Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Quản lý văn học phải học điện ảnh

Dự thảo nghị định về quản lý văn học chưa có những nội dung khuyến khích tài trợ, hợp tác công tư - những việc đã có trong luật Điện ảnh.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên05/04/2025

Tiền kiểm hay hậu kiểm?

Quản lý các cuộc thi viết, sáng tác tác phẩm văn học là một trong những nội dung được thảo luận tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học (diễn ra hôm qua 4.4 tại Hà Nội). Theo đó, dự thảo nghị định yêu cầu các cơ quan tổ chức VN, tổ chức nước ngoài tại VN muốn tổ chức cuộc thi viết phải gửi thông báo đến cơ quan có thẩm quyền, chờ đợi phản hồi từ cơ quan đó (nếu không có ý kiến gì thì được tổ chức). Chưa hết, khi cuộc thi kết thúc, họ lại phải gửi báo cáo về kết quả cho cơ quan quản lý.

Quản lý văn học phải học điện ảnh- Ảnh 1.

Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương giới thiệu nội dung dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học

ẢNH: BTC

Điều này, theo PGS-TS Phạm Xuân Thạch (ĐH Quốc gia Hà Nội), là chưa hợp lý. Là người quan sát kỹ các cuộc thi sáng tác, ông Thạch cho biết số lượng các cuộc thi rất lớn. "Một trường đại học cũng có cuộc thi sáng tác. Các trường đại học tổ chức thi sáng tác rất nhiều thì quy định như thế này không cần. Chỉ cần quy định về việc thông báo thông tin công khai minh bạch của cuộc thi là được", PGS-TS Phạm Xuân Thạch nói. Điều này, theo ông, sẽ tránh được việc tiền kiểm số lượng lớn, đặc biệt khi các đơn vị tổ chức vẫn đang chịu trách nhiệm tốt về hoạt động tổ chức thi này.

Tiền kiểm hay hậu kiểm cũng là vấn đề đặt ra với văn học mạng. Trong dự thảo này, nghị định cho rằng việc phổ biến văn học trên không gian mạng phải theo quy định pháp luật về công nghệ thông tin, an ninh mạng… cũng như đơn vị viễn thông có trách nhiệm ngăn chặn, truy cập các tác phẩm văn học vi phạm theo yêu cầu của quản lý nhà nước. Như vậy, nếu như các cuộc thi đang ở dạng "tiền kiểm" thì văn học mạng sẽ được quản lý "hậu kiểm".

Chủ nghĩa đề tài, thiếu chính sách khuyến khích văn học

Dự thảo cũng nêu chính sách hỗ trợ tác giả sáng tác văn học, với những chủ đề, đề tài được quy định. Kèm theo đó, dự thảo nêu 4 nhóm chủ đề, đề tài được "chốt". Về điều này, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở VH-TT tỉnh Ninh Bình, cho rằng việc liệt kê các chủ đề một cách cụ thể như trong nghị định là không nên vì cuộc sống trong mắt nhà văn rất phong phú và có giá trị riêng. "Nếu tác phẩm đó không nằm trong đối tượng mà nghị định quy định thì không được hỗ trợ, đầu tư và tôn vinh, quảng bá hay sao?", nhà văn Vũ Thanh Lịch nêu ý kiến.

PGS-TS Xuân Thạch đánh giá cao việc dự thảo đề cập nội dung nhà nước đầu tư hỗ trợ sáng tác tác phẩm có giá trị cao, đồng thời ông cũng tiếc vì sự hỗ trợ lại bị giới hạn trong những chủ đề, đề tài đã được quy định. Danh sách liệt kê, theo ông, quy định rất cụ thể các đề tài phục vụ chính trị. "Tuy vậy, cùng với thời gian, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn có sự vận động, vậy không lẽ lúc đó lại mang nghị định ra sửa?", ông Thạch đặt vấn đề. Ông cũng đưa ra ví dụ nhà nước rất coi trọng chính sách tôn giáo, Chính phủ cũng vừa thành lập Bộ quản lý về tôn giáo. Tuy nhiên, trong nghị định lại không nêu mảng đề tài tôn giáo này.

Trong tương quan với luật Điện ảnh, PGS-TS Thạch nhận định: "Nếu như luật Điện ảnh có những điều khoản rất rõ về khuyến khích phát triển lý luận, phê bình, nghiên cứu điện ảnh thì nội dung này hết sức mờ nhạt trong nghị định văn học".

PGS-TS Phạm Xuân Thạch cho rằng dự thảo nghị định cần theo hướng hình dung văn học là hoạt động của toàn xã hội với sự tham gia của nhiều thành phần xã hội. Do đó, nghị định không nên chỉ tập trung vào hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước. Dự thảo cũng nên bổ sung chính sách cụ thể để huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia chứ không chỉ tập trung vào đầu tư của nhà nước. Đây cũng là điều điện ảnh VN hiện đang làm được khi thu hút cả đầu tư công và tư.

Trong khi đó, Th.S - nhà văn Đặng Thị Thúy, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng, nhắc đến việc đảm bảo nguồn lực tài chính, nhân lực và cơ sở vật chất để nghị định đi vào đời sống. Bà đề nghị có quy định cụ thể hơn về cơ chế tài chính minh mạch cho hoạt động văn học, cũng như phải có cân đối và phân bổ nguồn lực tài chính đủ mạnh từ T.Ư và địa phương cho văn học.

Nguồn: https://thanhnien.vn/quan-ly-van-hoc-phai-hoc-dien-anh-185250404230741679.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Địa đạo: Phim chiến tranh Việt Nam tầm cỡ quốc tế
Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm