Nếu các bên liên quan biết cách khai thác phù hợp với tiềm năng, lợi thế, đặc trưng của địa phương sẽ mở ra những miền giá trị mới cho nông thôn, mang lại lợi ích cho cộng đồng.
382 điểm du lịch ở nông thôn đã được công nhận
Có nghề sinh vật cảnh cùng hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc, lại gần với trung tâm của Thủ đô, nên xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) đã tận dụng tốt lợi thế này để phát triển du lịch nông thôn. Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân tiếp tục được UBND thành phố công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 4 sao thuộc nhóm sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”. Hiện trung bình mỗi năm, Hồng Vân đón khoảng 3,5 vạn lượt khách, giá trị từ du lịch đạt hơn 10 tỷ đồng.
Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng cho biết, xã cố gắng để trở thành điểm đến hấp dẫn du khách; đưa thương mại - du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương.
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương, hiện cả nước có khoảng 584 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động, tập trung nhiều ở khu vực niền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó có 382 điểm du lịch ở khu vực nông thôn được UBND cấp tỉnh công nhận.
Một số mô hình phát triển mạnh ở các địa phương, như: Du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng (xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang); điểm du lịch cộng đồng Hello Mù Cang Chải (xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái); làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu (thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum); điểm du lịch Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (tỉnh Bạc Liêu)...
Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương Ngô Trường Sơn cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã hướng dẫn các địa phương tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; xây dựng các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn phù hợp với thế mạnh và lợi thế của địa phương. Bộ cũng đã phê duyệt danh mục 20 mô hình thí điểm thuộc Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới tại 20 tỉnh, tập trung vào định hướng xây dựng được mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản xuất nông nghiệp, làng nghề, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường, cảnh quan nông thôn…
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống
Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Công tác quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn còn thiếu trọng tâm, chưa phù hợp với tiềm năng, lợi thế, đặc trưng của nhiều địa phương. Nhiều mô hình du lịch nông thôn còn tự phát, manh mún, quy mô nhỏ và trùng lặp. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa đặc sắc, còn mang tính tự phát và mùa vụ. Hoạt động kết nối, liên kết điểm, tuyến du lịch còn hạn chế, nhất là sự kết nối liên tỉnh, liên vùng…
Trong định hướng xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026-2030, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục khắc phục những khó khăn, hạn chế; đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống các làng quê. Đồng thời, nghiên cứu, phát triển các mô hình kết nối giữa văn hóa truyền thống với sáng tạo văn hóa mới, bảo đảm tính đa dạng và đặc trưng vùng miền.
Bên cạnh đó, chú trọng ứng dụng công nghệ số trong công tác bảo tồn, số hóa tư liệu di sản, phát triển nền tảng quảng bá du lịch văn hóa nông thôn. Nâng cao giá trị kinh tế từ di sản và tạo sinh kế cho người dân thông qua du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm nông thôn. Khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch đặc thù gắn với văn hóa ẩm thực, nghề truyền thống, nghệ thuật dân gian, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch nông thôn Việt Nam.
Còn theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, thành phố tiếp tục phát huy giá trị các di sản, di tích và làng nghề, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch Thủ đô Hà Nội. Hiện tại, Sở Du lịch Hà Nội đã xây dựng và công bố tuyến du lịch trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức, với chủ đề “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội” gắn với hành trình tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm các hoạt động của đình Nội Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) và làng nghề nón Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai); làng nghề tăm hương (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa); làng nghề dệt (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức).
Đối với khu vực phía Tây, Hà Nội đã xây dựng và công bố “Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền”, xã Ba Vì, huyện Ba Vì với chủ đề “Chữa lành - Tịnh tâm - Dưỡng tuệ” gắn với tìm hiểu văn hóa bản địa và nghề làm thuốc nam của người Dao Quần Chẹt, xã Ba Vì…
Phát triển du lịch trong xây dựng nông thôn mới còn nhiều tiềm năng nên rất cần các bên liên quan chú trọng khai phá, để góp phần tạo nên sự phát triển bền vững ở mỗi miền quê…
Nguồn: https://hanoimoi.vn/phat-trien-du-lich-trong-xay-dung-nong-thon-moi-phu-hop-voi-tiem-nang-loi-the-dac-trung-cua-dia-phuong-697829.html
Bình luận (0)