Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sĩ tử đặt bút chọn ngành học: Theo sở thích hay xu hướng?

(Dân trí) - Lựa chọn ngành học trở thành bài toán khó với nhiều sĩ tử. Theo đuổi đam mê hay chọn theo xu hướng thị trường? Đây vừa là quyết định cho 4 năm đại học, cũng là nền móng cho sự nghiệp lâu dài sau này.

Báo Dân tríBáo Dân trí12/05/2025

Học sinh cuối cấp và những lựa chọn mơ hồ trước ngưỡng cửa đại học

Rất nhiều học sinh lớp 12 vẫn lúng túng, không biết mình yêu thích lĩnh vực gì, mạnh ở điểm nào và đâu là con đường phù hợp nhất. "Em thực sự đang rất mơ hồ, không rõ sở trường cũng như đam mê của mình", Phạm Minh Anh, học sinh lớp 12 ở quận Ba Đình (Hà Nội), chia sẻ khi được hỏi về định hướng ngành học.

Khi kỳ thi đến gần, không ít bạn vẫn chọn ngành theo bạn bè hoặc theo xu hướng, thay vì dựa trên sự thấu hiểu bản thân. Nguyễn Văn Dũng - Trường THPT ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), thừa nhận: "Em chọn công nghệ thông tin vì thấy bạn bè chọn nhiều, với cả ngành này đang hot, dễ xin việc. Nhưng thực ra em học môn tin không giỏi lắm, em chỉ nghĩ vào rồi học sau".

Ngược lại, Nguyễn Thu Hằng (Nghệ An), một học sinh có đam mê với vẽ tranh, chia sẻ: "Em rất thích thiết kế đồ họa, nhưng sợ ngành này khó xin việc, thu nhập không ổn định. Em vừa muốn theo đuổi đam mê, vừa sợ mình sẽ thất nghiệp".

Qua chia sẻ của nhiều học sinh lớp 12, có thể thấy thực trạng chung là phần lớn các bạn vẫn đang loay hoay giữa nhiều luồng ý kiến, từ sở thích, năng lực đến xu hướng nghề nghiệp. Những lựa chọn mang tính cảm tính, thụ động đó đang trở thành rào cản lớn cho việc học tập và phát triển sau này.

Sĩ tử đặt bút chọn ngành học: Theo sở thích hay xu hướng? - 1
Học sinh lớp 12 hoang mang trước những lựa chọn ngành nghề (Ảnh: AI)

Nên lựa chọn ngành học theo sở thích hay xu hướng?

Giữa thời điểm cận kề kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, lựa chọn ngành học đang là nỗi trăn trở lớn với nhiều học sinh lớp 12. Không ít bạn trẻ đứng trước ngã rẽ quan trọng trong đời nhưng lại bối rối giữa hai lựa chọn: học ngành mình yêu thích hay theo ngành đang "hot", dễ kiếm việc, thu nhập tốt?

ThS. Cao Lê Trúc - Chuyên viên phòng đào tạo của một trường đại học tại TPHCM chia sẻ: "Đây là bài toán không có công thức chung. Không có con đường nào đúng cho tất cả mọi người, vì mỗi học sinh có xuất phát điểm khác nhau về điều kiện, năng lực, nhận thức, và môi trường sống. Việc chọn ngành không nên đơn giản là chạy theo thị trường hay mù quáng bám vào đam mê".

Theo cô Trúc, nếu chọn hoàn toàn theo xu hướng, người học có thể dễ tìm việc sau tốt nghiệp, nhưng lại đối mặt với nguy cơ không gắn bó lâu dài nếu không có đam mê. Ngược lại, nếu chỉ dựa vào sở thích cá nhân mà bỏ qua yếu tố thị trường thì rất dễ rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc thu nhập bấp bênh.

Nhiều bạn trẻ chỉ nhìn thấy mặt nổi của một ngành nghề, như mức lương hấp dẫn hay sự "thời thượng" trên mạng xã hội, mà không hiểu rõ tính chất công việc đòi hỏi gì, mình có thật sự phù hợp hay không.

Ngược lại, cũng có bạn ôm giấc mộng nghệ thuật, sáng tạo hay nghiên cứu mà chưa từng tự hỏi: liệu mình có sẵn sàng chấp nhận hành trình dài và bấp bênh, nhất là trong giai đoạn đầu?

Sĩ tử đặt bút chọn ngành học: Theo sở thích hay xu hướng? - 2
Chọn ngành mình yêu, hay ngành xã hội cần? (Ảnh: AI)

Làm sao để dung hòa?

Việc dung hòa giữa sở thích cá nhân và nhu cầu thị trường lao động là bài toán không đơn giản, nhưng theo cô Trúc, hoàn toàn có thể giải quyết nếu học sinh hiểu rõ bản thân và được định hướng sớm.

ThS. Cao Lê Trúc cho rằng: "Không nên tuyệt đối hóa việc chọn ngành chỉ theo đam mê hay chỉ theo thị trường. Một lựa chọn bền vững là khi có sự giao thoa giữa sở thích, năng lực cá nhân và xu thế nghề nghiệp tương lai".

Cô Trúc phân tích thêm, ở lứa tuổi 17-18, phần lớn học sinh vẫn đang trong quá trình khám phá bản thân nên việc mơ hồ là điều dễ hiểu. Do đó, thay vì chọn ngành một cách vội vàng theo số đông, học sinh cần có thời gian tìm hiểu ngành nghề kỹ lưỡng, qua các hoạt động trải nghiệm thực tế, tư vấn hướng nghiệp tại trường, hay tự đánh giá bản thân qua quá trình học tập.

Không nên chỉ chọn ngành "hot" tại một thời điểm, vì thị trường lao động luôn biến động. "Một ngành có thể đang cần nhân lực bây giờ, nhưng 4-5 năm sau khi sinh viên tốt nghiệp thì bức tranh đã khác. Bên cạnh đó, cần cập nhật thông tin thị trường một cách toàn diện, tránh nhìn ngành nghề một cách phiến diện qua những nội dung ngắn trên mạng xã hội.

Chọn ngành không phải là chọn một cái mác để treo lên, mà là chọn một hành trình dài với những nỗ lực, rèn luyện và cả đánh đổi. Hãy chọn ngành mà bạn có thể học tốt, làm tốt và sống ổn với nó. Khi hội đủ cả ba yếu tố này, bạn sẽ có động lực đi đến cùng", ThS. Cao Lê Trúc nhấn mạnh.

Vân Anh

Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/si-tu-dat-but-chon-nganh-hoc-theo-so-thich-hay-xu-huong-20250511221226686.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm