km2 và trên 9.000 người. Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh cùng những lợi thế của không gian phát triển mới và truyền thống đoàn kết, gắn bó, đồng thuận của nhân dân, xã Quảng La đang nỗ lực, phấn đấu đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu trước năm 2030.
Trên cơ sở đánh giá khách quan những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, Quảng La đang tập trung khai thác, phát triển kinh tế theo hướng nông - lâm nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ gắn với thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW (ngày 4/5/2025) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân gắn với thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW (ngày 22/12/2024) của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, nâng cao hiệu quả đầu tư để thu hút tối đa các nguồn lực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng; phát triển văn hoá gắn liền với giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá, bản sắc dân tộc, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững...
Giai đoạn 2025-2030, Quảng La đặt mục tiêu thu ngân sách hàng năm hoàn thành và vượt chỉ tiêu tỉnh giao trên 15%, thu nhập bình quân đầu người đạt 140 triệu đồng/người/năm, phát triển mới ít nhất 10 doanh nghiệp và 10 hợp tác xã; duy trì xã không còn hộ nghèo, cận nghèo; tỷ lệ thôn văn hoá đạt trên 90%; tỷ lệ hộ gia đình văn hoá đạt 95% trở lên; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 95%; tạo việc làm mới cho từ 1.200 lao động trở lên; duy trì giữ vững phổ cập THCS và phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, có 100% số trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3 trở lên, 100% số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; đảng bộ được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Quảng La xác định "tam nông" là động lực của phát triển. Do đó, xã duy trì diện tích trồng cây có hạt, vận động nhân dân chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, phát triển và mở rộng các mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, tập trung tái cơ cấu lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi thực chất, hiệu quả; khai thác lợi thế về đất đai, sản xuất hàng hoá theo hướng chuyên canh; tập trung, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất gắn với dịch vụ, bảo quản sau thu hoạch; đưa 100% cây, con giống mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất, phù hợp với thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, xã thực hiện đồng bộ các quy hoạch được duyệt, nhất là quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 trung tâm xã gắn với phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Đồng thời, hình thành và phát triển một số mô hình sản xuất tập trung, mô hình liên kết, trang trại, ứng dụng công nghệ trồng hoa, cây cảnh với diện tích 3,5ha; mở rộng 35ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, 10ha rau màu an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, 50ha cây dược liệu; phát triển đàn gia súc trên 3.000 con, duy trì và tăng đàn gia cầm trên 35.000 con. Xã khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã vào đầu tư, nhất là khu quy hoạch chế biến dược liệu 25ha, lấy doanh nghiệp dẫn dắt người dân làm theo, tham gia thực hiện các quy hoạch được duyệt.
Nhằm hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trước năm 2030, xã tiếp tục nâng cao các tiêu chí gắn quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết 1/500 trung tâm xã. Trong đó, huy động sự vào cuộc của người dân xây dựng nông thôn mới đảm bảo thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả vì lợi ích người dân; phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tạo việc làm tại chỗ, sinh kế và nâng cao thu nhập, đời sống cho cư dân nông thôn. Cùng với đó, dành nguồn lực mở rộng các tuyến đường liên thôn, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thuỷ lợi; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, giàu bản sắc văn hoá truyền thống.
Xã cũng tranh thủ nguồn đầu tư xây dựng trung tâm văn hoá - thể thao xã, nhà bảo tồn văn hoá dân tộc Tày, nâng cấp thiết chế khu bảo tồn văn hoá dân tộc Dao; tiếp tục đầu tư trang sắm cơ sở vật chất tại các nhà văn hoá thôn, nhà văn hoá trung tâm xã; phát huy vai trò tự quản của cộng đồng thông qua thực hiện hiệu quả nhà văn hoá xã, thôn, sân bóng đá làm địa điểm tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, lễ hội.
Hằng năm, xã chủ trì, phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp xanh tinh hoa tổ chức lễ hội hoa, hội làng dân tộc Dao, lễ mừng cơm mới người Tày... nhằm phát huy giá trị truyền thống, thu hút du khách, kích cầu phát triển kinh tế địa phương. Xã cũng tạo điều kiện tốt nhất để nhân dân tích cực tham gia văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao để nâng cao sức khoẻ, tạo gắn kết cộng đồng, xây dựng phong trào ngày càng phát triển.
Để nâng cao đời sống nhân dân, xã thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân gắn với làm tốt công tác giới thiệu giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động; phối hợp mở các lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho nông dân, tạo sinh kế, việc làm ổn định; khuyến khích người dân cần hình thành thói quen tự đào tạo nghề, tự nâng cao kiến thức cho mình, qua đó, phát huy ý chí, tự lực, tự cường, khát vọng phát triển, đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/xa-quang-la-phan-dau-dat-xa-nong-thon-moi-kieu-mau-truoc-nam-2030-3366652.html
Bình luận (0)