Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sandbox mở đường cho các dịch vụ tài chính mới

Chính phủ vừa chính thức ban hành Nghị định số 94/2025/NĐ-CP quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng. Điều này đánh dấu bước ngoặt mới trong việc chính thức triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) đối với các giải pháp công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

Thời báo Ngân hàngThời báo Ngân hàng14/05/2025

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong hoạt động ngân hàng được kỳ vọng sẽ trở thành động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phổ cập tài chính một cách minh bạch, an toàn và với chi phí hợp lý. Cơ chế này không chỉ mở ra không gian thử nghiệm các giải pháp Fintech trong môi trường được giám sát chặt chẽ, mà còn giúp đánh giá toàn diện rủi ro, lợi ích và mức độ phù hợp của sản phẩm với nhu cầu thị trường cũng như quy định pháp lý hiện hành. Qua đó, góp phần bảo vệ quyền lợi người dùng và hạn chế rủi ro trong quá trình tiếp cận dịch vụ Fintech. Đặc biệt, kết quả thử nghiệm sẽ là căn cứ thực tiễn quan trọng cho cơ quan quản lý trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hướng tới phát triển thị trường tài chính số an toàn, hiệu quả và bền vững.

Theo quy định, việc triển khai thử nghiệm các giải pháp Fintech được giới hạn trên lãnh thổ Việt Nam, không được thực hiện thử nghiệm xuyên biên giới. Thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech tối đa 2 năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể tính từ thời điểm được NHNN cấp giấy chứng nhận tham gia cơ chế thử nghiệm.

Nghị định 94 quy định rõ các điều kiện và tiêu chí tham gia cơ chế thử nghiệm đối với các giải pháp Fintech. Theo đó, các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể được cấp giấy chứng nhận tham gia cơ chế thử nghiệm. Cùng với đó, công ty Fintech Việt Nam cũng được tham gia cơ chế khi đáp ứng các điều kiện như: Không có vốn đầu tư nước ngoài, người đại diện hợp pháp là công dân Việt Nam, có ít nhất 2 năm kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; hệ thống công nghệ đặt tại Việt Nam, đảm bảo an toàn, bảo mật, có dự phòng kỹ thuật và được kiểm thử trước khi vận hành.

Đặc biệt, Nghị định 94 cũng quy định rõ các tiêu chí khi thử nghiệm triển khai hình thức cho vay ngang hàng (P2P Lending). NHNN sẽ thực hiện giám sát các tổ chức tham gia để đánh giá hoạt động thử nghiệm và giải pháp Fintech liên quan.

Đánh giá về tác động của Nghị định 94, các chuyên gia cho rằng cả ngân hàng và các công ty Fintech đều sẽ nhận diện rõ những thách thức lẫn cơ hội mới. Đối với các nhà băng, dù phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, đặc biệt trong phân khúc tín dụng nhỏ lẻ khi hoạt động cho vay ngang hàng được thử nghiệm, song đây cũng là thời điểm để tái định vị chiến lược. Việc mất dần thế độc quyền có thể trở thành cú hích buộc các nhà băng phải đẩy mạnh chuyển đổi theo mô hình ngân hàng mở, tích cực tích hợp API và hợp tác sâu hơn với Fintech nhằm tối ưu hóa chuỗi giá trị. Đặc biệt, các nền tảng công nghệ với khả năng chấm điểm tín dụng và phân tích hành vi tiêu dùng sẽ giúp ngân hàng nâng cao chất lượng đánh giá rủi ro tín dụng, nhất là với nhóm khách hàng phi truyền thống - đối tượng đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế số.

Còn với các công ty Fintech, rõ ràng cơ hội để có một không gian mới cho các dịch vụ tài chính sáng tạo sẽ được mở ra. Nhiều công ty từ “vùng xám pháp lý” sẽ được hợp pháp hóa mô hình kinh doanh, tăng cường năng lực huy động vốn và thu hút nhân tài. Tuy nhiên, các Fintech cũng cần chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực, khả năng quản trị… để có thể triển khai hoạt động một cách hiệu quả.

Riêng đối với hoạt động cho vay ngang hàng, đây là mô hình đã xuất hiện tại Việt Nam từ nhiều năm trước, song đến nay mới chính thức có cơ chế thử nghiệm để quản lý và định hướng phát triển. PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhận định, thực tế trên thế giới, mô hình cho vay ngang hàng đã phát triển từ lâu. Việc Việt Nam bắt đầu xây dựng và triển khai khung pháp lý thử nghiệm vào thời điểm này tuy có hơi muộn, nhưng là bước đi cần thiết để tránh tụt hậu. Nhất là trong bối cảnh công nghệ tài chính đang thay đổi nhanh chóng, khung pháp lý cũng phải được cập nhật kịp thời để tạo môi trường phát triển an toàn, bền vững cho các mô hình mới.

Việc sớm hoàn thiện khung pháp lý cho P2P Lending là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh thị trường tín dụng Việt Nam còn nhiều bất cập, đặc biệt là tình trạng tín dụng đen, nợ xấu cao và ý thức trả nợ thấp. Không ít ứng dụng cho vay hiện nay đã biến tướng, núp bóng tín dụng đen do thiếu hành lang pháp lý rõ ràng. Do đó, theo các chuyên gia, để cơ chế thử nghiệm phát huy hiệu quả, cần quy định cụ thể về trần lãi suất, quy trình giao dịch và xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm cá nhân, từ đó góp phần thúc đẩy môi trường tín dụng minh bạch, bền vững.

Song song với hoàn thiện khung pháp lý, các chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục tài chính và truyền thông để P2P Lending phát triển bền vững. “Để bảo vệ người dân và nâng cao hiệu quả triển khai cơ chế Sandbox, cần sớm đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền về các hình thức tài chính mới như P2P Lending, tài chính số và dữ liệu mở. Việc nâng cao nhận thức sẽ là yếu tố then chốt giúp thị trường phát triển lành mạnh, đúng định hướng”, một chuyên gia khuyến nghị.

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/sandbox-mo-duong-cho-cac-dich-vu-tai-chinh-moi-164076.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm