Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Quyết liệt tăng tốc các dự án đầu tư công

Thanh tra Chính phủ vừa chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm tại dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức đến Bộ Công an xem xét điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Hà Nội MớiHà Nội Mới03/04/2025

Đây là 2 dự án được dư luận quan tâm, vì sau hơn 10 năm khởi công nhưng đến nay vẫn chưa thể đi vào hoạt động, gây lãng phí nghiêm trọng.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Tài chính, đến nay, cả nước có 1.533 dự án được các cơ quan, địa phương báo cáo đang gặp khó khăn, vướng mắc, trong đó có 338 dự án đầu tư công, 1.126 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 69 dự án PPP. Ngoài ra, Bộ Tài chính nhận được văn bản của doanh nghiệp phản ánh về 12 dự án gặp khó khăn, vướng mắc.

Một vài số liệu thống kê trên cho thấy, tình trạng các dự án chậm tiến độ gây lãng phí tài sản, tiền của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân và xã hội cần được tập trung xử lý, giải quyết. Một loạt khó khăn, vướng mắc được chỉ ra liên quan đến việc xử lý tài sản công; quản lý, sử dụng, bố trí vốn đầu tư công; chuyển mục đích sử dụng đất; dừng, thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án…

Trước yêu cầu cấp thiết trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 31-3-2025 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, báo cáo các dự án đầu tư có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài trên Hệ thống đầu tư công quốc gia, với thời hạn hoàn thành đến hết ngày 10-4-2025.

Tiếp theo Công điện số 13/CĐ-TTg ngày 8-2-2025, đây là lần thứ hai liên tiếp trong hơn 2 tháng qua người đứng đầu Chính phủ ban hành công điện nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án, đặc biệt là các dự án đầu tư công. Điều đó cho thấy, việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ách tắc tại các dự án tồn đọng, kéo dài hết sức cần kíp, nhằm giúp giải phóng, huy động, khai thác được nguồn lực rất lớn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 8% trong năm 2025 và đạt hai con số những năm tiếp theo.

Để hiện thực hóa quyết tâm trên, trước hết đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của từng bộ, ngành cũng như mỗi địa phương, với phương châm “5 rõ”, vướng mắc ở cấp nào cấp đó tháo gỡ, thẩm quyền của ai người đó giải quyết, không đùn đẩy, né tránh. Đồng thời, tiếp tục rà soát, cập nhật các dự án, phát hiện thấy có vướng mắc, khó khăn cần đề xuất giải pháp, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ của các dự án trên là công tác giải phóng mặt bằng. Vì thế, các đơn vị liên quan cần tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Các đơn vị cần căn cứ luật pháp, điều kiện cụ thể, khả năng của địa phương để quyết định hỗ trợ phù hợp, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Cùng với đó, cần xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, chây ỳ, chống đối… ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Tại Hà Nội, với 117 dự án chậm tiến độ hiện nay, UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND, trọng tâm về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí năm 2025 và các năm tiếp theo. Kế hoạch nhấn mạnh đến các nhiệm vụ phải được phân công đến từng cơ quan với tinh thần rõ người, rõ việc, rõ thời gian thực hiện. Trong đó, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ với quyết tâm chính trị cao nhất.

Với sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương đến mỗi bộ, ngành, địa phương cũng như nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án chậm tiến độ sẽ sớm đạt kết quả. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng phải thực hiện để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn: https://hanoimoi.vn/quyet-liet-tang-toc-cac-du-an-dau-tu-cong-697693.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm