Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Siết đầu vào, 8 điểm toán mới được học ngành vi mạch bán dẫn

(Dân trí) - Quy định trên nằm trong chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học do Bộ GD&ĐT công bố ngày 15/5.

Báo Dân tríBáo Dân trí15/05/2025

Chuẩn này áp dụng với các trường đại học tham gia chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" của Chính phủ.

Thí sinh muốn học hệ cử nhân, kỹ sư các ngành về vi mạch bán dẫn, nếu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, phải sử dụng tổ hợp có môn toán và có ít nhất một môn khoa học tự nhiên phù hợp với chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn.

Tổng điểm của các môn trong tổ hợp xét tuyển phải đạt tối thiểu 80% thang điểm xét, ví dụ tối thiểu là 24/30 với tổ hợp ba môn. Ngoài ra, điểm Toán đạt ít nhất 80% thang điểm xét, ví dụ tối thiểu 8/10.

Siết đầu vào, 8 điểm toán mới được học ngành vi mạch bán dẫn - 1

Sinh viên Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Tư liệu).

Với người đã có bằng tốt nghiệp đại học cần có bằng tốt nghiệp phù hợp với ngành đào tạo dự tuyển và có điểm trung bình tích lũy (GPA) đạt từ 2,8/4 trở lên.

Với sinh viên đang học đại học ngành khác chuyển sang ngành vi mạch bán dẫn tại thời điểm xét cần có GPA đạt từ 2,5/4 trở lên.

Với trình độ thạc sĩ, yêu cầu với GPA ở bậc đại học đạt từ 2,8/4 trở lên.

Theo đó, có 38 ngành ở trình độ đại học và 37 ngành ở trình độ thạc sĩ liên quan đến vi mạch bán dẫn, có thể tham gia đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, cụ thể như sau:

Siết đầu vào, 8 điểm toán mới được học ngành vi mạch bán dẫn - 2
Siết đầu vào, 8 điểm toán mới được học ngành vi mạch bán dẫn - 3
Siết đầu vào, 8 điểm toán mới được học ngành vi mạch bán dẫn - 4

Tại tọa đàm góp ý dự thảo chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ về vi mạch bán dẫn (lần thứ hai) tổ chức tại Trường Đại học Công nghiệp TPHCM hồi cuối tháng 2 vừa qua, GS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng tư vấn xây dựng chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học về vi mạch bán dẫn - chia sẻ những quy định rất gắt gao trong đào tạo vi mạch bán dẫn.

Việc đào tạo cần đảm bảo nhân lực chất lượng cao và tư duy chiều sâu lâu dài, tránh bài toán đào tạo ngắn hạn, "ăn xổi".

Ngoài điều kiện về điểm toán trên đây, điều kiện về tiếng Anh cũng được đề cao.

Theo GS Trình, học ngành này sẽ có kiến thức toàn cầu, làm việc toàn cầu, vì vậy, cần phải giỏi tiếng Anh.

Với những sinh viên chuyển tiếp từ ngành khác sang phải có trình độ tiếng Anh đạt 3/6 (B1) theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc. Riêng chương trình kỹ sư bậc 7 thì là 4/6 (B2).

Chuẩn chương trình cũng yêu cầu cao hơn về đội ngũ giảng viên; khối lượng thực hành thí nghiệm, trải nghiệm thực tế tối thiểu bằng 25-30% tổng số tín chỉ.

"Đây có thể là rào cản cho các trường khi tham gia đào tạo ngành này, không dễ gì các trường có thể tham gia đào tạo", GS Chử Đức Trình nói.  

Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/siet-dau-vao-8-diem-toan-moi-duoc-hoc-nganh-vi-mach-ban-dan-20250515135247068.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm