Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sóc Trăng triển khai sản xuất lúa Hè - Thu năm 2025

STO - Theo dự báo của ngành chuyên môn, từ tháng 4/2025, mưa có khả năng xuất hiện sớm và gia tăng, tổng lượng mưa cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 10 - 30mm. Tháng 5/2025, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn 5 - 15% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Dựa vào dự báo thời tiết của ngành chuyên môn, tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh và theo cơ cấu mùa vụ canh tác lúa tránh hạn hán, xâm nhập mặn và mưa nhiều ảnh hưởng đến sản xuất lúa Hè - Thu năm 2025. Ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sóc Trăng đã đưa ra các khuyến cáo về lịch xuống giống lúa Hè - Thu đến các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Báo Sóc TrăngBáo Sóc Trăng10/05/2025

Trong vụ lúa Hè - Thu năm 2025, ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sóc Trăng đã triển khai lịch xuống giống lúa làm 3 đợt. Cụ thể, đợt 1: vào đầu tháng 4 đến cuối tháng 4 (dương lịch), chiếm 29% diện tích (khoảng 40.200ha) tập trung tại những địa phương chủ động được nguồn nước tưới tiêu, khu vực có nguồn nước ngọt thuộc các huyện: Mỹ Tú, thị xã Ngã Năm, Thạnh Trị, Châu Thành. Đợt 2: xuống giống từ ngày 1/5 đến 31/5 (dương lịch), chiếm gần 42% diện tích (khoảng 58.200ha) tập trung xuống giống ở các huyện: Kế Sách, Châu Thành, Mỹ Tú, Thạnh Trị, một phần huyện Long Phú, Mỹ Xuyên, Trần Đề. Đợt 3: kết thúc gieo sạ trước ngày 30/6 (dương lịch) ở vùng đất cao, không chủ động được nguồn nước, phụ thuộc vào nguồn nước mưa, chiếm hơn 29% diện tích (khoảng 40.400ha) tập trung xuống giống ở các huyện Trần Đề, Long Phú, Mỹ Xuyên, thành phố Sóc Trăng, một phần huyện Thạnh Trị, Mỹ Tú.

Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã và đang làm đất chuẩn bị xuống giống vụ lúa Hè - Thu năm 2025. Ảnh: THÚY LIỄU

Giống lúa được khuyến cáo sử dụng để gieo sạ trong vụ lúa Hè - Thu năm 2025 đó là tăng cường dùng giống xác nhận trong sản xuất, ưu tiên sử dụng các giống lúa chất lượng cao, có khả năng chống chịu với những điều kiện bất lợi về thời tiết, dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu về thị trường tiêu thụ lúa gạo. Theo đó, ngành Nông nghiệp và Môi trường đề xuất các giống lúa chống chịu phèn - mặn trung bình, khá như: OM 4900, Đài Thơm 8, OM 18, OM 429, các giống lúa nhóm ST; nhóm giống lúa thơm - đặc sản như: Đài Thơm 8, OM 4900, RVT, các giống lúa nhóm ST.

Đồng chí Thái Thanh Tân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cho biết, bên cạnh việc tuân thủ lịch xuống giống và sử dụng các loại giống phù hợp cho từng địa phương trong vụ lúa Hè - Thu thì các địa phương cần quan tâm đến tình hình thời tiết, thủy văn nhằm thông tin kịp thời đến người dân biết để chủ động trong gieo sạ và chăm sóc lúa. Rà soát, xây dựng kế hoạch lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa vụ Hè - Thu theo từng vùng sinh thái phù hợp với tình hình nguồn nước tưới hiện nay, đảm bảo gieo trồng đúng lịch thời vụ đã khuyến cáo cho từng vùng cụ thể, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại trong sản xuất. Đối với khu vực trũng, chủ động nguồn nước ở các huyện Thạnh Trị, thị xã Ngã Năm, Mỹ Tú, Châu Thành, khuyến cáo nông dân xuống giống trong đợt 1 để hạn chế thiệt hại do mưa, bão cuối vụ.

Đối với các vùng canh tác lúa bị ảnh hưởng xâm nhập mặn ở các huyện Long Phú, Trần Đề, thành phố Sóc Trăng, sau khi thu hoạch lúa Đông - Xuân muộn, tranh thủ làm đất sớm, chú ý rửa phèn và mặn thật kỹ trước khi xuống giống bằng cách bơm nước ngọt vào ruộng 2 - 3 lần, sau đó bón vôi từ 300 - 500kg/ha ngâm rồi xả rửa lại, tiến hành đo độ mặn < 1% và pH đất từ 5,5 - 7 thì mới được xuống giống. Đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ ít nhất 15 - 20 ngày, sử dụng nấm Trichoderma giúp phân hủy nhanh rơm rạ. Khuyến cáo nông dân bón lót lân, phân hữu cơ, chế phẩm humic để giúp bộ rễ phát triển mạnh. Sử dụng giống cấp xác nhận, cứng cây thích hợp với điều kiện thời tiết mưa bão của vụ Hè - Thu.

“Trong gieo sạ lúa vụ Hè - Thu năm 2025, các địa phương tăng cường việc khuyến cáo nông dân giảm lượng giống gieo sạ phù hợp với điều kiện từng vùng, tăng cường ứng dụng cơ giới hóa trong gieo sạ, cấy để giảm giống hiệu quả. Gieo sạ đồng loạt, tập trung né rầy theo từng khu vực, từng địa phương, trên cơ sở khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn. Áp dụng các biện pháp canh tác tiết kiệm phân bón, giảm lượng phân đạm, tăng cường sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học, góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất, bảo tồn đa dạng sinh học. Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, tưới ngập khô xen kẽ, công nghệ sinh thái, hướng hữu cơ... nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Tăng cường công tác điều tra, dự báo tình hình dịch hại, khuyến cáo các biện pháp phòng, chống dịch hại trên lúa như rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn kịp thời và hiệu quả”, đồng chí Quách Thị Thanh Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sóc Trăng thông tin.

THÚY LIỄU

Nguồn: https://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/202505/soc-trang-trien-khai-san-xuat-lua-he-thu-nam-2025-8fe16e2/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích
Mai Châu chạm vào trái tim thế giới
Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm