tin tức là tất cả hành trang của người phóng viên chiến trường TTXVN.

VietnamPlusVietnamPlus27/04/2025

Đội ngũ phóng viên chiến trường Thông tấn Xã Việt Nam đã từng sống qua những năm tháng hào hùng cùng vận mệnh đất nước. Họ đã sống và chiến đấu đúng nghĩa là những người lính cầm bút ra trận, là nhân chứng cho những thời khắc lịch sử và nhân chứng của cả những hy sinh, mất mát của đồng bào. Họ cũng trải đủ gian truân, hiểm nguy dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù.

Thế hệ những phóng viên chiến trường như nhà báo Trần Mai Hưởng, nhà báo Lê Cương từng nhiều lần phải gạt đau thương mà bước tiếp khi chứng kiến đồng nghiệp ngã xuống nơi chiến hào ác liệt với “máy ảnh và vũ khí trong tay cùng những trang tin còn đang viết dở” để rồi găm vào tim mình hình ảnh những tượng đài bất tử ấy.

Họ, trên dặm dài hoa lửa, cũng có khi phải gạt bỏ tình cảm riêng tư vào thời khắc bất ngờ giáp mặt người thân để bám sát từng diễn biến nơi tuyến đầu, kịp viết lên những “bản hùng ca” truyền tin về Hà Nội, lan tỏa ra thế giới. Và, có những cuộc hội ngộ đặc biệt ở thời điểm lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã để lại nhiều xúc động, dấu ấn tới tận giờ…

Hành trình “đi để trở về”

Sau 50 năm kể từ ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phóng viên chiến trường Trần Mai Hưởng năm xưa nay mái tóc đã trắng như cước với nước da đồi mồi. Nguyên là Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, ở độ tuổi U80, giọng ông vẫn đầy hào khí khi nhắc nhớ về những tháng năm lịch sử.

Chia sẻ với thế hệ hậu bối của Báo Điện tử VietnamPlus về thời khắc có mặt ở Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 cùng các đồng nghiệp trong ngày toàn thắng, ông bảo đó là kỷ niệm tuyệt vời nhất trong cuộc đời làm phóng viên chiến trường của ông.

b-huong-da-nang.jpg
Các nhà báo Trần Mai Hạnh, Trần Mai Hưởng gặp gỡ với chị Vĩnh An, nhân vật trong bài “Đà Nẵng ngày đầu giải phóng“ của nhà báo Trần Mai Hưởng. (Ảnh: NVCC)

Đặc biệt hơn khi ngày hôm đó, mặc dù từ hai hướng, theo hai cánh quân nhưng ông và anh trai của mình là nhà báo Trần Mai Hạnh đã cùng có mặt tại Dinh Độc Lập để tường thuật lại sự kiện lịch sử của dân tộc.

Nhà báo Trần Mai Hạnh là người đầu tiên tường thuật chiến thắng tại Dinh Độc Lập với tác phẩm “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng,” còn em trai - nhà báo Trần Mai Hưởng chụp được bức ảnh “Xe tăng quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975.”

Hai anh em, hai phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam đã có những tác phẩm báo chí để đời gắn với mốc son của dân tộc. Thời khắc làm nhiệm vụ đặc biệt ấy, họ đã lặng lẽ khóc. Những giọt nước mắt của hạnh phúc và tự hào.

Trước đó, ngày 25/3/1975, sau khi giải phóng Huế, các phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam tại Huế được họp lại để cấp trên giao nhiệm vụ. Bất ngờ hai anh em Trần Mai Hạnh - Trần Mai Hưởng có cơ duyên gặp mặt. Nhưng do thời gian gấp gáp, họ cũng chỉ kịp nhìn nhau, mắt cay xè.

nha-bao-tran-mai-huong-3.jpg
Hình ảnh lịch sử xe tăng quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, do nhà báo Trần Mai Hưởng chụp xe tăng 846 (Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2).

Những ý tưởng hình thành từ thời khắc lịch sử có một không hai sau này đã giúp nhà báo Trần Mai Hạnh viết “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75,” tác phẩm đã được trao giải thưởng cao nhất của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Văn học ASEAN. Trong khi đó, hình ảnh “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975” do nhà báo Trần Mai Hưởng chụp tới nay được sử dụng rộng rãi như biểu tượng cho Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử.

Gian truân, vất vả, vừa hành quân cùng bộ đội vừa tác nghiệp giữa muôn vàn khó khăn, nguy hiểm nhưng đồng thời phải bảo đảm tính thời sự của tin tức, đó là tất cả hành trang của người phóng viên chiến trường như nhà báo Trần Mai Hưởng. Ông kể, ngày ấy tác nghiệp xong là phải lập tức lên đường đi ngược hàng chục km, lội sông, băng rừng về nơi đặt điện đài để phát bài ra Thủ đô.

Bình thản đối diện với những tình huống xấu nhất khi tác nghiệp nơi chiến trường, nhà báo Trần Mai Hưởng bảo nhiều lúc ông chuẩn bị tâm lý bằng cách lấy giấy ghi sẵn tên, bọc vào nilon rồi đặt trong túi áo, cài chặt kim băng để phòng chẳng may bom rơi đạn lạc thì mọi người còn biết mình là ai.

Quãng thời gian hơn chục năm làm phóng viên chiến trường đã giúp ông trui rèn nên một phẩm chất, nhân cách, bản lĩnh để phục vụ công việc làm báo và trở thành một nhà quản lý sau này.

img-7029.jpg
img-7028.jpg
Ảnh trái là hai phóng viên Lâm Hồng Long (bìa phải) và Trần Mai Hưởng trên đường qua miền Trung trong chiến dịch Hồ Chí Minh, mùa Xuân 1975. Ảnh phải, là các phóng viên Trần Mai Hưởng, Ngọc Đản và Hoàng Thiểm đang qua đèo Hải Vân vào Đà Nẵng giải phóng, ngày 29/3/1975. (Ảnh: TTXVN)

Thời gian đã qua đi, nhưng thanh xuân cùng những ký ức hào hùng một thời thì còn mãi. Năm 2024, hai anh em nhà báo Trần Mai Hưởng-Trần Mai Hạnh đã dắt tay nhau “lên chuyến tàu” tìm về chiến trường xưa, dọc theo chiều dài đất nước.

vnp-tran-mai-huong.jpg
Nhà báo Trần Mai Hưởng chia sẻ những hồi ức một thời "hoa lửa" với phóng viên Báo Điện tử Vietnamplus. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Một chuyến đi anh muốn thực hiện từ lâu. Chúng tôi đã qua vĩ tuyến 17, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải - nơi đất nước đã từng cắt chia; qua Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên rồi đến Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, qua Xuân Lộc - Đồng Nai về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh,” nhà báo Trần Mai Hưởng chia sẻ trên Báo Điện tử Vietnamplus về lý do khởi nguồn của chuyến đi đặc biệt với người anh trai.

Hành trình đi để trở về ấy, đã hoàn thành tâm nguyện của người trong cuộc. Bởi đúng vào thời điểm vừa đặt chân đến Sài Gòn, mảnh đất lịch sử gắn với những ngày tháng không thể nào quên, nhà báo Trần Mai Hạnh đột ngột qua đời…

Chuyện như trong mơ giữa chiến dịch

Chiến tranh loạn lạc đã chia cắt biết bao gia đình Việt Nam, và gia đình phóng viên Lê Cương không phải ngoại lệ. Tốt nghiệp khóa GP10 – TTXVN, chàng trai Lê Cương ngày đó chính thức trở thành một phóng viên tin ảnh chiến trường của đội quân Thông tấn.

Nhận nhiệm vụ, chàng phóng viên trẻ theo đường Trường Sơn xuyên rừng, trèo đèo, lội suối dưới tầm bắn phá ác liệt của các loại máy bay địch, kể cả B52 suốt ngày đêm, còn em trai Lê Văn Cường đỗ đại học và sống ở nhà cùng mẹ. Thời ấy, chỉ có người ở tiền tuyến mới gửi được thư về cho hậu phương, nên tin tức nơi quê nhà hầu như gián đoạn.

“Thế nhưng rất tình cờ, sau Tết Giáp Dần (1974), trong chuyến đi mặt trận miền Tây Nam bộ, tại trạm giao liên đầu tiên, tôi nhận được tin em trai mình là Cường gia nhập quân đội từ tháng 5/1973, đã vượt Trường Sơn tháng 10/1973 và cũng về mặt trận Tây Nam bộ trong phiên hiệu Trung đoàn 1 quân chủ lực, mà phần lớn là thanh niên Hà Nội. Sau khi được tin, tôi để tâm dò tìm tin tức em, nhưng cũng ít hy vọng gặp được vì bộ đội di chuyển bí mật,” nhà báo Lê Cương nhớ lại.

Ngày đó, đoàn phóng viên tin ảnh Thông tấn xã Giải phóng mà ông tham gia tăng cường cho khu Tây Nam bộ, phải đi về căn cứ khu 9, đóng trong rừng U Minh Hạ, Cà Mau. Chuyến đi này, sau một tháng nghỉ ngơi, tập huấn, nhóm phóng viên gồm Phùng Đăng Bách, Mạc Phương Hùng và Lê Cương được phân công về Trà Vinh, địa bàn xa nhất vì phải vòng ngược lên.

phong-vien-chien-sy-thong-tin-50-nam-thong-nhat-2.jpg
Phóng viên, điện báo viên, kỹ thuật viên Việt Nam TTX khóa GP10 trên tàu vào chi viện cho chiến trường miền Nam. (Ảnh: TTXVN)

Lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích khá mạnh khiến địch co cụm trong các đồn bốt phân chi khu (đơn vị hành chính - quân sự của chính quyền Sài Gòn trước 1975, tương đương với quận), chi khu (xã). Tháng 10/1974, nhận được tin Trung đoàn 1 về đóng tại Tiểu Cần, nhà báo Lê Cương lập tức tìm đến, hy vọng được gặp em trai.

Đi theo giao liên từ căn cứ tỉnh ủy ở Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần khởi hành từ chập tối, rồi xuống xuồng chèo men theo khu vườn, băng qua cánh đồng lúa còn xanh, xâm xấp nước, người anh cũng chẳng biết đó là địa danh xóm, ấp nào.

Mải miết hơn 3 tiếng đồng hồ thì tới trạm. Đó là cái chòi được dựng bằng cây sơ sài giữa vườn hoang. Người anh tìm khắp xóm trong màn đêm đen đặc, tới đơn vị em nhưng mãi mới gặp được nhờ tình cờ nghe thấy ‘dấu hiệu’ thói quen riêng.

Nhà báo Lê Cường hồi tưởng: “Trong căn chòi mọi người đang yên giấc tôi bỗng nghe tiếng bẻ ngón tay ‘Rô...ốp, rô...ốp’ hai đợt trong màn bên cạnh. Một thoáng ký ức hiện về khiến tôi giật thót người, có phải đây là Cường? Ngón tay nó mảnh và dài khác với ngón tay tôi. Tôi nhớ hồi ở nhà, cái kiểu bẻ ngón tay kêu thành tiếng từ ngón trỏ đến ngón út của nó luôn bị mẹ mắng vì sợ hỏng bàn tay.”

“Nghe được dấu hiệu quen, tôi bật hỏi ‘Có phải Tiến không em? (tên gọi ở nhà của Cường)/ Anh Cương đấy phải không? Anh em tôi cùng kêu ‘trời ơi’ rồi tung màn ra, ôm chầm lấy nhau, rọi đèn pin vào mặt nhau, hàn huyên đủ chuyện. Mới hơn một năm xa nhau mà nhiều biến động. Cả hai cùng nhắc nhiều về mẹ, giờ này trời run rủi anh em tìm thấy nhau, gặp nhau như thể trong mơ. Rồi hôm sau anh em chúng tôi mỗi người lại bước tiếp vào các ngả đường chiến tranh.”

phong-vien-chien-sy-thong-tin-50-nam-thong-nhat-3.jpg
Chặng dừng chân của đoàn phóng viên GP10 của Việt Nam Thông tấn xã, có phóng viên Lê Cương, trên đường vào Chiến dịch Hồ Chí Minh để chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng. (Ảnh tư liệu TTXVN)

Nhà báo Lê Cương bảo người em trai đã làm theo lời mẹ dặn rằng vào Nam phải tìm gặp anh bằng được, chụp với nhau cái ảnh rồi gửi ra cho mẹ. Mẹ đâu có biết giữa bom đạn chiến tranh biết tìm đâu, nhưng mẹ vẫn cứ mong ước thế. Và rồi cuối cùng mong ước của mẹ đã thành hiện thực với bức ảnh ghi lại nụ cười gặp gỡ vui sướng nhất trong đời hai anh em nhà báo Lê Cương trên chiến trường.

Hôm sau, trạm giao liên của ông rời đêm trước bị trúng loạt bom. Nhà báo Lê Cương vẫn ở lại Trà Vinh còn em trai theo đơn vị về các mặt trận ở Vĩnh Long. Thời gian này hai anh em mất hoàn toàn liên lạc.

Thế rồi trong trận Tổng công kích Chiến dịch mùa Xuân 1975, nhà báo Lê Cương đi theo lực lượng vũ trang tỉnh giải phóng thị xã Trà Vinh đồng thời với Sài Gòn vào lúc 12 giờ 30 ngày 30/4.

“Ngày 15/5/1975, tôi vui mừng nhẩy bật lên khi thấy em trai ôm khẩu AK đi giữa hàng quân diễu binh ở thị xã Vĩnh Long trong Đại lễ mừng chiến thắng. Mỹ đã cút, nguỵ đã nhào,” nhà báo Lê Cương nhớ lại.

Và rồi, tấm ảnh hai anh em chụp ngày đó với nụ cười tươi rói vẫn được treo trong phòng khách gia đình ở Hà Nội. Nụ cười ấy đã mãi lưu lại giây phút gặp gỡ đầy cảm động của một thời chiến tranh loạn lạc.

“Sau này em trai tôi trở thành kỹ sư làm việc trong ngành Xây dựng ở Hà Nội, rồi mất năm 2006 vì bạo bệnh. Mẹ tôi năm nay đã 92 tuổi, mỗi lần nhìn tấm ảnh lại kể cho các cháu, chắt về cuộc gặp gỡ của hai đứa con trai ngày xưa…,” nhà báo Lê Cương xúc động nói./.

213-8-47-53.jpg
Phóng viên Lê Cương (ngoài cùng bên phải) tham gia triển lãm ảnh "Cọ non" kỷ niệm 77 năm thành lập TTXVN, năm 2022. (Ảnh: Thông Hải/Báo Ảnh Việt Nam)
(Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/phong-vien-chien-truong-ttxvn-tu-hao-ban-hung-ca-mot-thoi-hoa-lua-post1035273.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm