Những bước tiến vượt bậc
Kỳ thi THPT năm nay, Hội đồng thi Sở GD&ĐT Quảng Ninh có gần 20.000 thí sinh tham gia dự thi. Công tác coi thi được tổ chức nghiêm túc, an toàn, đúng quy định, bảo đảm quyền lợi cho thí sinh. Theo kết quả công bố phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025, 7/12 môn thi của Quảng Ninh có điểm trung bình môn nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước, đó là: Ngữ văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ - Công nghiệp, Giáo dục Kinh tế Pháp luật và riêng môn Tiếng Anh xếp thứ 3 toàn quốc (chỉ sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh).
Không chỉ kết quả phổ điểm thi tốt nghiệp đạt thành tích cao, năm học 2024-2025 đánh dấu một bước tiến vượt bậc của ngành Giáo dục Quảng Ninh, khi toàn ngành đã đạt nhiều thành quả về giáo dục mũi nhọn.
Mạng lưới cơ sở giáo dục toàn tỉnh đa dạng và đầy đủ các loại hình, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh và được sắp xếp tinh gọn. Nhiều địa phương tích cực, chủ động trong chuẩn bị điều kiện phòng học bộ môn, trang thiết bị dạy học đáp ứng các điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đã đạt 91,98%.
Trong năm học, Sở GD&ĐT cũng tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng 22 trường đầu tư theo tiêu chí chất lượng cao do các địa phương đề xuất giai đoạn 2022-2025. Đến nay, đã có 12 trường hoàn thành và đưa vào sử dụng. Dự kiến hết năm 2025 có 16 trường hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Năm học này cũng là một năm học vô cùng đáng nhớ khi Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT, Quảng Ninh có 88 học sinh đoạt giải (2 giải nhất, 27 giải nhì, 30 giải ba và 29 giải khuyến khích). Trong đó, giải nhất thuộc các môn Lịch sử và Tiếng Pháp.
Đáng chú ý, 3 đội tuyển Sinh học, Địa lý, Tiếng Trung Quốc có 100% số học sinh dự thi đoạt giải. 3 đội tuyển Vật lý, Lịch sử, Tiếng Anh có 90% số học sinh dự thi đoạt giải. So với năm học 2023-2024, năm học 2024-2025 đã tăng 3 giải, tiếp tục duy trì số lượng giải nhất, tăng 4 giải nhì, tăng 2 giải ba. Tỷ lệ học sinh đoạt giải chiếm 80% thí sinh dự thi, cao nhất trong 10 năm học gần đây. Đặc biệt, Trường THPT Chuyên Hạ Long xuất sắc có 2 học sinh dự thi Olympic các môn khoa học, cấp quốc tế ở môn Hóa học và môn Tin học. Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT năm học 2024-2025, tỉnh có 3 dự án đạt giải (1 giải nhì; 2 giải triển vọng).
Các năm học từ 2020 đến nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, những tác động tiêu cực từ bệnh dịch rất lớn, tuy nhiên ngành Giáo dục tỉnh đã không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng dạy và học để đạt được những thành tích cao. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên; khoảng cách chênh lệch về cơ hội tiếp cận và chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo giữa các vùng miền, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và đối tượng người nghèo, người yếu thế ngày càng được thu hẹp.
Như một minh chứng cho những thành quả từ sự quan tâm, chăm lo của tỉnh cho giáo dục, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 1278/QĐ-BGDĐT về việc công nhận tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3 tại thời điểm tháng 12/2024.
Với Quyết định này, tỉnh Quảng Ninh trở thành địa phương nằm trong 10 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, chuẩn phổ cập giáo dục mầm non và xoá mù chữ ở mức cao nhất. Đây là tiêu chí quan trọng phản ánh chất lượng giáo dục, đào tạo tại địa phương do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, khẳng định sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, ngành Giáo dục trong việc tổ chức mạng lưới trường, lớp và đảm bảo điều kiện học tập tốt nhất, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo.
Niềm vui được nhân lên khi tại Quyết định số 523/QĐ-CTN của Chủ tịch nước ngày 18/4/2025 về việc tặng thưởng Huân chương Lao động, Quảng Ninh có 5 tập thể, 2 cá nhân được tặng thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đây là phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước ghi nhận, vinh danh những đóng góp, cống hiến tâm huyết, trí tuệ, sự nỗ lực không ngừng nghỉ cho sự nghiệp giáo dục của 7 tập thể, cá nhân nhà giáo của tỉnh Quảng Ninh.
Chăm lo sự nghiệp "trồng người"
Những kết quả trên là thành tích đầy ấn tượng, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của ngành Giáo dục, thầy và trò của Quảng Ninh trong năm vừa qua. Điều này cho thấy, những thành tích đáng tự hào này là kết quả của cả một hành trình dài bền bỉ của cấp ủy, chính quyền tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ chăm lo cho sự nghiệp "trồng người".
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá chiến lược, trong đó, ưu tiên phát triển giáo dục đào tạo là nhiệm vụ hàng đầu. Để hiện thực hóa mục tiêu này, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trên cơ sở mở rộng các chính sách hỗ trợ của Trung ương, Quảng Ninh đã ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách, nghị quyết tạo động lực, thúc đẩy giáo dục phát triển xứng tầm với sự tăng trưởng của tỉnh, tạo động lực cho thi đua học tốt, dạy tốt, bảo đảm thực hiện thắng lợi sự nghiệp “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Điển hình: Chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025; quy định chế độ thưởng cho học sinh đoạt giải trong các kỳ thi tuyển sinh vào hệ chính quy các trường đại học, cao đẳng và giáo viên đào tạo học sinh đoạt giải...
Đáng chú ý, Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong việc hỗ trợ 100% học phí cho học sinh. Trong 2 năm học 2021-2022 và 2022-2023, tỉnh dành gần 600 tỷ đồng để hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Các chính sách đã phần nào giúp các gia đình vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhất là những gia đình có thu nhập thấp, không ổn định.
Kiên trì thực hiện các quan điểm “Đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo phải được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”, tỉnh ưu tiên nguồn lực từ ngân sách đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống các cơ sở giáo dục - đào tạo theo hướng đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại, giúp học sinh được thụ hưởng môi trường giáo dục tốt nhất; quan tâm hỗ trợ, đầu tư xây dựng trường học theo tiêu chí chất lượng cao, cả ở địa bàn trung tâm cũng như vùng khó khăn. Đến nay, các trường: THPT Hòn Gai, THPT Ngô Quyền, THCS&THPT Quảng La, THPT Bình Liêu, PTDT Nội trú Ba Chẽ, TH&THCS Vạn Yên, THPT Cẩm Phả, THPT Trần Phú, THPT Uông Bí, Tiểu học Đông Ngũ được xây mới với thiết kế đồng bộ, khang trang, hiện đại, tạo môi trường phát triển toàn diện cho học sinh, đáp ứng được kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân. Một số trường khác cũng đang được tích cực triển khai xây dựng.
Chỉ thị số 38-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt mục tiêu: Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục phổ thông; phấn đấu Quảng Ninh là một trong những tỉnh, thành phố đi đầu trong phát triển giáo dục thông minh, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, dạy học và đánh giá chất lượng; chậm nhất đến năm 2030, nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển giáo dục, đào tạo, một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng; tỉnh học tập tham gia mạng lưới thành phố, tỉnh học tập toàn cầu của UNESCO.
Để thực hiện mục tiêu đặt ra, phát huy những kết quả đã đạt được, trong những năm học tới, ngành Giáo dục Quảng Ninh quyết tâm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa phương pháp giảng dạy và công tác quản lý để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu, rộng về giáo dục.
Giáo dục Quảng Ninh đã và đang có những bước tiến, phát triển đáng tự hào. Đằng sau những vinh quang của học trò chính là sự tiếp sức của tỉnh, sự hỗ trợ của ngành Giáo dục và các địa phương. Chắc chắn, trong tương lai, tỉnh ta sẽ còn gặt hái nhiều trái ngọt hơn nữa, hoàn thành sứ mệnh trồng người vẻ vang, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với nhanh chóng tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Qua đó, xây dựng một Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/quang-ninh-thanh-qua-giao-duc-dang-tu-hao-3366938.html
Bình luận (0)