Ngày 24-5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Cho ý kiến vào quy định về quỹ nhà ở quốc gia, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) phân tích, đầu tư nhà ở xã hội có lợi nhuận quy định rất thấp, giá cho thuê lại càng thấp nên không có khả năng hoàn trả vốn. Vì vậy, cần có quỹ để tạo vốn đầu tư.
Một trong những nguồn thu cho quỹ nhà ở quốc gia là với những dự án nhà ở thương mại không dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội thì được chuyển thành tiền để đóng vào quỹ nhà ở quốc gia. Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng quy định như vậy là “rất thỏa đáng và rất công bằng”.
Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, quy định này chỉ áp dụng với các dự án nhà ở thương mại được phê duyệt chủ trương đầu tư sau khi Luật Nhà ở có hiệu lực. Những dự án nhà ở thương mại được phê duyệt chủ trương đầu tư trước khi Luật Nhà ở có hiệu lực thì chủ đầu tư phải thực hiện thêm thủ tục phê duyệt lại chủ trương đầu tư, phải làm lại thủ tục hành chính. Như vậy là không cần thiết.
Do vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị quy định thêm điều khoản chuyển tiếp với những dự án nhà ở thương mại đã được phê duyệt trước khi Luật Nhà ở có hiệu lực thì phần diện tích đất dành cho quỹ đất phát triển nhà ở xã hội được chuyển thành đất thương mại và quỹ đất này sẽ được đấu giá để lấy tiền đưa vào quỹ nhà ở quốc gia mà không cần phải làm thủ tục phê duyệt lại.
Đại biểu Hoàng Văn Cường tán thành với việc thành lập Quỹ nhà ở quốc gia. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Để đa dạng hóa nguồn cho quỹ nhà ở quốc gia, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến cần khuyến khích người dân có nhu cầu mua, thuê nhà ở xã hội phải tích cực tiết kiệm tiền đóng góp vào quỹ nhà ở quốc gia. “Thế giới có những quỹ dành cho những người mua nhà, anh nào đóng tiền vào đấy nhiều, anh nào đóng thường xuyên, nhìn dòng tiền đấy họ sẽ quyết định lựa chọn người này trong tương lai sẽ có đủ khả năng mua nhà hay không hoặc người này tích luỹ được ít thì người ta sẽ chuyển thành dạng thuê mua hoặc thậm chí không khả năng để tích lũy được thì người ta sẽ dành ưu tiên là thuê”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) cũng bày tỏ đồng tình cao với việc thành lập quỹ nhà ở quốc gia tại Trung ương và địa phương, đồng thời mở rộng nguồn thu từ ngân sách và xã hội hóa. “Đây là cơ sở tài chính quan trọng để thực hiện mục tiêu an sinh lo chỗ ở cho hàng triệu người lao động có thu nhập thấp”, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân nói.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho rằng quy định này “còn thiếu một số yếu tố then chốt cần làm rõ và hoàn thiện”.
Cụ thể, theo đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, quy định chưa xác định cụ thể tỷ lệ tối thiểu phân bổ từ chi đầu tư phát triển hàng năm của ngân sách nhà nước cả ở trung ương và địa phương để hình thành và vận hành quỹ nhà ở quốc gia; chưa phân biệt giữa các vùng có nhu cầu nhà ở xã hội khác nhau ở các khu đô thị lớn, nơi tập trung đông khu công nghiệp; chưa xác định được quy mô của quỹ và mục tiêu cụ thể, từ đó sẽ khó khăn trong công tác giám sát, đánh giá hiệu quả của chính sách.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) đề nghị có giải pháp hoàn thiện và vận hành hiệu quả Quỹ nhà ở quốc gia như là phân bổ ít nhất từ 30 đến 50% nguồn quỹ cho hỗ trợ trực tiếp người dân mua nhà, như hỗ trợ lãi suất. Đồng thời, thiết lập Hội đồng quản lý độc lập, có đại diện Nhà nước, công đoàn, chuyên gia và đại diện người dân, song song đó cần có cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm toán, báo cáo định kỳ, tránh thất thoát, trục lợi chính sách.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh giải trình tại phiên họp của Quốc hội. |
Giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh nhấn mạnh, quỹ này một là để địa phương phải bố trí đất, khi điều chỉnh quy hoạch và tái định cư thì địa phương phải lo; hai là đối tượng khó khăn được vay quỹ.
“Vừa qua, chúng ta thực hiện gói 120.000 tỷ đồng, nay là gói 145.000 tỷ đồng về tiền của ngân hàng nhưng đến tháng tư vừa rồi mới giải ngân được 3.042 tỷ đồng, tức là mới giải ngân được khoảng gần 3% trong 5 năm, như thế là rất kém. Nhà đầu tư cũng rất ngán ngẩm như các đại biểu cũng nêu, đúng là một số quy định chặt chẽ quá về thủ tục tín dụng thì không làm được”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh nói.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, đây là nghị quyết có ý nghĩa chính trị, nhân văn, ý nghĩa xã hội rất sâu sắc. Trên cơ sở văn bản đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan hữu quan khẩn trương tiến hành các phần việc theo quy định để kịp hoàn thiện dự thảo nghị quyết, trình Quốc hội thông qua ngay trong ngày làm việc cuối cùng của đợt họp thứ nhất tại Kỳ họp thứ chín này.
CHIẾN THẮNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.
Nguồn: https://baodaknong.vn/quy-nha-o-quoc-gia-la-co-so-tai-chinh-cham-lo-nha-o-cho-hang-trieu-nguoi-co-thu-nhap-thap-253538.html
Bình luận (0)