Ông Hoàng Đình Bường (75 tuổi, TX. Ba Đồn) là nhà giáo đã nghỉ hưu, ông cũng là tác giả của nhiều tập thơ, bút ký thời chiến. Nửa thế kỷ sau ngày hòa bình, ông vẫn kiên trì giữ lại ký ức bằng con chữ như thể để kể cho lớp hậu sinh hiểu hơn về cái giá của độc lập.
Người đi qua hoa lửa
Yêu văn chương, thích đọc sách, chàng thanh niên Hoàng Đình Bường ngày ấy bước vào giảng đường đại học với ước mơ giản dị: Trở thành thầy giáo dạy Văn. Nhưng năm 1971, khi đất nước bước vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông-như hơn 200 sinh viên, giảng viên Trường đại học Sư phạm Vinh-đã rời bục giảng, nhập ngũ, khoác ba lô ra trận.
Trên đường hành quân từ Nghệ An vào Trị Thiên, từ Quảng Trị lên rừng núi Thừa Thiên-Huế, hành trang mang theo không chỉ khẩu AK, ba lô đầy đạn. Bên trong còn một quyển sổ tay nhỏ. Trong đó là thơ-là nơi ông ghi lại những nghĩ suy, day dứt, những mảnh vỡ xúc cảm giữa lằn ranh sống chết. Đơn vị ông có cái tên rất đỗi đặc biệt: Tiểu đội Văn-Sử. Chiến tranh đã làm đứt đoạn ước mơ được đứng trên bục giảng nhưng bom đạn không ngăn được tình yêu của họ với văn chương.
Tác giả Hoàng Đình Bường (hàng trên, bên phải) cùng các bạn học trước ngày hành quân. |
Những năm tháng ở chiến trường, ông chọn cách viết nhật ký bằng thơ. Có lần, những bài thơ viết vội chép tay bị cháy mất giữa lửa đạn. Hai lần bị thương cũng là hai lần thơ ông tan theo khói súng. Nhưng may thay, ông vẫn còn nhớ những lời thơ gan ruột ấy để lưu giữ lại. Có những bài thơ được chắp vá từ ký ức, từ vết sẹo còn đau, từ tên của những đồng đội đã ngã xuống bên vai mình. Trong bài thơ “Điểm danh”, ông từng viết về nỗi đau vắt qua hai bờ thời gian: “Nửa tiểu đội đã mất/Nửa thương tật đầy mình/Sặc sụa mùi chiến tranh/Điểm danh lòng tê tái”. Chỉ có những ai từng đi qua cuộc chiến, chứng kiến những nỗi đau và mất mát mới có cái cách “điểm danh” đặc biệt đến thế mà như ông nói là “điểm danh bằng cả máu và nước mắt”.
Câu chữ không cầu kỳ, không ẩn dụ, không mượt mà, kiểu cách. Nhưng chính cái mộc mạc ấy lại dội thẳng vào tim người đọc bằng cảm xúc chân thực, trần trụi nhất về những mất mát. Thơ của Hoàng Đình Bường không hẳn là cảm xúc của riêng ông. Nó là tiếng vọng của một thế hệ. Là lời chia tay chưa kịp nói, là tin nhà chưa kịp gửi, là ánh mắt cuối cùng của một người bạn đã nằm xuống. Với ông, viết là để giữ lại ký ức cho những người không còn cơ hội được kể lại. Ông từng viết về một người bạn ngã xuống giữa rừng, lá thư viết dở còn trong ba lô. Viết về những đêm hành quân khi tiếng suối Trường Sơn rì rầm như lời mẹ ru vọng về. Viết về sự lặng im của những nấm mộ không tên, nơi cái chết không cần lý lịch, chỉ một nhành lá úa cũng đủ làm bia.
Trong suốt 10 năm ở chiến trường, Trung đoàn bộ binh 6-Phú Xuân của ông đã đi qua 2.828 trận đánh. Hơn 12.000 chiến sĩ đã hy sinh. Ngày hòa bình, tiểu đội Văn-Sử chỉ còn 7 người nhưng ai cũng mang trên thân thể những vết thương bom đạn. Ông bảo: “Chiến trận ám ảnh suốt cuộc đời tôi, thấm vào từng đường gân thớ thịt. Dù ở tuổi này, máu trong tôi vẫn là máu người lính trận mạc”. Người lính ấy, ngay trong những ngày đầu ra trận, đã dùng than để viết những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu lên bức tường gỗ như lời thề khắc cốt ghi tâm: “Đất ta, ta quyết giữ/Một tấc cũng không nhường!/Đây là giờ sinh tử/Ta cần chi máu xương?”.
"Không gì có thể lãng quên"
Trở về từ chiến trường, ông trở lại với giấc mơ thuở ban đầu: Làm thầy giáo dạy Văn. Nhưng chiến tranh không khép lại như một cuốn sách. Nó lặng lẽ theo ông vào lớp học, vào từng bài giảng. Có buổi giảng bài thơ “Đồng chí”, ông nghẹn lời. Có hôm đang viết bảng, tay ông bỗng khựng lại, sợ vô tình viết nhầm tên một người bạn đã mất. Cái ranh giới mong manh giữa “đã sống” và “đã mất” luôn đeo đẳng người từng đi qua lửa đạn. Như ông đã từng viết trong bài thơ “Hành khất thời gian”: “Mái tóc lên sương/Nửa sống phần dương/Nửa phần âm khắc khoải/Nửa quá khứ/Nửa soi mình hiện tại/Thổn thức tương lai/Cuộc sống quãng canh sao quá rộng dài/Lỡ bước, thành người có lỗi/Bài thơ Trường Sơn ta viết vào mây núi/Có ai đọc được cuối trời xa?”.
Các tập thơ, bút ký của tác giả Hoàng Đình Bường đều viết về chiến tranh. |
Với thầy giáo Bường, chiến tranh không chỉ để kể lại, mà là bài học đạo đức lặng lẽ, thấm sâu vào từng tiết giảng. Trong mắt bao thế hệ học trò, ông là người thầy miệt mài gieo chữ từ “ngọn lửa” chiến trường và bằng những ký ức không thể nào quên. Giờ học của ông, học trò được nghe về Nguyễn Du, Nguyễn Trãi nhưng cũng được kể về những người lính vô danh, những cái tên chỉ còn lại trong thơ và ký ức đồng đội. Ông không giảng đạo lý, ông kể những câu chuyện thấm đẫm máu, nước mắt và lòng nhân, đủ để học sinh ngồi lặng hàng giờ và nhớ mãi về sau.
Tác giả Hoàng Đình Bường, sinh năm 1950, nguyên là Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (TX. Ba Đồn). Ông đã xuất bản nhiều tập thơ, tập bút ký về chiến tranh, tiêu biểu là “Yên Ngựa sau cuộc chiến”, “Hành khất thời gian”, “Điểm danh”, “Điệp khúc đời”, “Nỗi niềm trung đoàn”… Trong đó, tập bút ký “Yên Ngựa sau cuộc chiến” giành giải B giải thưởng Văn học nghệ thuật Lưu Trọng Lư lần thứ VI (2016-2020). |
Ngoài thơ, Hoàng Đình Bường còn là tác giả của nhiều bút ký, ký sự giàu cảm xúc. Những tập sách như “Yên Ngựa sau cuộc chiến”, “Nỗi niềm trung đoàn”… không chỉ là tư liệu chiến tranh mà còn là dòng chảy của văn chương. Văn ông đậm đặc chất thật, không “bày vẽ” hay “tô son trát phấn”. Mỗi nhân vật, mỗi tình tiết đều có bóng dáng của một ai đó, từng sống, từng hy sinh và từng được ông ghi nhớ bằng cả trái tim của một người lính, mà như đánh giá của nhà văn Nguyễn Thế Tường là “đọc văn của người lính trận nguyên là sinh viên khoa Văn sắp ra trường lên bục giảng, độc giả sẽ “lượm” được vô vàn những chi tiết đắt giá của chiến tranh”.
Ông Hoàng Đình Bường năm nay 75 tuổi, sống cùng gia đình nhỏ ở TX. Ba Đồn. Góc phòng làm việc đơn sơ với chiếc kệ gỗ, xếp ngay ngắn những tập thơ, bút ký, sách giáo khoa. Ông vẫn đọc từ 50-60 trang sách mỗi ngày như thói quen không thể bỏ của một người cả đời gắn bó với tri thức.
Không phải ai từng đi qua chiến tranh cũng chọn kể lại. Có người im lặng vì quá đau. Có người quên đi để sống nhẹ hơn. Nhưng ông-một người từng đi qua hoa lửa-lại chọn viết, không phải để vinh danh bản thân mà để giữ lại cho đời sau một phần sự thật. Với ông, mỗi dòng thơ, mỗi trang sách là một nén hương cho người đã khuất, bởi như câu thơ của nhà thơ Nga Olga mà ông luôn tâm đắc: “Không có ai bị lãng quên/Không có gì có thể lãng quên”. Trang viết của ông như một lời nhắc nhở thầm lặng rằng hòa bình không đến dễ dàng và ký ức cần được kể lại để những bài học quá khứ không bị lãng quên.
Diệu Hương
Nguồn: https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202504/song-de-ke-lai-viet-de-giu-gin-2225925/
Bình luận (0)