Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng (Thiệu Hóa).
Tại khu nhà màng của HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng (Thiệu Hóa) những luống dưa lưới xanh mướt, căng tròn đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Đây là một trong những mô hình tiêu biểu áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, giúp nâng cao giá trị nông sản và mở ra hướng đi bền vững cho nông dân.
Ông Nguyễn Văn Bình, một hộ sản xuất tại xã Thiệu Ngọc, chia sẻ: “Trước đây, tôi trồng dưa lưới theo cách truyền thống, phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm, nhưng hiệu quả không cao. Khi tham gia HTX và chuyển sang canh tác theo VietGAP, chúng tôi được hướng dẫn kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, từ khâu chọn giống, chăm sóc đến thu hoạch. Nhờ đó, dưa lưới giữ được độ ngọt, vỏ mỏng, ruột vàng, được thương lái và các siêu thị ưa chuộng”.
Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng Nguyễn Văn Dương cho biết: “Sản xuất theo VietGAP giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm. Chúng tôi sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước, lại kiểm soát được chất dinh dưỡng cho cây trồng, đồng thời hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi quả dưa lưới đều được dán tem truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi sử dụng”.
Thực tế, giá bán dưa lưới VietGAP tại HTX Thiệu Hưng cao hơn khoảng 20 đến 30% so với sản phẩm trồng theo phương pháp truyền thống. Các siêu thị lớn và cửa hàng nông sản sạch tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã ký hợp đồng thu mua ổn định, giúp bà con yên tâm sản xuất.
Việc sản xuất nông sản theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP không chỉ mang lại lợi ích về chất lượng mà còn mở ra nhiều cơ hội cho nông dân và các HTX. Bên cạnh các doanh nghiệp lớn, nhiều HTX và hộ sản xuất nhỏ lẻ cũng đang tích cực đầu tư vào mô hình này, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, cải tiến phương thức canh tác để tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhờ đó, không chỉ nâng cao giá trị nông sản, mô hình này còn giúp mở rộng kênh tiêu thụ, thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, các sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP luôn có ưu thế cạnh tranh cao, dễ dàng tiếp cận các hệ thống phân phối lớn và vươn xa hơn trên thị trường trong nước lẫn quốc tế.
Một trong những mô hình thành công trong việc áp dụng GlobalGAP là các trang trại cây ăn quả tại thị trấn Vân Du (Thạch Thành). Với quy mô lớn và ứng dụng công nghệ hiện đại, các trang trại nơi đây đã cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng. Ông Nguyễn Văn Thành, chủ trang trại trồng cam lòng vàng và bưởi da xanh, chia sẻ: “Sản xuất theo GlobalGAP không chỉ giúp cây trồng sinh trưởng khỏe mạnh, giảm sâu bệnh mà còn đảm bảo chất lượng đồng đều, giúp trái cây ngọt, thơm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đặc biệt, quy trình này còn góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe của chính người sản xuất”.
Để đáp ứng yêu cầu khắt khe của GlobalGAP, các chủ trang trại tại đây đã đầu tư hệ thống tưới tự động, sử dụng phân hữu cơ ủ hoai mục thay cho phân hóa học, ghi chép đầy đủ nhật ký đồng ruộng và tuân thủ nghiêm ngặt thời gian cách ly an toàn khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, việc xây dựng nhà kho, bồn rửa và hệ thống bảo quản sau thu hoạch cũng giúp sản phẩm giữ được độ tươi ngon lâu hơn, dễ dàng tiếp cận các chuỗi siêu thị và thị trường xuất khẩu.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 2.470ha cây trồng được chứng nhận VietGAP, mang lại lợi nhuận trung bình khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, để đạt tiêu chuẩn GlobalGAP vẫn còn nhiều rào cản, chủ yếu do chi phí sản xuất cao, cùng với việc thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn để tư vấn, hướng dẫn người dân áp dụng các quy trình nghiêm ngặt của tiêu chuẩn này.
Sản phẩm dưa vàng Thảo Hiền tại xã Quảng Hợp (Quảng Xương).
Mặc dù mô hình canh tác theo VietGAP, GlobalGAP mang lại nhiều lợi ích rõ rệt như nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm và tăng cơ hội tiếp cận thị trường cao cấp, nhưng trên thực tế, việc mở rộng diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn này vẫn gặp không ít khó khăn. Một số địa phương vẫn duy trì phương thức canh tác nhỏ lẻ, manh mún, dẫn đến khó triển khai đồng bộ các quy trình tiêu chuẩn. Chi phí sản xuất cao cũng là một trở ngại lớn, trong khi nhiều nông dân chưa sẵn sàng thay đổi tập quán canh tác truyền thống. Ngoài ra, nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP vẫn còn hạn chế, khiến đầu ra chưa thực sự ổn định. Chuỗi cung ứng vẫn còn qua nhiều khâu trung gian, làm tăng chi phí và gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc.
Tuy nhiên, với xu hướng tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm nông sản an toàn, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm mở rộng diện tích sản xuất theo hướng chuẩn hóa. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nông dân được đẩy mạnh, khuyến khích họ tiếp cận và áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến. Bên cạnh đó, việc tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ địa phương cũng được chú trọng, giúp họ có đủ kiến thức để hỗ trợ người dân triển khai mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn. Các vùng sản xuất an toàn dần được quy hoạch bài bản hơn, đi kèm với việc xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, kết nối nông dân với thị trường.
Để khuyến khích sản xuất nông nghiệp an toàn, các chính sách hỗ trợ về tài chính, chi phí đăng ký chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cũng cần được quan tâm, nhằm giúp nông dân yên tâm đầu tư và mở rộng mô hình sản xuất bền vững.
Bài và ảnh: Chi Phạm
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/tang-gia-tri-nong-san-bang-tieu-chuan-vietgap-globalgap-244094.htm
Bình luận (0)