Cảng Tiên Sa. Ảnh: GIA MINH |
Theo Bộ Xây dựng, cảng biển Đà Nẵng gồm khu bến Tiên Sa, khu bến Liên Chiểu, khu bến Thọ Quang, khu bến Mỹ Khê, bến cảng biển huyện đảo Hoàng Sa và các khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh, trú bão. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030 hàng hóa qua cảng đạt từ 23-29 triệu tấn, hàng container từ 1,33 triệu TEU đến 1,71 triệu TEU, chưa bao gồm hàng container trung chuyển quốc tế.
Hành khách từ 532.300 lượt khách đến 597.000 lượt khách. Về kết cấu hạ tầng có 12 đến 15 bến cảng gồm 20 đến 23 cầu cảng với tổng chiều dài từ hơn 4.220m đến 5.745,3m (chưa bao gồm các bến cảng khác). Tầm nhìn đến năm 2050, tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4,5%/năm đến 5,5%/năm.
Về kết cấu hạ tầng hoàn thành đầu tư khu bến cảng Liên Chiểu có quy mô định hướng phát triển tổng thể 22 bến cảng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hàng hóa gồm: 8 bến cảng lỏng/khí; 8 bến cảng container; 6 bến cảng tổng hợp, hàng rời, phát triển hàng container theo kỳ quy hoạch khi có nhu cầu. Sau năm 2030 sẽ từng bước chuyển đổi công năng khu bến Tiên Sa thành bến cảng du lịch phù hợp với tiến trình đầu tư.
Về quy hoạch phạm vi, chức năng, cỡ tàu tại các khu bến cụ thể: quy hoạch các khu bến cảng đến năm 2030 đối với Khu bến Tiên Sa, hàng hóa thông qua từ 11-11,2 triệu tấn; hành khách từ 532.300 lượt khách đến 597.000 lượt khách.
Trong đó, có 1 bến cảng gồm 8 cầu cảng với chiều dài 1.837m, tiếp nhận cỡ tàu container 4.000 TEU, tàu tổng hợp trọng tải đến 50.000 tấn, tàu khách đến 225.000 GT. Sau năm 2030 từng bước chuyển đổi công năng thành bến cảng du lịch phù hợp với tiến trình đầu tư, khai thác khu bến Liên Chiểu.
Đối với khu bến Liên Chiểu, hàng hóa thông qua từ 8,7-13,7 triệu tấn; với từ 5-8 bến cảng xây dựng mới (gồm 5 cầu cảng đến 8 cầu cảng) có tổng chiều dài 1.420m đến 2.820m và 1 bến cảng hàng rời với chiều dài 100m, 3 bến phao chuyên dùng di dời theo tiến trình đầu tư tại khu bến Liên Chiểu giai đoạn năm 2030, cụ thể bến cảng container từ 2 bến cảng đến 4 bến cảng (gồm 2 cầu cảng đến 4 cầu cảng) với tổng chiều dài từ 750m đến 1.650m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện. Trong đó 2 bến cảng khởi động đáp ứng thông qua hàng hóa từ 7,5-11,9 triệu tấn; 2 bến cảng còn lại phát triển phù hợp với nhu cầu trung chuyển container quốc tế.
Bến cảng hàng lỏng/khí phục vụ kho dự trữ LNG, LPG từ 1 bến cảng đến 2 bến cảng (gồm 1 cầu cảng đến 2 cầu cảng) với tổng chiều dài từ 250m đến 750m tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện. Bến cảng hàng lỏng phục vụ kho xăng dầu gồm 2 bến cảng (2 đến 3 cầu cảng) với tổng chiều dài từ 420m thay thế các bến phao khi di dời theo tiến trình đầu tư tại khu bến Liên Chiểu. Đáng chú ý, Bến cảng chuyên dùng của Công ty CP Xi măng Vicem Hải Vân sẽ giải tỏa cùng với nhà máy theo quy hoạch của thành phố Đà Nẵng hoặc theo lộ trình đầu tư khu bến cảng Liên Chiểu.
Về khu bến Thọ Quang, hàng hóa thông qua từ 2,8-3,5 triệu tấn, với 5 bến cảng, có tổng chiều dài 1.088,3m (chưa bao gồm các bến cảng khác), cụ thể: Bến cảng Sơn Trà gồm 2 cầu cảng tổng hợp và dịch vụ dầu khí với tổng chiều dài 300m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 20.000 tấn, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ 1,3-1,7 triệu tấn. Bến cảng chuyên dùng tổng kho sản phẩm dầu khí Đà Nẵng gồm 1 cầu cảng chuyên dùng xăng dầu với chiều dài 136m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000 tấn đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ 0,6-0,66 triệu tấn.
Ngoài ra, bến cảng chuyên dùng của Công ty Xăng dầu khu vực V gồm 1 cầu cảng chuyên dùng xăng dầu, LPG, nhựa đường với chiều dài 193m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 6.000 tấn giảm tải. Bến cảng Hải Sơn (X50) gồm 1 cầu cảng hàng khô, hàng lỏng với tổng chiều dài 253m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000 tấn. Bến cảng Nhà máy đóng tàu sông Thu gồm 1 cầu cảng hàng khô và phục vụ đóng, sửa chữa tàu với chiều dài 206m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 3.000 tấn, tàu 7.000 tấn không tải.
Riêng về khu bến Mỹ Khê hàng hóa từ 0,5 triệu tấn đến 0,6 triệu tấn, với 1 bến cảng (gồm 1 bến phao) tiếp nhận tàu xăng dầu trọng tải đến 30.000 tấn. Đồng thời, bến cảng huyện đảo Hoàng Sa tiếp tục nghiên cứu phát triển các bến cảng phục vụ kinh tế - xã hội kết hợp quốc phòng - an ninh khi có điều kiện.
Cùng với đó, khu neo đậu chờ, tránh, trú bão tại Thọ Quang cho tàu trọng tải đến 3.000 tấn. Khu vực neo đậu chờ, tránh, trú bão tại vịnh Đà Nẵng cho tàu trọng tải đến 100.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện; được di dời, điều chỉnh phù hợp với định hướng phát triển không gian đô thị theo quy hoạch của thành phố Đà Nẵng.
Theo quyết định phê duyệt, tầm nhìn đến năm 2050: tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4,5%/năm đến 5,5%/năm. Khu bến Liên Chiểu có quy mô định hướng phát triển tổng thể 22 bến cảng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hàng hóa bao gồm 8 bến cảng lỏng/khí; 8 bến cảng container; 6 bến cảng tổng hợp, hàng rời, phát triển hàng container theo kỳ quy hoạch khi có nhu cầu.
Được biết, về quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải duy trì chuẩn thiết kế luồng vào cảng Tiên Sa, luồng Thọ Quang. Quy hoạch phần hạ tầng dùng chung khu bến Liên Chiểu (bao gồm luồng cho tàu trọng tải đến 100.000 tấn và lớn hơn khi đủ điều kiện, đê chắn sóng)... Đồng thời, định hướng hạ tầng giao thông kết nối đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và ven biển theo quy hoạch được duyệt...
GIA MINH
Nguồn: https://baodanang.vn/kinhte/202504/sau-nam-2030-chuyen-doi-cong-nang-khu-ben-tien-sa-thanh-ben-cang-du-lich-4005936/
Bình luận (0)