Nguyên nhân gây nên tình trạng ban nhiệt (rôm sảy) ở trẻ là do các lỗ chân lông bị tắc nghẽn. Lỗ chân lông là các lỗ nhỏ trên bề mặt da có chức năng tiết bả nhờn và mồ hôi. Khi lỗ chân lông bị tắc gây ứ đọng mồ hôi, dẫn đến tình trạng viêm và vỡ các ống tuyến. Trẻ sẽ cảm thấy ngứa, khó chịu , gãi nhiều có thể dẫn tới nhiễm trùng da sau đó.

Theo bác sĩ Đoàn Tuyết Kha, Trưởng phòng khám Nhi Đồng 315 chi nhánh Quốc Lộ 22, cho biết: Bất cứ nguyên nhân gì gây đổ mồ hôi nhiều đều có thể dẫn tới tình trạng phát ban nhiệt ở trẻ chứ không chỉ riêng mùa hè. Thời tiết nóng ẩm là nguyên nhân phổ biến nhất vì khiến trẻ đổ nhiều mồ hôi hơn. Vận động thể lực mạnh như tập thể dục cường độ cao, trẻ chạy chơi nhiều ngoài trời nắng nóng cũng gây tăng tiết mồ hôi. Đặc biệt khi trẻ bị sốt, nhiệt độ cơ thể trẻ sẽ tăng cao, cơ thể sẽ kích thích tuyến mồ hôi hoạt động, tăng tiết mồ hôi để giảm nhiệt độ xuống.
Một số nguyên nhân khác cũng dẫn đến phát ban nhiệt như da bị tắc nghẽn do mặc quần áo bó sát, mặc tả dày chật, quần áo dày quá nóng, nằm trên giường quá lâu dẫn đến không thoáng khí, tăng nguy cơ tắc nghẽn tuyến mồ hôi; Sử dụng một số loại thuốc khi sử dụng sẽ gây tăng tiết mồ hôi như bethanechol, clonidine và neostigmine….
Đa số trường hợp phát ban nhiệt có thể tự khỏi nếu chăm sóc da đúng cách. Một số trường hợp nặng, có biến chứng cần thăm khám và bác sĩ có thể chỉ định thuốc thoa tùy tình trạng da.
Tại sao trẻ nhỏ thường phát ban nhiệt ?

Phát ban nhiệt (rôm sảy) có thể gặp ở trẻ em và người lớn. Tuy nhiên trẻ nhỏ thường dễ bị phát ban nhiệt hơn người lớn do một số yếu tố sau:
Tuyến mồ hôi chưa phát triển hoàn thiện: Ở trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời tuyến mồ hôi chưa hoạt động, các ống dẫn mồ hôi còn nhỏ và chưa phát triển đầy đủ. Do đó khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của trẻ kém hơn. Khi trẻ quá nóng hoặc hoạt động nhiều, mồ hôi được tiết ra nhiều, không thoát hết dễ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn ở lỗ chân lông gây phát ban nhiệt.
Trẻ được được ủ ấm quá mức: Trong việc chăm sóc trẻ hàng ngày, người lớn thường có xu hướng mặc quá nhiều quần áo cho con, đặc biệt là trẻ sơ sinh, vì lo sợ con bị lạnh. Việc ủ ấm quá mức này lại làm tăng tiết mồ hôi, da bị tắc nghẽn và nguy cơ phát ban nhiệt.
Nằm nhiều trên giường: Trẻ nhỏ chưa biết ngồi thì thường nằm nhiều. Đặc biệt là ở những vùng da như lưng, mông, gáy không được thông thoáng điều này tăng nguy cơ phát ban nhiệt ở những khu vực kể trên.
Tóm lại, sự kết hợp giữa tuyến mồ hôi chưa phát triển, khả năng điều chỉnh nhiệt độ kém, thói quen chăm sóc (ủ ấm quá mức), là những lý do chính khiến trẻ nhỏ dễ bị phát ban nhiệt hơn người lớn.
Cách nhận biết và phân loại, hướng điều trị?

Phát ban nhiệt thường không khó để nhận biết, phụ huynh có thể lưu ý các biểu hiện đặc trưng sau:
Vị trí: Thường xuất hiện ở các vùng da có nhiều nếp gấp hoặc dễ bị hầm bí như: cổ, ngực trên, lưng, bụng, bẹn, nách, mông, khuỷa tay.
Hình dạng và màu sắc: mụn nước trong hoặc sẩn đỏ, kích thước từ 1-4mm, sần sùi, có màu đỏ, hồng, hoặc trắng trong. Thường gây ngứa, châm chích, khó chịu nhẹ, hiếm khi gây đau.
Có 3 dạng phát ban nhiệt, được phân loại dựa trên vị trí bị tắc nghẽn của ống tuyến mồ hôi.
Phát ban tinh thể (Miliaria crystallina): là dạng nhẹ nhất, chỉ ảnh hưởng các ống tuyến trên cùng của da. Các mụn nước nhỏ li ti, nông, chứa dịch trong, dễ vỡ, không gây viêm hay ngứa nhiều, hay gặp ở mặt, cổ, ngực. Dạng này có thể tự khỏi trong vài ngày mà không cần điều trị đặc hiệu.
Phát ban đỏ (Miliaria rubra): vị trí tắc nghẽn sâu hơn trong da, là loại hay gặp nhất ở trẻ em. Dạng này biểu hiện bởi các nốt sẩn màu đỏ, ngứa, châm chích khó chịu, xuất hiện ở vùng da có nếp gấp, trán, thân trên, vùng da dưới lớp quần áo bó sát.
Phát ban sâu (Miliaria profunda): nốt sần lớn hơn, có màu trắng, cứng hơn ở thân và các chi, nằm sâu dưới da, gây cho bé cảm giác nóng rát, khó chịu
Nguyên tắc điều trị phát ban nhiệt ở trẻ em là làm mát làn da của trẻ, giữ da luôn khô thoáng, giảm tình trạng viêm và ngứa, phòng ngừa biến chứng nhiễm trùng da.
Tổn thương lâu dài từ phát ban nhiệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là gì?

Mặc dù phát ban nhiệt thường vô hại và tự khỏi tương đối nhanh chóng khi trẻ được chăm sóc đúng cách, nhưng một số tình huống vẫn có thể dẫn tới tổn thương lâu dài, dù hiếm gặp.
Sẹo: Thông thường, phát ban nhiệt sẽ lành mà không để lại sẹo. Tuy nhiên, nếu trường hợp da bị nhiễm trùng nặng và các lớp da sâu hơn bị ảnh hưởng, có một nguy cơ nhỏ để lại sẹo.
Rối loạn điều hòa nhiệt độ cơ thể: Biến chứng hiếm của bệnh miliaria profunda (một dạng phát ban nhiệt sâu) nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến chức năng tuyến mồ hôi về lâu dài, tuyến mồ hôi có thể tạm thời bị tổn thương hoặc bị phá hủy hoàn toàn. Khi đó sẽ dẫn đến tình trạng mất tiết mồ hôi ở các khu vực bị ảnh hưởng, đi kèm với tăng tiết mồ hôi bù đắp ở các vùng không bị ảnh hưởng, đặc biệt là vùng mặt, nách và bẹn. Kết quả gây điều hòa nhiệt không hiệu quả và có thể kèm theo tăng thân nhiệt, kiệt sức do nhiệt, suy nhược, khó chịu, khó thở, nhịp tim nhanh và suy tim mạch.
Do đó, nếu cha mẹ có bất kì lo lắng nào về việc con bị phát ban nhiệt, tốt nhất nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
Hệ thống Y Tế 315:
Hotline: 0901.315.315
- Phòng khám Đa khoa Quốc tế Ivy Health https://www.ivyhealthvn.com/
- Hệ thống Y Tế Phụ Sản 315 https://www.phusan315.com/
- Hệ thống Y Tế Nhi Đồng 315 https://www.nhidong315.com/
- Hệ thống Y Tế Tiêm Chủng Nhi 315 https://www.tiemchungnhi315.com/
- Hệ thống Y Tế Mắt 315 https://www.mat315.com/
- Hệ thống Y Tế Tim Mạch - Tiểu Đường 315 https://www.timmachtieuduong315.com/
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/tai-sao-tre-thuong-phat-ban-nhiet-vao-mua-he-post805066.html
Bình luận (0)