Hòa nhấp ngụm cà phê, giọng hoài nghi: “Cái gọi là tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, nghe thì hay, nhưng không ít ý kiến bảo đó chỉ là cắt chỗ này, dồn chỗ kia”.

Quân gật đầu phụ họa, tay giơ chiếc điện thoại: “Tôi đang đọc một bài trên mạng xã hội nói rằng cải cách chỉ là hình thức, là chuyện “thay vỏ giữ ruột”. Đây này, bài viết còn cho rằng đó là cách hợp thức hóa cho việc đưa người thân vào vị trí mới, rồi tạo ra chạy chức, chạy quyền, khiến bộ máy càng thêm rối rắm”.

Minh họa: Lê Anh 

Nghe hai người bạn nói, Thành đặt ly bia xuống bàn, mắt nhìn thẳng vào hai bạn với vẻ kiên quyết: “Hai ông nghĩ như vậy là thiển cận, thiếu căn cứ, thế mà lại lan truyền thì vô tình tiếp tay cho những luận điệu xuyên tạc. Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy không phải trò đổi tên, càng không phải cuộc “thay vỏ giữ ruột” như một số người cố tình đồn thổi. Đó là một quá trình khó khăn nhưng rất cần thiết, đặt nền móng cho một bộ máy phục vụ nhân dân thay vì vận hành cồng kềnh và kém hiệu quả”.

Thành nêu ví dụ: “Ngay ở trường chính trị nơi tôi công tác, việc tinh gọn bộ máy đã mang lại chuyển biến rõ rệt. Trước kia, các phòng, khoa, ban hoạt động đôi khi bị chồng chéo; lãnh đạo, chỉ huy phải đi họp triền miên, văn bản thì qua mấy khâu mới tới được người xử lý. Sau khi thực hiện sắp xếp lại tổ chức, một số phòng được hợp nhất, nhiệm vụ phân công lại theo hướng rõ người, rõ việc. Ban đầu ai cũng lo lắng, sợ giảm biên chế, sợ thay đổi. Nhưng chỉ sau vài tháng, hiệu quả thấy rõ rệt: Hội họp ít đi, công việc chạy nhanh hơn, học viên đến làm thủ tục cũng thuận lợi hơn, ai cũng phấn khởi...”.

Quân vẫn tỏ ra băn khoăn, hỏi: "Liệu việc tinh gọn có khiến nhiều người giỏi nhưng không được sếp ưa bị mất việc hay không?".

Thành trả lời: “Có tiêu chí, quy định xét duyệt rõ ràng chứ sao làm tùy tiện được. Đúng là có trường hợp phải chuyển công tác hoặc nghỉ hưu sớm, nhưng đa số được bố trí lại hoặc đào tạo để phù hợp với vị trí mới. Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là không bỏ rơi cán bộ, nhất là những người có năng lực và tinh thần cống hiến. Việc sắp xếp lại theo hướng tinh gọn là để giữ người thực tài, loại bỏ những người không đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là những người chỉ tìm cách trục lợi từ vị trí công tác”.

Hòa vẫn trầm ngâm, anh đặt vấn đề: Vì sao trên mạng xuất hiện nhiều bài viết cho rằng tinh gọn là “đập bỏ truyền thống”, là “dọn đường cho tư nhân hóa bộ máy"?

Thành nghiêm giọng: “Đó là chiêu trò quen thuộc của các đối tượng bất mãn, phản động, thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình". Họ cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật để gây hoang mang, chia rẽ lòng dân. Nếu chúng ta thiếu tỉnh táo, dễ trở thành người tiếp tay cho những kẻ đưa thông tin sai lệch ấy”.

Thành khẳng định rằng, tinh gọn là để chọn lọc, giữ lại những gì cần thiết, loại bỏ phần dư thừa, từ đó vận hành hiệu quả hơn. Đây là xu hướng tất yếu trong quản trị hiện đại và phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. 

Quân không nói gì thêm, anh lặng lẽ xóa bài viết mình vừa định chia sẻ và tự nhủ: Nếu bài viết này mà chia sẻ đến 20.000 thành viên thì nguy to. Còn Hòa gật đầu, trầm tư vì đã nhìn nhận khách quan hơn về cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Cuộc trò chuyện khép lại, nhưng dư âm về sự thật của thông tin mạng, về tinh thần cảnh giác và trách nhiệm bảo vệ cái đúng vẫn lặng lẽ thấm sâu vào mỗi người.

ĐÀO NGỌC LÂM

 

 

Nguồn: https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/sau-hoi-tranh-luan-830124