Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ra mắt bản dịch tiếng Nga cuốn sách về cụm tình báo H.63: Sự đồng điệu của hai dân tộc anh hùng

Sự kiện ra mắt cùng lúc hai cuốn sách 'Kể chuyện Cụm tình báo H.63 anh hùng' bằng tiếng Việt và tiếng Nga là hoạt động ngoại giao nhân dân ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nga.

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế14/04/2025

Cuốn sách 'Kể chuyện Cụm tình báo H.63 anh hùng' và bản dịch tiếng Nga:

Nhà văn Nguyễn Quang Chánh chia sẻ tại buổi ra mắt bản dịch tiếng Nga cuốn sách về cụm tình báo H.63. (Ảnh: Thái Thông)

Vừa qua tại Hà Nội, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Kể chuyện Cụm tình báo H.63 anh hùng” của tác giả Nguyễn Quang Chánh và bản dịch tiếng Nga “Легендарная резидентура Н.63”.

Buổi ra mắt với hai bản tiếng Việt và tiếng Nga song song bắt đầu bằng bộ phim tài liệu ngắn giới thiệu về Cụm tình báo H.63.

Hành trình 5 năm kể chuyện người anh hùng

Cụm tình báo H.63 anh hùng là mạng lưới thành công nhất của Tình báo quốc phòng Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, góp phần quan trọng vào thắng lợi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Lần đầu tiên, câu chuyện về tập thể tình báo H.63 – một mạng lưới hoạt động xuất sắc trong lòng địch suốt đến ngày 30/4/1975 mà không ai bị lộ – được kể lại một cách đầy đủ trong cuốn sách, thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.

Tác phẩm tái hiện những chiến công âm thầm nhưng phi thường của các chiến sĩ tình báo, đồng thời khắc họa chân thực cuộc sống và tâm sự của họ trong và sau cuộc kháng chiến.

Như một cơ duyên, Nguyễn Quang Chánh được gặp gỡ các vị anh hùng tình báo, được nghe họ kể chuyện về cuộc đời hoạt động tình báo của mình. Vì say mê và ngưỡng mộ những con người ấy, tác giả muốn ghi lại những câu chuyện bình dị mà vĩ đại về cuộc đời của họ.

Suốt 5 năm điền dã, tác giả đã rong ruổi khắp các ngõ ngách TP Hồ Chí Minh để gặp gỡ, lắng nghe ký ức sống động từ các nhân chứng của lưới tình báo H.63. Nhiều câu chuyện xúc động được ghi lại, trong đó có chia sẻ của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang), Cụm trưởng H.63. Ông kể về những khoảnh khắc cận kề nguy hiểm, khi phải giữ vững tinh thần trước kẻ thù, hay các cuộc giải cứu đồng đội đầy mưu trí và quả cảm.

Nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn – người được CIA và báo chí phương Tây ngưỡng mộ, được Giáo sư sử học người Mỹ Larry Berman gọi là “điệp viên hoàn hảo”, đã chuyển những tài liệu tối quan trọng cho cách mạng. Ông là phóng viên người Việt duy nhất của tạp chí Time trong suốt 11 năm, một trong những người thạo tin nhất ở Sài Gòn những năm 1960, 1970, bí mật gửi những thông tin vô cùng quý giá góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc.

Tài liệu của ông được giao liên chuyển đến mạng lưới tình báo địa đạo Củ Chi, rồi từ Củ Chi về Sở chỉ huy của quân Giải phóng. Ngoài chiến công thầm lặng của Phạm Xuân Ẩn, cuốn sách làm nổi bật sự dũng cảm, mưu trí, khôn khéo của các chiến sĩ tình báo Cụm H.63.

Cuốn sách 'Kể chuyện Cụm tình báo H.63 anh hùng' và bản dịch tiếng Nga:

Bìa cuốn sách "Kể chuyện Cụm tình báo H.63 Anh hùng" phiên bản tiếng Nga. (Ảnh: Thái Thông)

Bản hùng ca những chiến công thầm lặng

Cuốn sách "Kể chuyện Cụm tình báo H.63 anh hùng" không chỉ là tập hợp những câu chuyện tình báo có thật, mà còn là bản hùng ca về lòng quả cảm và sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ tình báo Việt Nam, qua lời kể trực tiếp của những người trong cuộc.

Những trang sách làm nổi bật chiều sâu nhân văn, tinh thần yêu nước mãnh liệt và khát vọng thống nhất đất nước. Họ đã sẵn sàng đánh đổi cả danh tính, thậm chí tính mạng, để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng giữa lòng địch.

Tại lễ ra mắt sách, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh: “Cuốn sách kể về các thành viên của Cụm tình báo H. 63 và Chỉ huy cụm tình báo, Anh hùng Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Tướng tình báo tài giỏi Phạm Xuân Ẩn, các liên lạc viên Nguyễn Thị Ba, Tam Kiên, các chiến sĩ căn cứ Bến Đình, những người trung thành với sự nghiệp cách mạng, đã tạo nên mạng lưới tình báo quan trọng mang tính chiến lược, tình báo nhân dân”.

Việc cuốn sách được dịch ra tiếng Nga là nhân duyên giữa những con người có chung tình hữu nghị gắn bó. Cuốn sách bản tiếng Việt ra mắt lần đầu từ tháng 6/2023 ở Việt Nam và ít lâu sau đó, tháng 12/2023, khi lần đầu tiên gặp ông Viacheslav Kalganov, Phó chủ tịch Ủy ban đối ngoại của thành phố Saint-Petersburg tại TP. Hồ Chí Minh, tác giả Nguyễn Quang Chánh đã tặng sách và kể cho ông nghe nội dung cuốn sách.

Theo đề nghị của ông Kalganov - người rất khâm phục những chiến công thầm lặng của tập thể H.63 huyền thoại và điệp viên hoàn hảo Phạm Xuân Ẩn, tháng 2/2024, Ủy ban đối ngoại TP. Saint-Petersburg đã tổ chức một số buổi hội thảo về Phạm Xuân Ẩn, tác giả Nguyễn Quang Chánh được mời tham dự online.

Ông Kalganov đã giới thiệu dịch giả Evdokia Petrunova – cựu sinh viên Khoa Đông phương học, Đại học Tổng hợp quốc gia Saint-Petersburg – người giàu tình cảm với đất nước và văn hóa Việt Nam. Bà đảm nhận việc dịch cuốn sách từ tiếng Việt sang tiếng Nga và hoàn thành trong vòng 4 tháng.

Bản dịch sau đó được PGS.TS Ida Andreeva, chuyên gia văn học Nga nghỉ hưu tại Saint-Petersburg, tình nguyện biên tập và hiệu đính miễn phí. Bà từng giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Hà Nội giai đoạn 1982–1984, có nhiều mối liên hệ học thuật với giới giảng viên và văn nghệ sĩ Việt Nam, và luôn giữ trong tim hình ảnh đất nước cùng con người Việt.

Xuất phát từ tình yêu sâu sắc dành cho Việt Nam, dù đã gần 90 tuổi, bà Ida Andreeva vẫn hoàn thành công việc biên tập chỉ trong hơn 3 tháng.

Cả hai phiên bản sách đều được Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản rộng rãi. 100 cuốn sách phiên bản tiếng Nga đã được trao cho Đại sứ quán Nga để gửi tặng cho các cựu chiến binh Nga từng hỗ trợ Việt Nam.

Bạn đọc cảm phục tác giả Nguyễn Quang Chánh trong vòng 5 năm qua đã bỏ nhiều công sức tìm hiểu, gặp gỡ các nhân vật chính của Cụm tình báo H.63, nghe họ khiêm tốn kể lại từng chi tiết của những chiến công thầm lặng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước để viết nên cuốn sách chân thực, hấp dẫn, nhiều ý nghĩa này.

Tác giả chia sẻ, ông và nhiều người còn sống kể lại về những người anh hùng với mong muốn để thế hệ mai sau sống xứng đáng với cha, ông của mình, thêm hiểu và trân trọng cuộc sống hòa bình ngày hôm nay.

Buổi lễ ra mắt sách không chỉ là dịp để độc giả và các nhà báo tiếp cận một tác phẩm lịch sử giá trị, mà còn là cơ hội để cùng nhau nhìn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, tri ân những con người đã cống hiến thầm lặng cho độc lập, tự do và thống nhất đất nước.

Sự kiện ra mắt cùng một lúc hai cuốn sách "Kể chuyện Cụm tình báo H.63 anh hùng" bằng tiếng Việt và tiếng Nga cũng được đánh giá như một hoạt động “ngoại giao nhân dân” độc đáo, mang nhiều ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nga (1950-2025), kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam (30/4/1975-30/4/2025), và 80 năm chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Nga (9/5/1945 - 9/5/2025).

Nguồn: https://baoquocte.vn/ra-mat-ban-dich-tieng-nga-cuon-sach-ve-cum-tinh-bao-h63-su-dong-dieu-cua-hai-dan-toc-anh-hung-311063.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử
Ngắm san hô biển bạc Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm