Những sinh viên bị thu hồi thị thực thuộc hơn 180 đại học, cao đẳng trên toàn nước Mỹ. Một số sinh viên còn bị chấm dứt SEVIS, tức không còn được ở lại Mỹ hợp pháp.
Những thay đổi bất ngờ về quản lý thị thực du học
Trước đó, vào ngày 27.3, con số thị thực bị thu hồi là hơn 300, theo phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio. Như vậy, chỉ sau chưa đầy 3 tuần, con số đã tăng hơn 3 lần. Thêm vào đó, các đại học Mỹ cũng phải tạm dừng việc tuyển dụng hoặc cắt giảm tuyển sinh bậc cao học (đặc biệt ở nhóm ngành khoa học tự nhiên) vì các khoản tài trợ liên bang bị "đóng băng," theo Nature và NPR. Ngoài ra, các quỹ tài trợ thực hiện nghiên cứu cũng bị cắt giảm.
Hơn 1.000 sinh viên bị thu hồi thị thực thuộc hơn 180 đại học, cao đẳng trên toàn nước Mỹ
ảnh: chụp màn hình Inside Higher Ed
Về việc thu hồi thị thực của du học sinh, trả lời tờ Guardian, luật sư di trú ở bang California, Shenqi Cai, cho biết việc chấm dứt SEVIS lần này khá lạ và 90% vụ việc ghi nhận là những sinh viên từng bị lấy dấu vân tay, thường là do vi phạm pháp luật, lỗi nặng/nhẹ sẽ tùy thuộc vào từng bang. Bên cạnh đó, Văn phòng Sinh viên & Học giả quốc tế, Đại học Boston, đăng trên trang web rằng, thông thường, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ chỉ thu hồi thị thực sinh viên nếu sinh viên bị bắt hoặc bị kết án phạm tội tại Mỹ. Tuy nhiên, hiện tại, văn phòng này nhận định Chính phủ liên bang còn dựa vào những nguồn thông tin khác như lịch sử nhập cư tại Mỹ hay hoạt động trên mạng xã hội để đánh giá và thu hồi thị thực của những sinh viên được cho là có những hoạt động đe dọa an ninh quốc gia hoặc chính sách đối ngoại.
NAFSA (Hiệp hội Nhà giáo dục quốc tế) thống kê những vụ việc thu hồi thị thực và chấm dứt SEVIS gần đây và nhận xét rằng những tình trạng này diễn ra ở nhiều bang, ảnh hưởng đến mọi cấp bậc đại học và sau đại học, và không nhắm đến quốc tịch của du học sinh. Đặc biệt, thống kê của NAFSA cho thấy những trường hợp bị ngừng SEVIS đầu tiên có lý do như "Không duy trì tình trạng" (Otherwise Failing to Maintain Status - có thể hiểu là không còn đủ điều kiện giữ tình trạng là du học sinh) với các ghi chú về các điều khoản cụ thể của Đạo luật Di trú và Nhập tịch (INA) làm cơ sở cho việc dừng SEVIS. Thế nhưng gần đây, các lý do đã được thay đổi thành "Khác" (Others) với tham chiếu mơ hồ đến việc kiểm tra hồ sơ vi phạm "và/hoặc" việc thu hồi thị thực, nhưng không trích dẫn INA.
Đại học Nam California cung cấp thông tin rằng, thông thường, việc chấm dứt SEVIS sẽ do các cán bộ trường được chỉ định (Designated School Officials) của các đại học thực hiện trước, dựa vào những thay đổi hoặc vi phạm về tình trạng của du học sinh. Tuy nhiên, gần đây Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) đã tự chấm dứt hồ sơ SEVIS của sinh viên.
Thống kê của NAFSA về những vụ việc thu hồi thị thực gần đây
Du học sinh Việt bất ngờ, hoang mang nhưng…
Với những thay đổi bất ngờ và chưa từng có tiền lệ như vậy, các tổ chức và đại học đã có những lời khuyên, đặc biệt về mặt pháp lý, cho du học sinh.
Ví dụ, NAFSA nhắc nhở các du học sinh khi rời khỏi nhà phải đem theo bên mình các giấy tờ chứng minh việc ở Mỹ hợp pháp, ví dụ như I-20 hay I-94. Một số đại học cung cấp các thông tin cần thiết và giải thích cụ thể về sự khác nhau giữa việc thu hồi thị thực và chấm dứt SEVIS để có thể tìm tư vấn luật sư về cư trú, hoặc mở các buổi tư vấn miễn phí, liên tục.
N.Khang (bang Bắc Carolina) chia sẻ trường có mở 2 buổi tư vấn miễn phí mỗi tuần cho du học sinh. "Đến nay, trường có 2-3 du học sinh bị thu hồi thị thực, trường khá bất ngờ vì không được thông báo trước. Tuy nhiên, trường đã có hỗ trợ kịp thời để những bạn này hoàn tất việc học bằng hình thức trực tuyến."
N.Thuận (bang Texas) cho biết bản thân có chút lo lắng nên đã hẹn gặp giảng viên hướng dẫn. Giảng viên này cũng bất ngờ với việc thu hồi thị thực gần đây và một số lý do được nêu trên báo chí, đồng thời, sẽ cố gắng bảo vệ và hỗ trợ các du học sinh của khoa.
Khi được mời tham gia phỏng vấn, một số du học sinh đã từ chối vì sợ phát ngôn nhạy cảm hoặc có thể bị ảnh hưởng đến thị thực. Một số hội nhóm du học sinh trên mạng xã hội đa phần cũng bàn về những thông tin thu hồi thị thực, dừng SEVIS, hay thậm chí chia sẻ đạo luật mới về việc bỏ chương trình OPT do một số nghị sĩ đề xuất. OPT (Optional Practical Training - Thực tập tùy chọn) là chương trình cho phép du học sinh mới tốt nghiệp ở lại Mỹ làm việc. Với nhóm ngành STEM, OPT kéo dài 3 năm.
Nhìn chung, sinh viên Việt Nam có phần lo lắng và hoang mang. T.Ca (bang California), M.Thư (bang Texas) và N.Quỳnh (bang California) đều chia sẻ bản thân và bạn bè xung quanh đều không khỏi bất an. Thư đặc biệt lo lắng hơn khi bạn đang chuyển từ bậc học thạc sĩ lên tiến sĩ. Có hơn 250 sinh viên quốc tế thuộc các đại học tại bang bị thu hồi thị thực, tính đến ngày 9.4, theo tờ Texas Tribune.
"Tuy nhiên, mình tìm hiểu kỹ và thấy các trường hợp thường do việc không tuân thủ quy định hoặc vi phạm pháp luật tại Mỹ như lái xe quá tốc độ. Điều này cho thấy, việc duy trì tình trạng thị thực không chỉ phụ thuộc vào hồ sơ học tập mà còn liên quan chặt chẽ đến ý thức tuân thủ pháp luật và văn hóa nơi mình đang sinh sống," Thư chia sẻ. Vì vậy mà cả Quỳnh, Thư, và Ca cho biết nếu du học sinh hoàn thành tốt việc học và tuân thủ pháp luật thì sẽ ít bị ảnh hưởng.
Phương (đang theo chương trình OPT, bang Massachusetts) chia sẻ khá bất ngờ khi việc di trú lại nhắm đến đối tượng là du học sinh. Bạn cho rằng hiện tại ngoài công dân Mỹ, mọi người đều thấp thỏm (vì thậm chí có những trường hợp bị thu hồi thẻ xanh - tức thường trú nhân hợp pháp). Vì thế, trong tương lai gần, Thư sẽ hạn chế chia sẻ ý kiến hay thông tin chính trị trên trang cá nhân và sẽ theo dõi tin tức kỹ, tiếp nhận kiến thức để bảo vệ bản thân.
Tương tự, N.Thuận và N.Khang cho biết ngoài việc duy trì điểm trung bình cao, cũng chú ý hơn trong việc mang theo các giấy tờ xác minh danh tính và ở Mỹ hợp pháp và lái xe cẩn thận hơn. Riêng N.Khang cũng căn dặn vợ mình thông tin tương tự. Ngoài ra, trường của N.Khang còn khuyến cáo du học sinh hạn chế đăng thông tin mang tính chính trị lên mạng xã hội.
Khi bị thu hồi thị thực, sinh viên cần làm gì?
Du học sinh được cấp thị thực diện F-1 hoặc J-1 (hạn 1 năm đối với sinh viên Việt Nam) để ra/vào Mỹ. Khi thị thực hết hạn, du học sinh vẫn được ở tại Mỹ hợp pháp dựa vào I-20. I-20 thường hết hạn khi khóa học kết thúc. Vì vậy, thông thường khi bị thu hồi thị thực, du học sinh vẫn được ở lại Mỹ hoàn thành việc học. Tuy nhiên, khi rời khỏi Mỹ và thị thực hết hạn (hoặc đã bị thu hồi), du học sinh không được vào Mỹ mà phải gia hạn (hoặc xin mới) thị thực.
Khi tham gia học, SEVIS (Hệ thống thông tin sinh viên và khách trao đổi) là cơ sở dữ liệu của chính phủ nhằm theo dõi sinh viên và học giả quốc tế có tình trạng thị thực F-1 và J-1. Việc Bộ An ninh Nội địa Mỹ chấm dứt SEVIS sẽ chấm dứt tình trạng hợp pháp của du học sinh Mỹ, tức du học sinh này sẽ phải rời khỏi Mỹ trong thời gian cho phép.
Khi được thông báo về việc thu hồi thị thực hoặc dừng SEVIS, sinh viên cần liên hệ tư vấn luật sư về di trú.
Hiện các đại học Mỹ đã có những thông báo, hỗ trợ đến những trường hợp bị thu thị thực hoặc chấm dứt SEVIS. Hầu hết, các văn phòng sinh viên quốc tế đều khuyên các du học sinh tìm kiếm hỗ trợ pháp lý từ các văn phòng luật sư di trú để bảo vệ quyền lợi vốn có và hoàn tất tốt việc học.
Nhiều sinh viên quốc tế bị thu hồi thị thực tại các bang Michigan, Georgia, California đã kiện Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS), theo hãng tin AP. Ngày 9.4, Xiaotian Liu, sinh viên quốc tế bậc tiến sĩ, ngành khoa học máy tính, tại Đại học Dartmouth (bang New Hampshire) đã đệ đơn kiện vì bị thu hồi thị thực không lý do, không được thông báo, và không được phản hồi. Trong phiên điều trần khẩn, Thẩm phán quận đã ban hành lệnh cấm tạm thời đối với việc thu hồi thị thực của du học sinh. Sinh viên này có thể quay lại học bình thường đến khi có phán quyết cuối cùng vào vài tuần tới.
Nguồn: https://thanhnien.vn/sinh-vien-viet-nam-can-trong-sau-hang-ngan-thi-thuc-du-hoc-my-bi-thu-hoi-185250415142159394.htm
Bình luận (0)