Người đứng đầu phải luôn nêu gương trong công tác CCHC, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; xử lý thành thạo văn bản điện tử và ký số trên môi trường mạng. Đặc biệt, thực hiện nghiêm các quy định về văn hóa công vụ, có thái độ ứng xử đúng mực trong giao tiếp với công dân. Từ việc nêu gương của lãnh đạo sẽ tạo sức lan tỏa tới mỗi cán bộ, công chức, là tiền đề quan trọng để từng đơn vị, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ về CCHC.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chủ trương, chính sách, các chỉ đạo từ Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với công tác CCHC; trong đó nhấn mạnh, đề cao vai trò, trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện và xử lý đối với công chức thuộc thẩm quyền vi phạm. Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về CCHC; tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý kỷ luật nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm kỷ cương hành chính.
Tăng cường cải cách hành chính tạo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, người đứng đầu các cấp, ngành đã rà soát lại quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, gắn với thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính và thực hiện đạo đức công vụ, văn hóa giao tiếp trong cán bộ. Trong đó, tích cực đổi mới phương thức làm việc, tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động rà soát, đơn giản hóa (TTHC); quyết liệt chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả hoạt động, cải thiện chất lượng phục vụ Nhân dân. Nhờ đó, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác CCHC ở mỗi cấp, ngành. Năm 2024, các sở, ban, ngành, địa phương đã tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện và cơ bản hoàn thành 66/66 đầu công việc, đạt 100% kế hoạch đề ra.
Châu Thành là đơn vị điển hình của tỉnh được khen thưởng duy nhất năm qua trong công tác CCHC. Đó là kết quả sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu trong công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp từ huyện đến xã, nâng cao sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước. Trong đó, chú trọng nghiên cứu, đề xuất những sáng kiến, cách làm hay và lan tỏa, nâng cao sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chính quyền các cấp. Điển hình, các mô hình: “Ngày Thứ năm xanh” - làm nhanh 5 thủ tục các lĩnh vực tại Bộ phận “Một cửa” của huyện; tăng thêm 30 phút vì người dân, DN của Văn phòng Đăng ký đất đai; Đội Thanh niên tình nguyện tham gia CCHC tại UBND xã tư vấn, hướng dẫn người dân làm dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ người dân viết hồ sơ khi có nhu cầu; tạo Zalo khóm, ấp giúp tổ chức, cá nhân nắm thông tin tại địa bàn cư trú nhanh chóng, kịp thời… Các sáng kiến góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN trong thực hiện TTHC nhanh gọn, chính xác, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại…
Tuy nhiên, qua đánh giá chung, công tác CCHC của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, như: Tỷ lệ hồ sơ TTHC số hóa và trực tuyến chưa cao; cải cách TTHC chưa có nhiều đột phá, chưa thấy rõ kết quả của cải cách TTHC tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân, DN và phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số còn nhiều khó khăn, chưa đột phá, việc điều hành trên môi trường mạng của một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện tốt và chưa đồng bộ…
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng chỉ đạo công tác cải cách hành chính
Năm 2025, UBND tỉnh xác định tăng cường đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong CCHC; chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, đánh giá nguyên nhân, hạn chế trong công tác CCHC, từng cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc đề ra giải pháp để khắc phục những nội dung hạn chế, thiếu sót do cơ quan, địa phương mình phụ trách.
Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, Sở Tài chính đề xuất tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện chủ trương, chính sách. Đẩy mạnh phối hợp trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong giải quyết các yêu cầu, đề xuất, kiến nghị của DN theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian và rõ kết quả”. Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh “thông thoáng, minh bạch, năng động và thuận lợi”. Đồng thời, hiện đại hóa nền hành chính, tập trung mạnh mẽ cải cách TTHC, giảm các đầu mối trung gian, xây dựng cơ sở dữ liệu của người dân và DN để tái sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, nhà đầu tư khi đến tìm hiểu cơ hội đầu tư…
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các chỉ đạo về CCHC. Tiếp tục nâng cao các Chỉ số Par Index, PAPI, SIPAS. Có giải pháp đột phá về cải cách TTHC để phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân bằng nhiều hình thức, đa dạng, phong phú để hiểu rõ về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác CCHC. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác CCHC, gắn với đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ và xem xét khen thưởng, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, kịp thời khen thưởng, biểu dương các đơn vị thực hiện tốt công tác CCHC. Người đứng đầu các đơn vị tăng cường cải cách thể chế, cải cách TTHC, tổ chức bộ máy sắp xếp, tinh gọn; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số…
HẠNH CHÂU
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/tang-cuong-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-trong-cai-cach-hanh-chinh-a417850.html
Bình luận (0)