Phường Bàn Cờ được thành lập trên cơ sở sáp nhập 5 phường 1, 2, 3, 4, 5 của Q.3 cũ với diện tích 1 km2, dân số hơn 67.600 người.
Sự trở lại của phở Lệ lừng danh
Trong suốt 2 cuộc kháng chiến, vùng Bàn Cờ được chọn làm nơi đặt trụ sở của một số cơ quan cách mạng. Nhân dân và lực lượng vũ trang Bàn Cờ đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong kháng chiến, xóm Bàn Cờ là khu dân nghèo, nhà cửa san sát với 52 hẻm ngang dọc trên một diện tích khoảng 15 ha giống như hình bàn cờ.
Chi nhánh phở Lệ trên đường Võ Văn Tần mở lại cách đây không lâu
ẢNH: DƯƠNG LAN
Sau sáp nhập, phường Bàn Cờ có những quán ăn ngon nổi tiếng, hấp dẫn thu hút thực khách gần xa, trong đó nổi bật có thể kể đến như phở Lệ, bún bò mỡ nổi cô Như, bò lá lốt cô Liêng…
Trao đổi với Thanh Niên, anh Hưng, đại diện quán phở Lệ cho biết, sau sáp nhập quán thuộc địa bàn phường Bàn Cờ. Vì vậy, địa chỉ quán in trên đồng phục của nhân viên đã được in mới từ P.3 thành phường Bàn Cờ. Phở Lệ ở chi nhánh đường Võ Văn Tần mở lại từ ngày 16.6 sau gần 5 năm đóng cửa kể từ đợt dịch Covid-19.
"Biết tin phường sẽ sáp nhập từ ngày 1.7 nên khi làm biển hiệu để mở cửa trở lại, chúng tôi không ghi là P.3 như trước nữa. Chi nhánh ở đường Võ Văn Tần mới được chỉnh trang nên mọi thứ vẫn còn mới, không gian sạch sẽ, thoáng mát hơn để phục vụ thực khách", anh Hưng kể lại.
Tô phở nạm ở quán phở Lệ
ẢNH: DƯƠNG LAN
Phở Lệ mở bán từ năm 1970, đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Thực đơn quán bao gồm các món chính như bò tái, gân, gầu, nạm, bò viên, bắp bò... Từ xưa đến nay, phở Lệ hấp dẫn nhiều người bởi hương vị đậm đà, đậm chất miền Nam. Theo đánh giá, phở Lệ ngon ở chỗ nước dùng có vị ngọt và độ ngậy vừa đủ, phần thịt mềm ngọt đặc trưng. Bên cạnh đó quán chuẩn bị nhiều đồ ăn kèm như rau, giá đỗ… nên thu hút được nhiều thực khách. Người mở quán phở Lệ là ông Lưu Toàn Tài, người gốc Quảng Đông, vợ ông tên là Lệ, bà là người Việt gốc hoàng gia Campuchia.
Theo anh Hưng bí quyết nằm ở nước lèo của phở được chế biến theo công thức riêng và truyền qua nhiều thế hệ trong gia đình. Sự hài hòa cùng các nguyên liệu cũng làm nên tô phở Lệ đặc biệt. Phở Lệ có một chi nhánh nữa ở đường Nguyễn Trãi.
Quán được Michelin Guide vinh danh
Phở Lệ được Michelin Guide vinh danh trong hạng mục Bib Gourmand (quán ngon, giá phải chăng) 3 năm liên tiếp. Ngoài Phở Lệ, phường Bàn Cờ cũng có quán bún bò mỡ nổi cô Như nổi tiếng trong hạng mục nhà hàng do Michelin đề xuất.
Bà Lý Thị Kim Như (68 tuổi) cho biết, sau sáp nhập quán bún bò thuộc phường Bàn Cờ. Tuy nhiên, bà chưa có thời gian đổi lại tên phường trên bảng hiệu của quán.
Bún bò mỡ nổi cô Như nằm trong hẻm sâu
ẢNH: DƯƠNG LAN
Quán nằm trong con hẻm sâu hun hút, số 274 đường Võ Văn Tần. Tuy nhiên, chỉ cần đến số 38 hẻm 287 đường Nguyễn Đình Chiểu là sẽ có biển chỉ dẫn để thực khách biết đến.
Theo lời bà Như, bà mở quán bún bò này năm 1995, từ công thức của người em bạn dâu truyền lại. Lúc đó, mỗi tô bún bò bà bán ra giá chừng 3.000 - 4.000 đồng và chỉ là một quán bún vỉa hè nhỏ. Sau này, bà chuyển quán về nhà, vào sâu trong hẻm hơn.
Nhiều năm trở lại đây, bà chủ "về hưu", truyền lại quán cho con gái và con rể kế thừa. Bà chủ vui vẻ nhìn các con buôn bán, phụ con những công việc "vòng ngoài". "Hồi xưa tôi bán, quán đã đông khách. Bí quyết nằm ở nước lèo. Sau này, khi truyền lại cho con, các con nảy ra ý tưởng cho thêm nước béo, mỡ nổi vào bún bò. Được một hoa hậu nổi tiếng giới thiệu, quán được nhiều người biết tới hơn với món bún bò mỡ nổi và đông khách tới giờ", bà Như kể lại.
Bò lá lốt được làm theo công thức riêng
ẢNH: CAO AN BIÊN
Ngoài ra, phường Bàn Cờ cũng có quán bò lá lốt nổi tiếng được Michelin Guide vinh danh, ở địa chỉ 321 đường Võ Văn Tần, chủ quán là bà Trần Thị Kim Liêng (73 tuổi). Thực đơn của quán bà Liêng đa dạng không chỉ có bò lá lốt mà còn có cả bún thịt nướng, bánh hỏi thịt nướng, chả giò, nem nướng, chả đùm…
Nguồn: https://thanhnien.vn/phuong-ban-co-co-pho-le-lung-danh-bun-bo-mo-noi-dong-kin-khach-185250630115530065.htm
Bình luận (0)