Với mặt hàng sữa, hàng giả chủ yếu có 2 hình thức: các đối tượng sản xuất giả vỏ hộp, sữa bên trong là hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc, chất lượng hoặc sử dụng vỏ hộp của các nhãn hiệu nổi tiếng, nhưng tráo đổi bên trong là sữa kém chất lượng.
Đối với vụ việc vừa được phát hiện nói trên, các đối tượng thành lập công ty để sản xuất ra nhiều loại sữa với các nhãn hàng khác nhau, có chiến lược quảng cáo rầm rộ để tung ra thị trường số lượng lớn. Tuy nhiên, các thành phần công bố trên sản phẩm sữa của công ty này như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... không có mà được thay thế bởi một số nguyên liệu đầu vào và bổ sung thêm một số chất phụ gia khác.
Vụ việc này một lần nữa nhắc nhở người tiêu dùng không nên quá lạm dụng và coi sữa như thần dược. Trước đây, trên địa bàn TP. Đông Hà, đi đâu cũng nghe quảng cáo về một loại sữa non có thể chữa bách bệnh (dạ dày, đại tràng, người gầy sẽ tăng cân và ngược lại)... Nhiều người bỏ ra số tiền không nhỏ để mua cho bản thân hoặc cho người thân sử dụng. Nắm bắt được tâm lý khách hàng, công ty phân phối tung ra nhiều chính sách ưu đãi như mua càng nhiều giá càng giảm hoặc tích điểm đổi quà nên càng kích thích người mua. Không có cơ sở để khẳng định đó là hàng thật hay hàng giả nhưng cách quảng cáo sữa với nhiều công dụng như vậy không ổn.
Sữa là mặt hàng dễ tiêu thụ vì ai cũng có nhu cầu, từ trẻ con tới người già. Khi đời sống ngày một đi lên thì nhu cầu này theo đó cũng tăng cao. Bên cạnh đó, thông qua kênh bán hàng đa cấp và chiến lược truyền thông rầm rộ trên mạng xã hội, sản phẩm này càng đến gần hơn với người tiêu dùng. Để lấy lòng tin của khách hàng, đa số các nhãn hàng đều sử dụng hình ảnh bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, nghệ sĩ nổi tiếng... để quảng cáo. Nhiều khách hàng phản ánh rằng, họ tìm đến mặt hàng này trước hết là vì tin vào người đại diện cho nhãn hàng.
Lấy ví dụ về mặt hàng sữa Hiup, dòng sữa được quảng cáo là giúp trẻ tăng chiều cao. Sữa này được nhiều người có con trong độ tuổi từ 3-15 quan tâm nhưng để thu hút được sự quan tâm đó lại nhờ vào cô MC nổi tiếng được nhãn hàng chọn làm gương mặt đại diện. Nhưng khi vào các trang facebook quảng cáo mặt hàng này để tìm mua sản phẩm, khách hàng như lạc vào “ma hồn trận”.
Các đối tượng kinh doanh online lập ra nhiều tài khoản facebook và chạy quảng cáo với hình ảnh, nội dung giống nhau. Ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng).
Điều này khiến khách hàng không biết vào trang nào mới chính hãng, trong khi sản phẩm lại không được bày bán trực tiếp trên địa bàn. Chưa kể, mỗi trang lại báo mức giá khác nhau, chính sách ưu đãi cũng khác nhau. Không ít người sau khi mua hàng mới phát hiện ra sự bất thường này nên đã kịp thời dừng lại.
Không thể phủ nhận công nghệ quảng bá hình ảnh, kỹ năng tiếp cận thị trường giúp hàng giả đi xa hơn. Như với Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma thuộc Tập đoàn Dược quốc tế (đơn vị làm giả gần 600 loại sữa nói trên), một video quảng cáo cho biết đơn vị này đã hoạt động hơn 15 năm trong lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và các sản phẩm dành cho mẹ, bé và gia đình...
Theo quảng cáo, các sản phẩm của các công ty này đạt chuẩn FDA Hoa Kỳ; có mặt rộng rãi tại nhiều địa phương trên toàn quốc. Nhiều thương hiệu khác cũng có cách tiếp cận khách hàng như trên, vì thế không lạ gì khi rất nhiều người ngấm quảng cáo trước rồi mua hàng sau. Sau sự việc này, hẳn không ít người thay đổi cách nhìn của mình. Sữa tốt cho sức khỏe, đó là điều hiển nhiên. Nhưng chỉ tốt khi mua đúng sản phẩm, đúng điểm bán.
Hàng giả, hàng kém chất lượng khiến thị trường sữa bột bị xáo trộn. Trong khi đó, mặt hàng này nếu không đảm bảo sẽ gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe, nhất là đối với trẻ con - đối tượng dễ bị tổn thương do hệ miễn dịch và tiêu hóa còn non yếu.
Nhiều phụ huynh khi mua sữa vẫn có thói quen nghe quảng cáo thay vì kiểm tra kỹ nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Điều này tạo kẽ hở để sữa bột giả len lỏi vào thị trường và đến tay người tiêu dùng.
Những năm gần đây, trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều sản phẩm sữa dành cho trẻ em, người lớn, kể cả phụ nữ mang thai... nhưng xuất xứ, chất lượng sản phẩm gần như không được kiểm soát .
Thực trạng này khiến lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát. Việc phân biệt sữa thật - giả bằng mắt thường không dễ, nhất là với các sản phẩm bị làm giả tinh vi. Do đó, cơ quan quản lý thị trường cần mở không gian trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả đối với mặt hàng này để người dân dễ dàng tiếp cận và được hướng dẫn các thông tin cần thiết để phân biệt.
Một số sản phẩm sữa có thương hiệu, có lượng tiêu thụ cao thường bị làm giả như sữa hiệu Glucerna, Abbott Grow, PediaSure, Ensure Gold... thì cần được hướng dẫn kỹ để giúp khách hàng nhận diện sản phẩm thật. Người tiêu dùng cũng cần trang bị các kỹ năng cần thiết để nhận diện sản phẩm thông qua mã vạch, hạn sử dụng, bao bì và màu sắc, mùi vị của sữa.
Điều quan trọng là nên chọn sữa theo lứa tuổi, tình trạng sức khỏe và nhu cầu dinh dưỡng của người sử dụng chứ đừng mua vì quảng cáo.
Đối với những người có con nhỏ, việc nâng cao nhận thức, rèn luyện thói quen đi tư vấn dinh dưỡng, đọc nhãn mác, kiểm tra thông tin sản phẩm kỹ lưỡng là cách thiết thực để bảo vệ con trẻ trước những rủi ro không đáng có.
Anh Thư
Nguồn: https://baoquangtri.vn/sua-gia-va-nhung-moi-nguy-hai-that-193043.htm
Bình luận (0)