Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sắp xếp Đà Nẵng, Quảng Nam: Đổi mới tư duy từ việc lắng nghe dân nói

“Vừa chạy, vừa xếp hàng” sắp xếp xã, phường, TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam luôn lắng nghe ý kiến của người dân - minh chứng sinh động của việc được lòng dân.

Báo Công thươngBáo Công thương23/04/2025

Lắng nghe nhân dân dù “vừa chạy, vừa xếp hàng”

Sáng 23/4, Thành ủy Đà Nẵng thông qua Nghị quyết 28-NQ/TU về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Đà Nẵng, dự kiến gồm 15 đơn vị hành chính cấp xã và 1 đặc khu.

Đáng nói, đây là nghị quyết thứ 3 chỉ trong chưa đến 10 ngày qua về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Đà Nẵng (gồm: Nghị quyết 25-NQ/TU ngày 15/4/2025; Nghị quyết 26-NQ/TU ngày 22/4 và Nghị quyết 28-NQ/TU ngày 23/4). Các phương án sắp xếp đi kèm với các nghị quyết qua từng lần cũng có sự thay đổi rõ rệt để đảm bảo phù hợp với yêu cầu của Trung ương và quan trọng hơn là “thuận lòng dân”.

Đà Nẵng, Quảng Nam và cái được lớn nhất: Được lòng dân
TP. Đà Nẵng điều chỉnh tên gọi các xã, phường sau sắp xếp gắn liền với các địa danh theo đề xuất từ người dân

Cụ thể, Nghị quyết 25 ban hành phương án Đà Nẵng sẽ có 18 xã, phường và 1 đặc khu. Việc đặt tên các xã, phường căn cứ theo quận, huyện hiện tại và đánh số. Sau khi nghị quyết được thông tin, nhiều người dân thành phố đã bày tỏ băn khoăn về tên gọi các phường, xã mới mang tính kỹ thuật và đề xuất đặt tên gắn với các địa danh có tính lịch sử, văn hóa của thành phố.

Lắng nghe người dân, ngày 22/4, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết 26 về đặt lại tên các xã, phường sau sắp xếp. Những địa danh đã có thương hiệu của thành phố lần lượt xuất hiện. Trên các nền tảng mạng xã hội, hàng loạt bài viết chia sẻ thông tin Nghị quyết 26 bày tỏ tán đồng, ủng hộ các tên gọi này.

Tại tỉnh Quảng Nam, theo phương án ban đầu (Nghị quyết 45-NQ/TU ngày 18/4/2025), tỉnh dự kiến sẽ sắp xếp lại 233 xã, phường thành 88 xã, phường. Tên các xã, phường mới chủ yếu được đánh số thứ tự theo công thức “tên huyện hiện tại + số (từ 1 đến hết số xã được sắp xếp)”. Không chỉ khiến người dân Quảng Nam mà nhiều du khách, nhà văn hóa… cho rằng, việc đặt tên quá máy móc, không phù hợp với địa phương có bề dày văn hóa nhiều trăm năm như Quảng Nam; và bày tỏ nguyện vọng tên các xã, phường mới nên được đặt gắn với các di tích lịch sử, các địa danh nổi tiếng, mang bề dày văn hóa đặc trưng của xứ Quảng.

Sáng 20/4, chỉ hơn 1 ngày sau khi phương án ban đầu được ban hành (chiều 18/4), lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã tính lại việc đặt tên gọi các đơn vị hành chính. Đến ngày 21/4, tỉnh Quảng Nam chính thức ban hành Nghị quyết 46-NQ/TU điều chỉnh lại tên gọi các xã, phường gắn với các địa danh, di tích lịch sử, trầm tích văn hóa, thay vì đánh số thứ tự. Tương tự, tên gọi đặt cho các phường của Hội An thậm chí còn lấy ý kiến đến 3 lần để tạo sự đồng thuận cao nhất trong nhân dân.

Đà Nẵng, Quảng Nam và cái được lớn nhất: Được lòng dân
Tỉnh Quảng Nam kịp thời điều chỉnh tên gọi các phường (sau sắp xếp) tại TP. Hội An phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân

Dù đang trong giai đoạn khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng vẫn ưu tiên lắng nghe ý kiến nhân dân, thể hiện tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao. Sự điều chỉnh kịp thời, quyết đoán ấy đã nhận được sự tán dương không chỉ từ người dân địa phương, mà còn từ giới trí thức, du khách, phóng viên các cơ quan báo chí - như một minh chứng sinh động cho việc được lòng dân.

“Được lòng dân, thì việc gì cũng làm được”

Tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “TP. Đà Nẵng đã tạo kỳ tích sông Hàn với mô hình ‘5 cao’", và "cái được lớn nhất của Đảng bộ Đà Nẵng là được lòng dân”. Câu nói không chỉ tổng kết một chặng đường phát triển, mà còn hàm chứa một chân lý xuyên suốt: Sự đồng thuận của nhân dân chính là bệ phóng cho mọi kỳ tích.

Sáp nhập tỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được triển khai mạnh mẽ theo tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, tức là vừa thực hiện, vừa điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Nhưng cho đến cùng, mục tiêu lớn nhất vẫn là xây dựng một bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn. Bởi vậy, người dân không chỉ là đối tượng chịu tác động mà còn là trung tâm hưởng lợi, là chủ thể mà người xây dựng phương án, chính sách phải lắng nghe.

Đà Nẵng, Quảng Nam và cái được lớn nhất: Được lòng dân
Dù là sắp xếp đơn vị hành chính hay thực hiện các chủ trương lớn bất kỳ đều có đích đến là phục vụ người dân tốt hơn

Trong thực tiễn lịch sử, dân tộc Việt Nam đã nhiều lần chứng minh sức mạnh khi “được lòng dân”. Từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thành công đến chiến thắng đại dịch Covid-19 đều bắt nguồn từ sự đồng thuận, đoàn kết một lòng giữa Đảng, chính quyền và nhân dân.

Ngay chính chủ trương sáp nhập tỉnh, tinh gọn bộ máy cũng xuất phát từ thực tiễn, yêu cầu từ nhân dân.

Trong bài viết “Sẽ được mấy lâu?” đăng trên Báo Nhân Dân năm 1953, giữa lúc toàn dân đang bước vào giai đoạn tổng phản công chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Được lòng dân, thì việc gì cũng làm được. Trái ý dân, thì chạy ngược chạy xuôi”. Lời dạy ấy không chỉ là kim chỉ nam cho cán bộ, đảng viên thời chiến, mà còn là cốt lõi của nghệ thuật lãnh đạo trong thời bình: Nếu biết đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu, thì mọi khó khăn sẽ hóa giải, mọi chủ trương sẽ thành công.

Việc lắng nghe ý kiến người dân không làm chậm lại tiến trình cải cách, trái lại, chính là bước đi cần thiết để tạo sự đồng thuận xã hội bền vững. Nhìn cụ thể, TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam điều chỉnh lại phương án tên gọi phường, xã sau khi nhận được nhiều ý kiến góp ý từ nhân dân - điều đó cho thấy sự cầu thị, năng lực điều hành linh hoạt và tinh thần dân chủ cao.

Đà Nẵng, Quảng Nam và cái được lớn nhất: Được lòng dân
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng gặp mặt các cán bộ lão thành

Có thể nói, được lòng dân không chỉ là thành quả mà còn là tiêu chuẩn đo lường thành công của mọi chính sách công. Khi người dân đồng tình, ủng hộ, thì bất kỳ cải cách nào cũng có thể thực hiện suôn sẻ, ít xung đột và đạt hiệu quả thực chất.

Trong công cuộc sắp xếp, sáp nhập địa giới hành chính hay bất kỳ chủ trương lớn nào, bài học “được lòng dân” là bài học lớn nhất. Những địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam đang cho thấy sự sẵn sàng lắng nghe, điều chỉnh để tạo sự đồng thuận cao nhất. Đây cũng là một điển hình thành công của công tác dân vận, là tiền đề vững chắc để các chủ trương lớn hôm nay và mai sau có nền móng thành công lâu dài.

Lắng nghe người dân, TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã kịp thời điều chỉnh tên gọi xã, phường sau sắp xếp và nhận được sự tán dương, ủng hộ tích cực của người dân - minh chứng sinh động cho ý kiến: Đà Nẵng, Quảng Nam được lòng dân.

Đây là nền tảng vững chắc để Đà Nẵng, Quảng Nam thực hiện thành công việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nói riêng, các chủ trương lớn nói chung, như lời dạy của Bác Hồ: "Được lòng dân, thì việc gì cũng làm được".

Vũ Lê

Nguồn: https://congthuong.vn/sap-xep-da-nang-quang-nam-doi-moi-tu-duy-tu-viec-lang-nghe-dan-noi-384532.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Về với đại ngàn
Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm