Bệnh viện Da liễu Thái Bình gồm 2 cơ sở, được thành lập theo Quyết định 1870/QĐ-UBND ngày 31/7/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc sáp nhập Trung tâm Da liễu vào Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn và đổi tên Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn thành Bệnh viện Da liễu Thái Bình.
Tuy nhiên, trong thực tế chức năng, nhiệm vụ của 2 cơ sở không đồng nhất. Cụ thể, cơ sở 1 ở địa chỉ 278 Trần Thánh Tông (thành phố Thái Bình) thực hiện chức năng nhiệm vụ khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng về chuyên ngành da liễu, công tác phòng, chống phong tại cộng đồng.
Cơ sở 2 nằm tại xã Vũ Vân (huyện Vũ Thư) thực hiện chức năng khám, chữa bệnh đa khoa và chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật nội trú mắc bệnh phong.
![]() |
Các buồng bệnh tại Bệnh viện Da liễu Thái Bình bong tróc, thấp dột. |
Cán bộ, lãnh đạo Bệnh viện Da liễu Thái Bình cho hay, từ khi sáp nhập đến nay, đơn vị luôn gặp khó khăn trong việc quản lý điều hành, đào tạo nhân lực. Do nhiệm vụ, chức năng của hai đơn vị hoàn toàn khác nhau dẫn đến đầu tư phát triển dàn trải, không có trọng tâm, trọng điểm ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước, trong khi nguồn thu rất hạn hẹp.
Thực tế quan sát, cơ sở vật chất của sơ sở 1 chật chội, xuống cấp, trang thiết bị còn hạn chế ảnh hưởng đến phát triển chuyên môn, kỹ thuật để nâng cao chất lượng điều trị, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.
![]() |
Bệnh viện có 2 cơ sở với chức năng, nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau nên việc đầu tư thường dàn trải, không hiệu quả. |
Cuối năm 2024, Bệnh viện được tiếp quản cơ sở mới (Bệnh viện Đa khoa thành phố cũ) theo Quyết định số 2225/QĐ-UBND ngày 24/12/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình.
Tuy nhiên, từ đó đến nay mọi việc vẫn “án binh bất động” do chưa được tỉnh bố trí kinh phí sửa chữa cơ bản để cải tạo lại công năng các khoa phòng chuyên môn, phục vụ cho việc di dời sang cơ sở mới để hoạt động.
Tại cơ sở 2 cũng xuống cấp, thiết bị y tế cũ, hỏng, lạc hậu, nhiều năm không được đầu tư; thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, khó khăn trong công tác đào tạo đội ngũ kế cận phục vụ công tác khám, chữa bệnh đa khoa, dẫn đến thực hiện chỉ tiêu kế hoạch hằng năm còn rất hạn chế.
Qua theo dõi, công suất sử dụng giường bệnh nội trú còn thấp so với kế hoạch. Tính trong 3 năm gần đây, chỉ dao động từ 35-46% của 80 giường bệnh kế hoạch.
Việc thu hút bệnh nhân đã khó khăn, nhưng việc giảm nhân lực ở khối hộ lý chăm sóc, phục vụ người khuyết tật đến nay cũng chưa thực hiện được như kỳ vọng.
![]() |
Bệnh viện Da liễu Thái Bình (cơ sở 2) tại đang dôi dư nhân viên chăm sóc, phục vụ bệnh nhân phong. |
Những năm 2010, 2011, cơ sở 2 chăm sóc, nuôi dưỡng khoảng 400-500 người khuyết tật mắc bệnh phong, do đó khối hộ lý chăm sóc, phục vụ đối tượng này phải tuyển dụng lên đến 30 người. Qua hằng năm, người khuyết tật do phong mất dần, hiện tại chỉ còn 83 bệnh nhân, dẫn đến dôi dư số lượng hộ lý chăm sóc.
Năm 2019, Sở Nội vụ tỉnh Thái Bình yêu cầu bệnh viện cắt giảm 5 hộ lý, tuy nhiên đến nay đơn vị không thực hiện được bởi trước đây khi tuyển dụng có trường hợp là viên chức, có trường hợp lại là hợp đồng phục vụ, chăm sóc bệnh nhân hưởng lương ngân sách nhà nước. Vì vậy, lãnh đạo bệnh viện không biết xếp vào ngạch nào, đối tượng nào để thực hiện tinh giảm.
Hiện nay, các đối tượng dôi dư hầu hết không được đào tạo chuyên môn nên bệnh viện rất khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí được vị trí việc làm cho những cán bộ này.
Để tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, cán bộ và y bác sĩ bệnh viện mong muốn Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét để thay đổi, điều chỉnh lại chức năng nhiệm vụ cho sát đúng với thực tế.
![]() |
Cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Da liễu Thái Bình đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cũng như các sở, ngành liên quan sớm điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ một cách rõ ràng, khoa học tạo điều kiện cho bệnh viện ổn định, phát triển. |
Cụ thể, Bệnh viện Da liễu Thái Bình chỉ tập trung phát triển lĩnh vực chuyên khoa và chuyên sâu về chuyên ngành da liễu. Hoạt động khám, chữa bệnh đa khoa cần xem xét để chuyển về bệnh viện tuyến huyện; còn công tác quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng người tàn tật do di chứng bệnh phong nên chuyển về bộ phận bảo trợ xã hội.
Được biết, do việc sáp nhập không đồng nhất chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị, nên hiện nay Bệnh viện Da liễu Thái Bình được thụ hưởng Đề án phát triển kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu giai đoạn 2024-2028 do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt với mức hỗ trợ khoảng 4,7 tỷ đồng sẽ rất khó triển khai nếu như cơ sở hạ tầng không được cải thiện.
Nguồn: https://nhandan.vn/quan-tam-thao-go-kho-khan-cho-benh-vien-da-lieu-thai-binh-post872305.html
Bình luận (0)