Sinh viên cùng thành viên một tổ chức cộng đồng tham gia dọn rác ở kênh rạch
ẢNH: NVCC
Nhiều hoạt động sống xanh ý nghĩa
Hsu Chiao Lin, sinh viên ngành kinh doanh quốc tế ở Trường ĐH Western Sydney Việt Nam kiêm Trưởng dự án BEE Volunteer, cho biết từ năm 2023 tới nay, dự án của cô đã nhiều lần tổ chức các hoạt động vì con người và môi trường nhằm lan tỏa tinh thần sống xanh. Trong đó, một hoạt động thường niên của dự án là thu gom pin cũ hoặc đã qua sử dụng để xử lý và tái chế.
Từ 25kg pin cũ thu được trong trong lần đầu tiên tổ chức ở trường, đến lần tổ chức mới đây, dự án đã phối hợp với chính quyền địa phương và nâng con số lên đến 136kg. "Dự án cũng vừa 'tân trang' các thùng pin ở trường để giúp các bạn dễ dàng quyên góp hơn", Lin chia sẻ. "Các hoạt động vì môi trường xanh không nên dừng lại ở những chiến dịch ngắn hạn mà cần hướng đến sự duy trì lâu dài", Lin nhấn mạnh.
Ngoài hoạt động chính này, trong những năm qua, dự án BEE Volunteer cũng thực hiện nhiều hoạt động khác vì môi trường và cộng đồng xung quanh, như cùng nhau nhặt rác ở một số bãi rác tự phát, kênh rạch để vận chuyển đến các bãi xử lý rác thải tại TP.HCM; trồng cây; sơn tường; cạo biển quảng cáo trái phép tại các phố phường. Riêng với những hoạt động dọn rác, nhóm còn tuyển thêm các bạn cộng tác viên để cùng thực hiện.
Một trạm thu hồi pin cũ đặt tại Ủy ban nhân dân P.Tân Định (Q.1) của dự án BEE Volunteer
ẢNH: NVCC
"Những hoạt động trên không đơn thuần chỉ để bảo vệ môi trường, mà còn để gieo 'hạt mầm xanh' vào nhận thức của mỗi cá nhân, đặc biệt là học sinh và sinh viên. Tuy chỉ là những hành động nhỏ nhưng qua đó chúng tôi có thể truyền tải thông điệp rằng mọi thứ đều có thể tái sinh, miễn là có đủ sáng tạo, tâm huyết", Lin bộc bạch, cho biết thêm rằng các hoạt động cũng kết hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức cộng đồng.
"Hơn cả những con số về lượng rác thải giảm đi hay tài nguyên được tiết kiệm, điều tôi cảm động nhất là sự thay đổi trong nhận thức của các bạn trẻ. Từ bao ánh mắt tò mò lúc đầu, đến sự hào hứng khi tận tay tham gia các hoạt động, rồi dần dần là những thói quen mới hình thành: Các bạn đã mang theo một suy nghĩ xanh hơn và trách nhiệm hơn.
Theo tôi, các hoạt động bảo vệ môi trường chỉ thật sự thành công khi có sự tham gia và cam kết từ cộng đồng. Khi mọi người chung tay, không chỉ công việc hoàn thành nhanh hơn mà tinh thần bảo vệ môi trường cũng lan tỏa mạnh mẽ hơn", Lin chia sẻ.
Một hoạt động vận động bà con đổi rác thải tái chế để nhận mắm muối, bánh kẹo... do nhóm sinh viên tổ chức
ẢNH: NVCC
Lê Trần Hoàn Mỹ, sinh viên Trường CĐ Quốc tế VABIS - Xanh Tuệ Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) kiêm Phó ban tổ chức chương trình Giờ Trái Đất, cho biết cô và các bạn học chung ngành mới đây đã tổ chức chuỗi sự kiện nhằm hưởng ứng sự kiện Giờ Trái Đất trên toàn cầu và nâng cao ý thức sống xanh. Chương trình gồm có các hoạt động: tái chế vật dụng tại nhà và trưng bày; đạp xe lan tỏa thông điệp xanh; gala tổng kết và giải trí.
"Đây là hoạt động truyền thống được duy trì tổ chức trong nhiều năm qua nhằm lan tỏa thông điệp sống xanh, phát triển bền vững trong môi trường học đường", Mỹ bộc bạch, cho biết thêm hoạt động này cũng được thầy cô trong trường ủng hộ rất nhiều từ chi phí đến tham vấn, quảng bá. Chuỗi sự kiện thu hút gần 200 học sinh, sinh viên tham gia và hưởng ứng, "khá cao so với dự tính", Mỹ nói thêm.
Chia sẻ thêm về quá trình tổ chức, Mỹ cho rằng đội ngũ của cô phải truyền thông thật "ồn ào" để nhiều người biết đến và có tinh thần tham gia. Không dừng lại ở đó, các bạn còn phải tận dụng các mối quan hệ, "rủ được ai thì rủ nên chúng tôi mời cả các thầy cô tham gia", nữ sinh nói. "Quan trọng nhất vẫn là một kế hoạch chi tiết, rõ ràng từng khâu từng vị trí và phân bổ nhân lực, tận dụng khả năng của từng bạn", Mỹ đúc kết.
Sinh viên tham gia dọn rác trong khu vực
ẢNH: NVCC
Góp phần thay đổi lối sống
Từng tham gia nhiều hoạt động về sống xanh, bảo vệ môi trường và mới đây nhất là sự kiện tái chế tấm bạt cũ thành giá đỡ cốc (cup holder), Lâm Vĩnh Hồng, sinh viên Trường ĐH RMIT Việt Nam, cho biết anh đã "trang bị" được nhiều kiến thức hữu ích để có thể tự tin thực hành lối sống xanh. Đáng chú ý, đây đều là những hoạt động do các bạn sinh viên hoặc giảng viên của trường tổ chức, tạo điều kiện cho tất cả tham gia.
"Hiện, tôi chuộng xài bình nước cá nhân hơn và luôn hạn chế sử dụng đồ nhựa hoặc đồ dùng một lần. Việc sống xanh cũng giúp tôi thay đổi khẩu phần hằng ngày, chọn ăn thực phẩm hữu cơ và hạn chế các loại thực phẩm nhiễm nhiều vi nhựa", Hồng kể và cho biết thêm anh cũng lan tỏa lối sống này tới người thân, bạn bè xung quanh, "vì lối sống xanh không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn bảo vệ chính mình".
Bên cạnh đó, Hồng cũng chú ý phân loại rác ở những nơi tạo điều kiện, cũng như quyên góp pin cũ cho trường hay các bên thu gom. Để ngừng gia tăng rác thải thời trang, Hồng cùng bạn bè cũng thường mua quần áo ở cái cửa hàng "second-hand".
Vĩnh Hồng cùng bạn trong một sự kiện hướng dẫn tái chế tổ chức hôm 28.3
ẢNH: NVCC
"Khi nghĩ đến đồ second-hand, nhiều người sẽ nghĩ đến đồ cũ nhưng thật ra đó cũng có thể là những món đồ chủ cũ cảm thấy không phù hợp dù còn rất mới nên muốn bán lại. Tôi bắt đầu mua đồ second-hand từ 2 năm trước và rất nhiều món dùng rất bền, vẫn còn đẹp cho đến nay", Hồng chia sẻ.
Nguyễn Huỳnh Khánh Tiên, sinh viên Trường ĐH Đà Lạt (Lâm Đồng), cũng chia sẻ cô đang thực hành lối sống xanh bằng cách thay đổi các thói quen cũ, ví dụ như mang theo bình nước cá nhân để nhờ rót đồ uống vào khi mua nước ở ngoài, dùng ống hút kim loại chứ không lấy ống hút nhựa, hay mua sắm quần áo, phụ kiện có chọn lọc chứ không bạ đâu mua đấy như trước.
Một điều may mắn, theo Tiên, là khuôn viên trường nơi cô đang theo học được bao bọc bởi nhiều cây xanh cùng nguồn không khí trong lành. Nhờ đó mà nữ sinh luôn giữ được tâm trạng phấn khởi, cũng như được truyền cảm hứng để cô mang một chút "màu xanh" vào không gian sống của mình.
Khuôn viên "ngập" sắc xanh của Trường ĐH Đà Lạt
ẢNH: BÁ DUY
Sinh viên trồng cây tại khu vực dân cư
ẢNH: NVCC
"Ban đầu, tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản là góp phần nhỏ vào việc bảo vệ môi trường thôi. Nhưng càng thực hành, tôi càng thấy lối sống xanh mang lại nhiều lợi ích hơn tôi tưởng. Không chỉ giúp giảm thiểu rác thải nhựa, tiết kiệm chi phí mà còn khiến mình cảm thấy khỏe khoắn, yêu đời hơn. Việc mang theo bình nước riêng hoặc ống hút kim loại giờ đã thành thói quen, tôi không còn thấy bất tiện nữa", nữ sinh bộc bạch.
Nguồn: https://thanhnien.vn/sinh-vien-ho-hoi-song-xanh-to-chuc-su-kien-mien-phi-cho-hang-tram-nguoi-185250331224221193.htm
Bình luận (0)