Đoàn công tác của TP. Huế tìm kiếm tư liệu Triều Nguyễn tại Pháp. Ảnh: TTBTDTCĐ Huế

Kết quả từ sự kết nối

“Trời, non, nước” là triển lãm tranh của vua Hàm Nghi đang được trưng bày tại điện Kiến Trung - Đại Nội Huế trong dịp cuối tháng 3 - đầu tháng 4 vừa qua. Đây là triển lãm tranh lớn nhất từ trước đến nay của vị vua yêu nước được tổ chức tại Việt Nam. Không gian triển lãm dẫn dắt người xem vào thế giới hội họa đầy hoài niệm của vị hoàng đế lưu vong với 21 tác phẩm khắc họa cảnh thiên nhiên, chất chứa bao nỗi niềm nhớ thương của nhà vua đối với quê hương.

21 bức tranh quý của vua Hàm Nghi được quy tụ từ 10 bộ sưu tập tư nhân. Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, đây là thành quả từ nỗ lực kết nối của Trung tâm với các nhà sưu tập và gia đình của vua Hàm Nghi. Việc đưa những bức tranh quý của vua Hàm Nghi trở về cố hương cũng là một hành trình dài đầy nỗ lực từ việc vận động các nhà sưu tập đồng ý đến việc vận chuyển, bảo quản các tác phẩm quý hiếm.

 Viện Viễn Đông Bác cổ tham quan Tàng Thơ Lâu

Từ năm 2022, ông Hoàng Việt Trung đã có chuyến công tác tại Pháp nhằm tìm hiểu về triển lãm các tác phẩm nghệ thuật của vua Hàm Nghi, kết hợp tìm kiếm các tư liệu lịch sử liên quan tại Pháp. Cũng trong chuyến đi ấy, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã kết nối với các bảo tàng, trung tâm lưu trữ, nhà nghiên cứu, nhà sưu tập và chuyên gia bảo tồn để tìm kiếm nguồn tư liệu lịch sử, nhất là tư liệu liên quan đến Triều Nguyễn đang ở Pháp. Đoàn đã đến thăm và làm việc với Bảo tàng Cernuschi (bảo tàng nghệ thuật Châu Á của thành phố Paris) để tìm hiểu các bộ sưu tập của bảo tàng về Việt Nam, các nguồn tư liệu về Triều Nguyễn và các bộ sưu tập trưng bày của Việt Nam về khảo cổ học, gốm sứ, tranh…

Đòi hỏi thời gian và sự chịu khó

Trải qua chiến tranh, nguồn tư liệu, hiện vật quý của Triều Nguyễn thất lạc rất nhiều. Khi hòa bình, việc sưu tầm, tìm kiếm tư liệu lịch sử là điều khiến những người làm công tác bảo tồn di sản đau đáu. Theo ông Hoàng Việt Trung, việc tìm kiếm này còn bổ sung thêm tư liệu để phục vụ công tác trùng tu di tích. Ngoài tư liệu nghiên cứu, việc trùng tu quan trọng nhất là tư liệu ảnh.

“Khi sang Pháp, chúng tôi đã tìm được một số bức ảnh quý về điện Kiến Trung. Đây là cơ sở để Trung tâm trùng tu các chi tiết của điện Kiến Trung. Chúng tôi cũng mua được quyển sách ảnh trong đó có 2 bức ảnh về vườn Cơ Hạ. Với những công trình di tích đã sụp đổ, những bức ảnh này chứng thực được những điều chưa rõ trong nghiên cứu nên cực kỳ quý, giúp ích rất nhiều với những công trình hiện đang nghiên cứu trùng tu”, ông Trung nói.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xác định việc sưu tầm tư liệu Triều Nguyễn là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Hiện nay, ở Pháp còn lưu giữ nhiều hiện vật, cổ vật lịch sử đặc biệt liên quan đến Triều Nguyễn tại một số bảo tàng, như: Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Cernuschi, Bảo tàng Guimet, Bảo tàng Quai Branly, Viện Viễn Đông Bác cổ… Hiện nay, TP. Huế đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác Pháp và quốc tế, như Viện Viễn Đông Bác cổ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia hải ngoại, các bảo tàng, một số chuyên gia Pháp trong công tác tìm kiếm hiện vật, tư liệu lịch sử về Việt Nam nói chung và Triều Nguyễn nói riêng.

Từ sự kết nối, năm 2023, đoàn công tác của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) đã đến thăm và làm việc tại Huế. EFEO và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã ký kết thỏa thuận khung hợp tác về bảo tồn, phát huy văn hóa di sản. Theo thỏa thuận hợp tác, hai bên cùng chia sẻ nguồn tư liệu, hình ảnh liên quan đến di sản văn hóa Huế và Triều Nguyễn được lưu trữ tại hai đơn vị. EFEO cũng sẽ hỗ trợ, kết nối Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế với các tổ chức, đơn vị của Pháp đang lưu trữ các nguồn tư liệu, đặc biệt là tư liệu ảnh liên quan đến kiến trúc Triều Nguyễn để phục vụ công tác trùng tu di tích.

Ngoài Viện Viễn Đông Bác cổ, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hợp tác với nhiều tổ chức để tiếp cận những kho tư liệu của Pháp nhằm tìm kiếm tư liệu, hình ảnh về đời sống, sinh hoạt, phong cảnh, trong đó có những bức ảnh về các công trình của Triều Nguyễn. “Những kho tư liệu như biển cả mênh mông, mình lại ở xa nửa vòng trái đất, nhiều trung tâm chưa thực hiện số hóa trong khi tư liệu đã được lưu giữ cả trăm năm nên việc tìm kiếm rất khó khăn. Vì vậy, đòi hỏi phải có thời gian, sự chịu khó, không phải muốn là có được”, ông Hoàng Việt Trung chia sẻ.

Việc sưu tầm, tìm kiếm tư liệu không đơn giản, phải có sự kết nối, phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, xây dựng niềm tin để các tổ chức, cá nhân giúp đỡ, hỗ trợ. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế kêu gọi những người tâm huyết cùng chung tay sưu tầm, bảo tồn các giá trị di sản. Nhiều người giữ những tư liệu quan trọng đã hiến tặng khi tìm được địa chỉ tin cậy. Một số cá nhân đam mê bảo tồn di sản cũng tặng lại cho trung tâm những tư liệu quý đã sưu tầm, đấu giá được. Đây là những đóng góp quan trọng trong quá trình tìm kiếm tư liệu Triều Nguyễn hiện đang lưu lạc ở nước ngoài để phục vụ cho công tác bảo tồn di sản.

MINH HIỀN

Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/suu-tam-tu-lieu-trieu-nguyen-o-nuoc-ngoai-152306.html