Nhân rộng mô hình "Vườn rau an toàn"
Xác định phát triển kinh tế trên mảnh vườn của gia đình là hướng đi hữu hiệu, 2 năm nay, gia đình chị Nay H’Ple (buôn Broăi) đã cải tạo 40m2 đất vườn để trồng đủ loại rau, mùa nào thức nấy. Nhờ tận dụng nguồn phân bón hữu cơ ủ mục từ việc chăn nuôi gia súc của gia đình, vườn rau sinh trưởng, phát triển tốt quanh năm, không chỉ cải thiện bữa ăn gia đình mà còn góp phần tăng thu nhập, đảm bảo vệ sinh môi trường khuôn viên nhà ở.
Chị H’Ple tâm sự: Mảnh vườn nhà chị trước đây bỏ trống, cỏ mọc um tùm. Sau khi tham gia lớp trồng rau an toàn do Hội LHPN xã phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai tổ chức năm 2024, chị đã dọn cỏ, cuốc đất và mua hạt giống về gieo trồng trên mảnh vườn. Được chị em hướng dẫn, chị H’Ple quây lưới xung quanh vườn tránh gà, vịt phá hoại.
Nguồn rau sạch như lá mì, rau muống, rau dền, mồng tơi, bầu, bí giúp bữa ăn của gia đình thêm phong phú. Ăn không hết, chị mang ra chợ bán kiếm thêm thu nhập. “Sáng nay, tôi mới bán 3 bó lá mì được 30.000 đồng. Rau sạch nên ai cũng ưng bụng, dặn tôi khi nào có rau bán cứ mang qua nhà, đỡ mất công đi chợ-chị H’Ple phấn khởi kể.
Bà H’Krem Buôn Yă (buôn Broăi) đang cần mẫn nhổ cỏ vườn rau xanh mướt. Đây được coi là một sự đổi thay lớn trong nếp nghĩ, cách làm của gia đình bà, bởi trước đây, bà thường hái các loại rau trên rẫy như rau rừng, lá mì về ăn hoặc mua ở chợ chứ không có thói quen trồng rau tại nhà. Khi được cán bộ Hội tuyên truyền, thấy được lợi ích của mô hình nên bà đã triển khai. Sau gần 1 tháng xuống giống, vườn rau đã tạo ra nguồn thực phẩm an toàn cho gia đình cũng như tiết kiệm chi tiêu trong sinh hoạt.
Hiện bà H’Krem nuôi 20 con vịt xiêm, 100 con gà, 8 con bò và canh tác 2 ha lúa nước, 8 ha mì tạo thành chuỗi khép kín. Các loại chất thải trong chăn nuôi, trồng trọt không sử dụng trước đây, giờ được bà tận dụng tối đa. Rơm khô tích trữ làm thức ăn cho bò. Chất thải chăn nuôi được ủ mục bón cho cây trồng.
Bà H’Krem chia sẻ: "Cùng với phát triển kinh tế, gia đình đã di dời chuồng trại ra xa nhà ở, xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh. Nhờ vậy, môi trường khuôn viên nhà ở xanh-sạch-đẹp hơn. Gia đình cũng có khoản thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Liên kết sản xuất
Là vùng đất thuận lợi phát triển nông nghiệp với nhiều loại cây trồng chủ lực như lúa, bắp, thuốc lá, đầu năm 2022, Hội LHPN xã thành lập nhóm sở thích trồng ngô ngọt gồm 10 thành viên. Sau hơn 2 năm triển khai, hiện nhóm đã tăng lên 15 thành viên, canh tác 12 ha ngô ngọt. Các chị thường xuyên trao đổi, chia sẻ cách thức trồng trọt, chăm sóc sao cho đạt năng suất cao nhất.
Dẫn chúng tôi đi tham quan diện tích ngô ngọt của gia đình chuẩn bị thu hoạch, chị Rcom H’Đom (buôn Ia Rniu) cho biết: Cây ngô ngọt khoảng 70 ngày sẽ cho thu hoạch. Ưu điểm lớn nhất của giống ngô ngọt là phát triển khỏe, cứng cây, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Hạt ngô màu vàng đẹp, vỏ mỏng, khi ăn hạt mềm và ngọt. Gia đình chị cũng đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho toàn bộ diện tích giúp nâng cao năng suất cây trồng.
“Được chị em trong nhóm chia sẻ kinh nghiệm, vụ này tôi xuống giống 1 ha ngô ngọt. So với các cây trồng khác tại địa phương như lúa, mì, ngô sinh khối thì cây ngô ngọt cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Sau khi thu hoạch trái bắp, thân và lá được bán làm thức ăn cho gia súc. Với 4 vụ/năm, bình quân mỗi ha ngô ngọt thu lời hơn 100 triệu đồng”-chị H”Đom nhẩm tính.
Hội LHPN xã Ia Broăi hiện có 1.138 hội viên, trong đó có hơn 200 hội viên nghèo. Thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để vươn lên thoát nghèo bền vững”, Hội LHPN xã đã triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế giúp chị em dần từ bỏ tập quán canh tác lạc hậu, biết cách làm ăn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong đó, riêng mô hình “Vườn rau an toàn” hiện có trên 80% hội viên phụ nữ triển khai. Thông qua mô hình đã giúp nhiều chị em hội viên xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng
Thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhân rộng các mô hình hiệu quả; làm tốt công tác phát hiện, biểu dương những cá nhân điển hình làm kinh tế giỏi để chị em tham quan, học tập kinh nghiệm, áp dụng vào thực tế gia đình; qua đó từng bước xóa bỏ định kiến về giới, khẳng định vai trò người phụ nữ thời đại mới giỏi việc nước, đảm việc nhà.
Nguồn: https://gialai.gov.vn/tin-tuc/phu-nu-ia-broai-thay-doi-nep-nghi-cach-lam.81976.aspx
Bình luận (0)