Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Quản lý, vận hành hệ thống trạm bơm thủy nông ở TX An Nhơn: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Việt NamViệt Nam23/04/2025


Quản lý, vận hành hệ thống trạm bơm thủy nông ở TX An Nhơn: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Khó khăn trong công tác quản lý, vận hành, thời gian qua việc khai thác các công trình trạm bơm thủy lợi trên địa bàn TX An Nhơn chưa phát huy tối đa hiệu quả.

Thu không đủ bù chi

Xã Nhơn Hậu có hơn 800 ha đất canh tác nông nghiệp (gần 700 ha lúa và 140 ha cây trồng cạn), việc tưới tiêu hoàn toàn phụ thuộc vào 8 trạm bơm điện do HTX Nông nghiệp Nhơn Hậu quản lý, vận hành với 21 máy bơm. Ông Trần Công Danh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhơn Hậu, chia sẻ: Trụ sở HTX cũ nhường đất để xây trụ sở CA xã, phải đi mượn chỗ làm việc tạm. Đau đầu nhất là chi phí vận hành các trạm bơm. Mỗi năm, HTX phải chi trên 1 tỷ đồng tiền điện, trong khi tiền cấp bù thủy lợi phí khoảng 640 triệu đồng. Chuyện thu không đủ chi diễn ra thường xuyên, nhiều khi phải đi mượn tiền cá nhân để kịp thanh toán với ngành điện, nếu chậm thì bị cắt điện. Không chỉ vậy, ruộng ở Nhơn Hậu phần nhiều đều cao hơn nhiều so với lòng sông, bơm nước rất tốn điện. Máy bơm hoạt động liên tục, dẫn tới chi phí tăng vọt. Nhiều vụ mùa, trạm bơm gặp sự cố giữa chừng, không có tiền sửa kịp thời, bà con phải tự mua máy về bơm nước cứu lúa!”.

Không riêng gì Nhơn Hậu, nhiều HTX Nông nghiệp khác ở TX An Nhơn như Nhơn Thành, Nhơn Mỹ, Nhơn Khánh… cũng rơi vào tình cảnh khó khăn khi chi phí điện phục vụ tưới tiêu chiếm đến 87% tổng chi phí vận hành, có nơi lên đến 100%. Kinh phí cấp bù thủy lợi không đủ chi, buộc các HTX phải vay mượn để thanh toán tiền điện hằng tháng. Trong khi đó, nhiều HTX Nông nghiệp ở địa phương cho biết Điện lực An Nhơn vẫn yêu cầu thanh toán ngay trong tháng thông báo (thường vào ngày 10), nếu chậm sẽ bị cắt điện, kể cả đang lúc cao điểm tưới tiêu. Điều đáng nói là tại khoản 1, Điều 63 Luật Điện lực 2004, cho phép đối với điện sử dụng cho tưới, tiêu nông nghiệp, thời hạn thanh toán tối đa lên đến 120 ngày.

Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này ông Trần An Khương, Giám đốc Điện lực An Nhơn cho rằng: “Chúng tôi chỉ thực hiện theo hợp đồng mua bán điện đã ký giữa các HTX Nông nghiệp và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, dựa trên mẫu hợp đồng và quy định chung do Tập đoàn ban hành”.

Thu không đủ chi khiến HTX Nông nghiệp Nhơn Hậu gặp nhiều khó khăn để duy trì hoạt động các trạm bơm thủy lợi. Ảnh: T.LỢI

Không chỉ thiếu kinh phí vận hành, hạ tầng trạm bơm điện ở nhiều nơi đã xuống cấp trầm trọng, trong khi máy móc thiết bị lạc hậu, hư hỏng liên tục. Đơn cử như trạm bơm ở khu vực Nhơn Thuận (phường Nhơn Thành). Ông N.V.P, một người dân tại địa phương này, bức xúc nói: “Trạm hỏng liên tục. Có vụ lúa vào giai đoạn cần nước nhất thì máy lại hỏng, không chờ được nên người dân đành bỏ tiền túi mua máy bơm nhỏ, mua ống kéo về tưới cứu lúa. Vừa cực vừa tốn kém!”.

Theo ông Phan Long Dũng, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TX An Nhơn, hiện thị xã có 15 tổ chức thủy lợi cơ sở, trong đó các HTX Nông nghiệp Nhơn Hậu, Nhơn Thành, Nhơn Khánh phụ thuộc hoàn toàn vào trạm bơm điện. Số còn lại sử dụng nguồn nước từ trạm bơm do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý, hoặc kết hợp với các biện pháp bơm tưới chủ động. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, giá dầu, điện, nhân công tăng cao khiến chính sách cấp bù miễn giảm dịch vụ thủy lợi tại các HTX gặp nhiều khó khăn, rơi vào cảnh “đắp đổi qua ngày”. Trạm bơm thì hoạt động cầm chừng, hư hỏng kéo dài. Vụ lúa Hè Thu, nắng nóng cao điểm, cây cần nước nhất thì trạm lại không chạy được.

Xin chuyển giao?

Trước tình trạng nhiều trạm bơm hoạt động kém hiệu quả, nhiều HTX Nông nghiệp đã kiến nghị chuyển giao về Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định trực tiếp quản lý, vận hành và đầu tư. Mong muốn sớm bàn giao việc quản lý, vận hành các trạm bơm thủy lợi cho công ty nhằm đảm bảo phục vụ sản xuất cho người dân; ông Lê Minh Tuấn, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhơn Khánh bày tỏ: Do thu không đủ chi, HTX đang rất khó khăn trong việc xoay xở kinh phí để trả tiền điện, trung bình khoảng 150 triệu đồng/tháng, nhằm duy trì hoạt động của 8 trạm bơm điện, cung cấp nước tưới cho hơn 1.000 ha đất sản xuất.

Máy móc, thiết bị ở các trạm bơm cũ, lạc hậu, thường xuyên hỏng hóc. Ảnh: T.LỢI

Trước thực tế này, UBND TX An Nhơn đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường để báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo lộ trình tiếp nhận. Trước mắt, đề xuất ưu tiên các trạm bơm đang xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến công tác tưới tiêu. Trong điều kiện khó khăn về vốn, thị xã kiến nghị tỉnh hỗ trợ đầu tư thí điểm 1 - 2 trạm bơm thuộc nhóm ưu tiên 1 (trong tổng số 9 trạm bơm điện), làm cơ sở để nhân rộng các trạm còn lại. Đồng thời, đề xuất ban hành chính sách thiết kế mẫu trạm bơm tương tự chính sách kiên cố hóa kênh mương, nhằm giảm chi phí đầu tư và huy động nguồn lực từ tỉnh đến xã, từng bước nâng cao chất lượng công trình.

Ông Nguyễn Văn Tánh, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, cho hay công ty sẵn sàng tiếp nhận quản lý, vận hành các trạm bơm nếu có nhu cầu từ phía các HTX, nhưng chỉ khi có chỉ đạo từ UBND tỉnh và được đảm bảo cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn.               

 TRỌNG LỢI



Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=5&macmp=5&mabb=354831

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Về với đại ngàn
Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm