Người dân xã Tam Chung (Mường Lát) tham gia lớp tập huấn trồng sắn nguyên liệu.
Xác định đào tạo nghề nâng cao trình độ cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển nông nghiệp, huyện Triệu Sơn đã tích cực khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động tại các xã, thị trấn, qua đó mở các lớp dạy nghề phù hợp với thực tiễn ở địa phương. Trên cơ sở đó, huyện tập trung đào tạo nghề nông nghiệp gắn với phát triển cây trồng và vật nuôi chủ lực có thế mạnh của địa phương. Hàng năm, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện mở các lớp đào tạo cho người dân các xã, thị trấn trên địa bàn phục vụ sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và chuyển đổi số trong nông nghiệp. Trong năm 2024, huyện đã phối hợp thực hiện được 8 lớp nghề lao động nông thôn ngắn hạn cho 260 học viên của các xã Triệu Thành, Hợp Thắng, Thọ Cường, Thái Hòa, Tiến Nông, Đồng Tiến, thị trấn Nưa và cấp chứng chỉ cho học viên hoàn thành khóa học.
Theo ông Lê Hữu Hải, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Triệu Sơn: "Bám sát định hướng phát triển nông nghiệp, trung tâm đã phối hợp thực hiện các lớp đào tạo nghề để người lao động nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực, phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc hữu của địa phương. Trong đó, tập trung đào tạo cho người lao động nắm được các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp thông minh, quy trình kỹ thuật mới, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, quản lý vùng chuyên canh, truy xuất nguồn gốc, mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp. Qua thống kê sơ bộ, hiện số lao động sau đào tạo phát huy được hiệu quả làm việc trên địa bàn huyện đạt khoảng 80%. Nhiều lao động thuộc hộ nghèo đã có việc làm và thoát nghèo, có hộ đã có thu nhập khá. Trung tâm đang phối hợp với các ngành có liên quan của huyện và tỉnh tổ chức các lớp đào tạo cho người lao động biết ứng dụng các công nghệ thông tin, áp dụng các quy trình sản xuất tốt, tiên tiến, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, tổ chức các lớp đào tạo cho người dân, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn nâng cao kỹ năng về quản lý, xây dựng các phương án sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu".
Hiện nay, nền nông nghiệp của tỉnh phát triển khá toàn diện và đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn với năng suất và chất lượng ngày càng cao. Cùng với đó, nông nghiệp cũng từng bước chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị diện tích và thu nhập cho nông dân. Do đó, yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng lớn. Vì vậy, tỉnh đã tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và chuyển đổi số trong nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông nghiệp.
Trong năm 2024 thông qua nguồn vốn từ các chương trình, dự án, toàn tỉnh đã đào tạo được 9.381 học viên với tổng kinh phí hơn 32,15 tỷ đồng. Trong đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho 649 học viên; Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM đào tạo nghề nông nghiệp cho 105 học viên; Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đào tạo nghề nông nghiệp cho 8.627 học viên. Các lao động được học nghề nông nghiệp đã vận dụng kiến thức và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Nhiều địa phương đã gắn XDNTM với đào tạo nghề, từng bước chuyển dịch dần một số bộ phận lao động nông nghiệp sang làm nông nghiệp dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bài và ảnh: Lê Hợi
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/tao-nguon-nhan-luc-cho-phat-trien-nong-nghiep-245471.htm
Bình luận (0)