Chuyển xong hàng lên xe để vận chuyển đến các điểm giao, anh Dương Văn Phước, chủ cơ sở sản xuất giò, chả, nem chua Phước Duyên ở xã Phượng Vỹ, huyện Cẩm Khê vui vẻ trò chuyện: Trước đây, sản phẩm của chúng tôi chủ yếu giao ở thị trường trong xã và huyện, số lượng ít, tiêu thụ bấp bênh. Từ ngày tham gia hệ thống bản đồ số nông sản số, khách hàng biết đến sản phẩm của chúng tôi nhiều hơn, thị trường tiêu thụ được mở rộng cho nên lượng hàng tăng, quy mô sản xuất được mở rộng. Thông qua hệ thống bản đồ số, khách hàng có thể truy xuất được địa điểm, nguồn gốc, thời gian sản xuất, hạn sử dụng của sản phẩm. Từ đó, tạo được sự tin tưởng cho người tiêu dùng.
Từ khi bản đồ nông sản số được triển khai, Hợp tác xã sản xuất gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung và kinh doanh dịch vụ tổng hợp (xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập) đã tham gia và bước đầu cho thấy hiệu quả thiết thực. Ông Khúc Ngọc Tung, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ, bán hàng theo hình thức online hoặc các trang mạng xã hội, website ngày càng mở rộng, chiếm được thị phần. Để xây dựng Hợp tác xã phát triển ổn định, bền vững, chúng tôi đã tham gia một số trang giới thiệu sản phẩm như giaothuong.net; voso.com… nhất là tham gia hệ thống bản đồ số nông sản số của tỉnh. Nhờ đó, nhiều khách hàng ngoài tỉnh đã biết đến thương hiệu gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung, lượng sản phẩm tiêu thụ ngày càng tăng, giúp nâng cao thu nhập cho thành viên.
Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã rau, củ, quả Mạnh Liên (xã Hương Nộn, huyện Tam Nông) cho biết: “Từ khi tham gia các sàn thương mại điện tử và hệ thống bản đồ nông sản số, việc tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã gặp nhiều thuận lợi. Hiện nay, khách hàng không chỉ đặt mua theo hình thức online mà còn tìm đến địa chỉ của hợp tác xã, giúp chúng tôi phát triển thêm hình thức du lịch trải nghiệm sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng doanh thu cho Hợp tác xã”.
Bản đồ nông sản số đóng vai trò như một “Bộ chỉ huy số” của ngành nông nghiệp, cung cấp thông tin toàn diện về năm lĩnh vực trọng yếu. Trước hết, các sản phẩm OCOP và những sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao của tỉnh được giới thiệu chi tiết trên bản đồ, tạo điều kiện để quảng bá rộng rãi và nâng cao giá trị thương hiệu. Bên cạnh đó, bản đồ còn thể hiện rõ thông tin về các vùng trồng đã được cấp mã số vùng trồng, bảo đảm khả năng truy xuất nguồn gốc và đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, các trang trại và cơ sở sản xuất được chứng nhận an toàn dịch bệnh đều được cập nhật, mang lại sự minh bạch và an tâm cho người tiêu dùng. Lĩnh vực lâm nghiệp cũng được chú trọng thông qua việc cung cấp thông tin về diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), khẳng định cam kết phát triển gắn liền với bảo vệ môi trường. Không dừng lại ở đó, bản đồ còn hiển thị danh sách các đơn vị trong lĩnh vực thủy sản đã được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất và kinh doanh, giúp nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Phú Thọ.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Tùng cho biết: Bản đồ nông sản số, không chỉ là một công cụ công nghệ hiện đại mà còn là cầu nối quan trọng giữa nhà sản xuất và thị trường. Việc quảng bá các sản phẩm nông nghiệp Phú Thọ trên nền tảng này đã mở ra cơ hội lớn để nông sản địa phương tiếp cận các thị trường lớn hơn, từ trong nước đến quốc tế. Bản đồ còn khuyến khích các doanh nghiệp và nông dân tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị sản phẩm. Nền tảng số này giúp các đơn vị sản xuất tích hợp với các sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok, Lazada, đồng thời tận dụng mạng xã hội để quảng bá và bán hàng.
Tính đến nay, hệ thống phần mềm đã số hóa hơn 60 nghìn trang tài liệu chuyên ngành, giúp cơ quan quản lý tra cứu dữ liệu về mã số vùng trồng, cơ sở chăn nuôi đạt chuẩn an toàn dịch bệnh, chứng nhận rừng bền vững FSC và danh mục sản phẩm OCOP. Việc này giúp minh bạch hóa chuỗi cung ứng, bảo đảm chất lượng sản phẩm, nâng cao uy tín cho nông sản địa phương. Hàng nghìn doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất… đã tham gia vào hệ thống, giúp quảng bá rộng rãi nông sản Phú Thọ trên hệ thống số, mở rộng được thị trường tiêu thụ… Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất là thói quen sản xuất truyền thống, khiến nhiều hộ nông dân và hợp tác xã còn e dè hoặc chưa quen với việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ đẩy mạnh tập huấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã về cách khai thác nền tảng số, xây dựng gian hàng trực tuyến và sử dụng các công cụ marketing số, phát triển ứng dụng tăng khả năng tiếp cận và thuận tiện hơn cho người dùng. Bên cạnh đó xây dựng nâng cấp hệ thống, mở rộng các tính năng, kết nối thêm các nền tảng khác nhằm hỗ trợ phân tích xu hướng thị trường, tối ưu hóa kết nối cung-cầu và giúp doanh nghiệp ra quyết định dựa trên dữ liệu thực tế. Từ đó, đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến trình số hóa ngành nông nghiệp, góp phần đưa nền nông nghiệp tỉnh phát triển theo hướng hiện đại, ổn định, bền vững và thân thiện với môi trường.
Nguồn: https://nhandan.vn/tang-kha-nang-canh-tranh-gia-tri-san-pham-tu-ban-do-nong-san-so-post881982.html
Bình luận (0)