Bà Vi Thị Thu, xã Tân Thành, cân nặng chỉ còn hơn 30kg, sức khỏe rất yếu nhưng hiện phải chăm sóc chồng bị ung thư gan giai đoạn cuối. |
3 thế hệ cùng lọc máu
Ở Khoa Nội thận - Tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, suốt bao năm qua, nhiều người đã coi chiếc máy lọc máu như phần cơ thể không thể tách rời. Một trong những hoàn cảnh được chính các bệnh nhân nơi đây bảo “khổ” nhất là chị Hoàng Thị Điệp, xã Trung Hội.
Chị mới 40 tuổi nhưng đã có tới 14 năm chạy thận. Éo le hơn, không chỉ mình chị mắc căn bệnh quái ác này mà cả bố đẻ và cậu con trai duy nhất mới 21 tuổi của chị cũng cùng chung số phận.
Cứ mỗi tuần ba lần, hai mẹ con lại khăn gói từ quê lên viện, còn bố của chị thì lọc máu tại Bệnh viện đa khoa Định Hóa. Ít ngày trước, ông lại ngã gãy chân, phải bó bột, nằm viện điều trị. Giữa bủa vây bệnh tật và gánh nặng kinh tế, chị Điệp vẫn gắng gượng từng ngày.
Chị Điệp nhớ lại: Năm 2011, tôi đau lưng nhiều, đêm đi tiểu cả chục lần. Bệnh viện huyện không tìm ra nguyên nhân. Đến khi về Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, bác sĩ bảo tôi suy thận nặng, phải chạy thận ngay. Tai tôi ù đi, ngất xỉu, cứ nghĩ mình không qua nổi.
Nhờ sự động viên của chồng con và người thân, chị dần bình tâm. Những lúc còn khỏe, chị tự tay gói bánh chưng đem bán, gom góp từng đồng lo thuốc chữ bệnh, thuốc bổ. Ngoài bệnh thận, chị còn bị hở van tim và cường giáp. Cơ thể vốn đã yếu, càng thêm suy kiệt.
Có lần, chạy thận được 2 năm, nghĩ mình có thể không sống lâu, chị lặng lẽ đi tìm người để... cưới vợ cho chồng, sợ anh cảnh “gà trống nuôi con”. Nhưng chồng chị - anh Lý Trọng Huân - đã gạt phăng ý nghĩ ấy. Anh bảo: Nếu em không còn, anh ở vậy thôi. Câu nói tưởng giản dị tiếp nhưng thêm cho chị một nguồn sống khác. Anh và chị lấy nhau đều là mối tình đầu: Chị cười bảo.
Rồi, khi nhắc đến cậu con trai, giọng chị chùng xuống: Vợ chồng tôi chỉ có mình nó. Giờ nó cũng mắc bệnh, trước khỏe mạnh nặng 85kg, giờ còn 48kg, yếu hơn cả mẹ. Thương lắm… chẳng biết sau này ra sao.
Hoàn cảnh bên ngoại đã nhiều nỗi gian nan, gia đình chồng chị cũng không kém vất vả. Mẹ chồng chị ốm nằm liệt suốt hơn 3 năm, rồi mất cách đây hai tháng. Trước đó, bố chồng cũng nằm liệt giường gần 2 năm rồi qua đời. Những năm tháng ấy, chồng chị quanh quẩn chăm sóc cha mẹ già yếu, rồi lại tất tả lo cho vợ con.
Sau khi mẹ chồng mất, anh Huân mới bắt đầu đi làm thợ bắn mái tôn, kiếm thêm đồng ra đồng vào. Nhưng tất cả thu nhập của cả nhà, cộng với ba sào ruộng, cũng chỉ đủ bù đắp bữa ăn và những loại thuốc thiết yếu nhất cho vợ con. Mỗi tháng, tiết kiệm lắm, chi phí của hai mẹ con chị cũng tốn khoảng 6 triệu đồng.
Gánh nặng trên đôi vai gầy
Anh Mã Xuân Tình, xã Định Hóa, luôn lạc quan dù sức khỏe suy giảm nhiều. |
Ở một góc hành lang viện, bà Vi Thị Thu, xã Tân Thành lặng lẽ đợi đến lượt chạy thận. Gương mặt xám xanh, đôi mắt trũng sâu vì mất ngủ. 18 năm chạy thận là chừng ấy thời gian bà sống tại căn nhà trọ chật chội, ẩm thấp ở gần bệnh viện.
Ban đầu, bà buôn bán hoa quả rong. Sau được người quen giới thiệu, bà chuyển sang bán khoai nướng. Mỗi ngày, bà thức dậy từ 2 giờ sáng để bắt đầu công việc. Khoảng 5 giờ 30, công việc chuẩn bị hoàn tất, bà bắt đầu đẩy xe ra đoạn gần Bệnh viện Trung ương để bán. Những hôm bán ế, bà ngồi tới 10 giờ đêm mới lết về đến phòng trọ.
Trước kia, bà bán được 30 - 40kg khoai mỗi ngày. Nay chỉ còn bán một nửa, phần vì nhiều người cùng cạnh tranh, phần vì sức khỏe bà có hạn. "Nhiều người biết hoàn cảnh của tôi nên mua ủng hộ. Tôi biết ơn lắm"- bà Thu nói, giọng đầy xúc động.
Đang cố gắng bấu víu chút thu nhập ít ỏi ấy, bà lại nhận tin chồng phát hiện ung thư gan giai đoạn cuối, bệnh viện trả về... Vì thế thời gian này, bà không còn ở lại chỗ trọ, mà mỗi tuần 3 lần, bà phải tự đi về trên quãng đường khoảng 50km. "Có hôm, tôi tưởng mình không còn sức mà thở… Nhưng nghĩ đến ông ấy nằm chờ, tôi lại cố gắng gượng"- bà Thu chia sẻ.
Ba người con của bà đều làm công nhân công ty, thu nhập không cao, cũng không có thời gian nghỉ nhiều nên bà Thu luôn cố gắng tự mình xoay xở, không làm phiền đến các con.
Gần hai thập kỷ sống nhờ máy
Chị Hoàng Thị Điệp, xã Trung Hội, cùng con trai duy nhất và bố đẻ đều phải chạy thận. |
Anh Mã Xuân Tình, quê ở xã Định Hóa, đã có 19 năm sống nhờ máy lọc máu. Những ngày đầu phát bệnh, bệnh viện huyện chưa có máy chạy thận, nên mỗi lần điều trị, anh đều phải vượt quãng đường xa lên tuyến trên, xếp hàng chờ đến lượt và tự chi trả toàn bộ chi phí. Cuộc sống ở quê vốn chỉ trông vào mấy sào ruộng, thu nhập bấp bênh, không thể đủ để trang trải tiền thuốc men, ăn ở và chữa trị. Vì vậy, vợ chồng anh quyết định khăn gói về thành phố thuê trọ, vừa buôn bán rau kiếm thêm thu nhập, vừa tiện cho anh điều trị lâu dài.
"Ngày ấy, nhiều người chưa biết chạy thận là gì. Cứ được dăm bữa nửa tháng lại nghe tin ai đó mất. Tôi nghĩ chắc mình cũng không trụ được lâu. Thế rồi, nhờ ý chí và sự chăm sóc của vợ, tôi vẫn trụ qua bao mùa mưa nắng. Ngày phát hiện bệnh, con trai mới hơn một tuổi. Giờ nó đã đi nghĩa vụ quân sự, tôi cũng thấy yên lòng phần nào" - anh Xuân Tình kể.
Nay sức khỏe anh Tình yếu dần, không còn phụ vợ bán hàng. Nhưng trong ánh mắt anh vẫn ánh lên sự lạc quan hiếm thấy: Chạy thận vẫn còn sướng hơn nhiều người ung thư, họ chỉ sống được vài tháng. Tôi được 19 năm rồi, còn mong gì hơn!
Với hàng trăm bệnh nhân chạy thận ở đây, mỗi người là một câu chuyện. Nhưng tất cả đều chung khát vọng sống. Nhiều người mong mỏi được chứng kiến con trưởng thành, được làm điểm tựa cho gia đình.
Ở nơi tưởng như chỉ có bệnh tật và thiếu thốn, vẫn lặng thầm tỏa sáng nghị lực phi thường.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/y-te/202507/song-bang-than-thep-52e19aa/
Bình luận (0)