
"Đây là trường hợp nhỏ tuổi nhất bị rối loạn tiền đình mà chúng tôi điều trị", ThS.BS.CKI Trương Tấn Phát, Trưởng Đơn vị Tai Mũi Họng, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7 nói, thêm rằng mỗi năm tỷ lệ người bệnh ở tuổi vịthành niên bị rối loạn tiền đình tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chiếm khoảng 5%.
Triệu chứng của Nhung xuất hiện với tần suất dày hơn trong 3 tháng gần đây. Một năm nay, Nhung học tập và dùng thiết bị điện tử gần 20 tiếng mỗi ngày, ngủ 2 - 3 giờ mỗi đêm. Cách đây 3 tháng, Nhung nhập viện cấp cứu vì sốt, đau đầu, chóng mặt, suy nhược cơ thể.
Kiểm tra rung giật nhãn cầu bằng công nghệ ảnh động nhãn đồ (Videonystagmography - VNG) cho thấy phản xạ mắt của Nhung chậm, không đều, xuất hiện rung giật nhãn cầu nhẹ khi dõi theo vật thể di chuyển. Nhung được đeo kính có gắn camera vHIT (Video Head Impulse Test), sau đó quay nhẹ bất ngờ theo các hướng. Kết quả ghi nhận phản xạ tiền đình nhãn cầu bên phải, chuyển động mắt không theo kịp chuyển động đầu.
Bác sĩ Phát chẩn đoán Nhung bị rối loạn chức năng tiền đình, chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV ống bán khuyên sau phải). Rối loạn tiền đình có thể có nguyên nhân ngoại biên hoặc trung ương hay gặp ở người trung niên, lớn tuổi do sự suy giảm chức năng của các cơ quan tiếp nhận thông tin và cảm giác. Với người trẻ, sự suy giảm này thường do căng thẳng, stress, sinh hoạt ăn uống ngủ nghỉ chưa hợp lý, rối loạn lo âu, chấn thương hoặc cũng có thể không có nguyên nhân rõ ràng.
Rối loạn tiền đình là tình trạng tổn thương vùng tiền đình trong tai hoặc não, dây thần kinh số 8, các đường kết nối thần kinh trong não... làm gián đoạn quá trình dẫn truyền và xử lý thông tin của hệ thống tiền đình. Triệu chứng gồm chóng mặt, choáng váng, mất thăng bằng...
Hệ thống tiền đình của thanh thiếu niên chưa phát triển hoàn thiện khiến kiểm soát thăng bằng ở mắt và cảm giác cơ thể dễ bị rối loạn nên làm tăng nguy cơ chóng mặt do kích thích thị giác. Các yếu tố dễ gây suy nhược cơ thể như căng thẳng, thiếu ngủ, thói quen sinh hoạt kém, đau nửa đầu do thay đổi nội tiết và đau vùng cổ vai cũng góp phần làm gia tăng chứng chóng mặt trong giai đoạn này.
Điều trị rối loạn tiền đình ở độ tuổi này chủ yếu tập trung vào liệu pháp phục hồi tiền đình kết hợp chế độ sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ, chưa cần dùng thuốc. Nhung được tập phục hồi chức năng tiền đình đồng thời cần ngủ 8 tiếng mỗi đêm, hạn chế tiếp xúc thiết bị điện tử, kiểm soát căng thẳng. Bởi căng thẳng khiến cơ thể sản sinh một lượng lớn hormone cortisol, tác động tiêu cực đến việc truyền thông tin từ hệ thống tiền đình đến não, làm bệnh nặng hơn.
Sau một tháng điều trị, triệu chứng của Nhung cải thiện, không còn choáng váng, chóng mặt hay mất thăng bằng, duy trì tái khám.
Khi trẻ có dấu hiệu như choáng váng, hoa mắt, mất thăng bằng hay chóng mặt, bác sĩ Phát khuyến cáo cha mẹ nên đưa con đi khám sớm để chẩn đoán chính xác và can thiệp kịp thời, tránh bệnh chuyển nặng. Người lớn nên hướng dẫn con cách nghỉ ngơi hợp lý, kiểm soát căng thẳng và giữ lối sống lành mạnh.
T.H (theo VnExpress)Nguồn: https://baohaiduong.vn/roi-loan-tien-dinh-o-tuoi-15-411353.html
Bình luận (0)