Ảnh: Internet
Việc sử dụng công nghệ không chỉ là hoạt động của người lớn, mà còn là một phần trong đời sống của trẻ nhỏ hiện nay. Tuy nhiên, “cánh cửa” mạng xã hội mở ra cũng kéo theo hàng loạt vấn đề phát sinh, như: Nội dung độc hại, bắt nạt trực tuyến, nghiện thiết bị, xâm phạm quyền riêng tư, phát tán tin giả, lừa đảo hay thử thách nguy hiểm âm thầm len lỏi vào đời sống của trẻ nhỏ.
Trước những nguy cơ tiềm ẩn, việc trang bị “hệ miễn dịch” cho trẻ em trên môi trường mạng là rất cần thiết. “Miễn dịch số” không phải là phần mềm hay công nghệ bảo mật, mà là một hệ thống tổng hợp năng lực về tâm lý, kỹ năng, nhận thức và hành vi, giúp trẻ em tự bảo vệ mình khi tham gia vào môi trường mạng. Khi có “miễn dịch số”, trẻ sẽ biết phân biệt đúng sai, biết cách phản ứng trước tình huống tiêu cực trên môi trường mạng, không bị phụ thuộc vào thiết bị số; hình thành ý thức sử dụng công nghệ một cách lành mạnh, an toàn, trách nhiệm.
Chị Lê Thị Hồng Nhung (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Vợ chồng tôi không có nhiều thời gian dành cho 2 bé, nên ngoài những giờ tự học, chúng giải trí từ các trò chơi, chương trình trên mạng. Tuy nhiên, tôi luôn cảm thấy không an tâm vì không gian mạng có rất nhiều tác nhân ảnh hưởng đến trẻ em, như: Nội dung bạo lực, phản cảm, kích động hoặc video có tính chất thử thách nguy hiểm, dễ kích thích hành vi bắt chước ở trẻ nhỏ. Nhiều nội dung độc hại được ngụy trang dưới dạng video hoạt hình, trò chơi thiếu nhi, thu hút sự tò mò của trẻ. Bên cạnh đó, bình luận ác ý, chế giễu, bạo lực mạng cũng diễn ra thường xuyên, tôi thấy việc này rất đáng lo ngại”.
Việc sử dụng Internet, mạng xã hội, trò chơi trực tuyến một cách thiếu kiểm soát dễ dẫn đến tình trạng nghiện, giảm khả năng tập trung, ảnh hưởng sự phát triển thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Ngoài ra, khi tham gia mạng xã hội, các bạn nhỏ thường chia sẻ thông tin cá nhân, hình ảnh của bản thân, dễ dẫn đến việc bị lừa đảo, dụ dỗ hoặc theo dõi từ người lạ. Những hành vi bắt chước người nổi tiếng trên mạng xã hội, thần tượng ảo, “hot TikToker”, “streamer” cũng có thể khiến trẻ bị ảnh hưởng trong việc hình thành nhân cách, lối sống và giá trị sống.
Để tạo nên một “hệ miễn dịch số” vững chắc cho trẻ, gia đình giữ vai trò quan trọng. Đây là nơi tác động sâu sắc đến hành vi, thái độ của trẻ trong việc sử dụng mạng xã hội. Cha mẹ cần đồng hành với con, thay vì chỉ kiểm soát hoặc cấm đoán trẻ tham gia môi trường mạng. Nên thiết lập quy tắc về thời gian, nội dung trẻ được xem khi sử dụng mạng xã hội; phải giúp trẻ hiểu vì sao cần lập ra những quy tắc ấy. Hành vi của người lớn luôn là bài học trực tiếp tác động đến con trẻ, nên cha mẹ cần làm gương cho con trong cách sử dụng thiết bị, mạng xã hội; cần chủ động cùng con khám phá thế giới số, cùng học, cùng chơi để dẫn dắt trẻ suy nghĩ, hành xử đúng.
An toàn của trẻ trên không gian mạng là trách nhiệm tập thể của cả xã hội. Việc tạo nền tảng nhận thức đúng, kỹ năng vững và tâm lý ổn định để trẻ nhỏ tự điều hướng trong không gian mạng là rất quan trọng. Cùng với gia đình, trường học đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục “miễn dịch số” cho học sinh. Các nội dung về kỹ năng số nên được lồng ghép trong chương trình học và hoạt động trải nghiệm. Cần giáo dục cho trẻ cách nhận biết, đánh giá thông tin, biết cách phản ứng khi bị bắt nạt online, tôn trọng người khác trên không gian mạng.
Sự vào cuộc của tổ chức xã hội, đoàn thể, cộng đồng rất quan trọng. Các chiến dịch tuyên truyền, sân chơi công nghệ, chương trình truyền thông về an toàn mạng cho trẻ em..., nên được tổ chức thường xuyên, đa dạng, phù hợp từng nhóm tuổi. Các tính năng kiểm soát nội dung, cảnh báo nội dung xấu, công cụ báo cáo và xử lý vi phạm thông tin xấu, độc trên môi trường mạng tác động đến trẻ nhỏ cần được phát triển.
Song song đó, khung pháp lý, chính sách, luật pháp liên quan cần tiếp tục được hoàn thiện, kịp thời bảo vệ trẻ em trước những rủi ro từ không gian mạng. Việc thực thi pháp luật cần chặt chẽ, có chế tài rõ ràng đối với hành vi xâm hại trẻ em qua không gian mạng. Đồng thời, cần có cơ chế phản hồi, xử lý nhanh nội dung, tài khoản vi phạm, đảm bảo quyền riêng tư, sự an toàn cho trẻ khi tham gia môi trường số.
MỸ LINH
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/tang-cuong-mien-dich-cho-tre-tren-moi-truong-mang-a419467.html
Bình luận (0)