NDO - Sau khi giành lại độc lập dân tộc năm 1945, Đảng và Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng nền giáo dục mới, trước hết là xóa nạn mù chữ cho người dân bằng cách phát động Phong trào Bình dân học vụ. Nha Bình dân học vụ được thành lập với nhiệm vụ lo việc học cho nhân dân.
Báo Nhân dân•05/04/2025
Tỷ lệ mù chữ của người dân Việt Nam vào năm 1945 là bao nhiêu?
Sau Cách mạng Tháng Tám, Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên ba thách thức lớn là “giặc đói”, “giặc dốt” và giặc ngoại xâm. 95% dân chúng Việt Nam không biết chữ. Tỷ lệ này cao hơn ở phụ nữ. Ở vùng thôn xóm hẻo lánh hay vùng đồng bào thiểu số, tỷ số người thất học lên tới 100%.
Sắc lệnh số 20/SL của Chính phủ lâm thời quy định việc bắt buộc học chữ Quốc ngữ trong toàn quốc, và nêu hạn trong một năm tất cả mọi người Việt Nam từ mấy tuổi trở lên phải biết đọc, biết viết?
Sắc lệnh số 20/SL ban bố việc học chữ Quốc ngữ là “bắt buộc và không mất tiền”, hạn một năm tất cả mọi người Việt Nam từ 8 tuổi trở lên phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ.
"Hồ Chí Minh", "Phan Thanh", "Đoàn kết" là tên gọi của các khoá huấn luyện đội ngũ "chiến sĩ diệt giặc dốt"- những người sau đó tỏa đi khắp các địa phương vận động quần chúng tích cực học chữ - do đơn vị nào tổ chức?
Để huấn luyện các "chiến sĩ diệt giặc dốt", Nha Bình dân học vụ mở 3 lớp huấn luyện, lớp đầu tiên lấy tên là khóa "Hồ Chí Minh" có 82 người tham dự là những nhà sư phạm, những ủy viên giáo dục và nhiều người là trung kiên cốt cán của Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ ở khắp các tỉnh bắc bộ; Ở trung bộ, mở khóa "Phan Thanh" có 67 người tham dự; Tại Hà Nội mở khóa "Đoàn kết" với sự tham gia của 75 người của 14 dân tộc ít người thuộc các tỉnh miền núi bắc bộ và trung bộ.
Hội đồng cố vấn học chính ra đời vào thời gian nào?
Ngày 10/10/1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 44/SL thành lập Hội đồng cố vấn học chính, có nhiệm vụ nghiên cứu và đệ trình Chính phủ chương trình giáo dục của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho phù hợp; theo dõi việc thi hành chương trình ấy khi đã được duyệt y và giúp Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục khi cần để giải quyết những vấn đề thuộc về sư phạm.
Cách dạy chữ của bình dân học vụ được sử dụng theo phương pháp nào?
Thay vì cách học cổ truyền là "đánh vần từng chữ", dạy cái theo thứ tự chữ cái a, b, c,… rồi các vần bằng, trắc,… bình dân học vụ sử dụng phương pháp "đọc lên thành tiếng", là dạy bài thơ hay bài hát đơn giản cho người học thuộc trước câu thơ, câu hát đó rồi mới phân ra từng chữ theo các câu.
Người dạy cũng sáng tác những câu thơ, vè, văn vần gần gũi với đời sống để người học dễ nhớ, dễ thuộc và nhớ lâu, như: "O tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ, ơ già thêm râu”.
Bình luận (0)