Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Về Yên Định xem lễ hội di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

(Baothanhhoa.vn) - Huyện Yên Định có 21 lễ hội, trong đó có 15 lễ hội tổ chức dịp đầu xuân. Huyện có 2 lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là lễ hội Trò Chiềng xã Yên Ninh và lễ hội đền Đồng Cổ xã Yên Thọ. Hàng năm, các lễ hội thu hút đông đảo khách thập phương về tham quan, vãn cảnh, qua đó duy trì và tiếp tục xây dựng văn hóa tín ngưỡng, văn hóa tinh thần cho Nhân dân.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa13/04/2025

Về Yên Định xem lễ hội di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Trò chọi voi tại lễ hội Trò Chiềng ở xã Yên Ninh.

Năm 2025 là năm đầu tiên lễ hội đền Đồng Cổ được tổ chức với danh hiệu lễ hội văn hóa phi vật thể quốc gia nên công tác chuẩn bị tổ chức được thực hiện chu đáo, bài bản. Huyện Yên Định đã ban hành văn bản chỉ đạo phòng chuyên môn, ngành chức năng và UBND xã Yên Thọ tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội an toàn, tiết kiệm, văn minh, đúng nghi thức truyền thống. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh và xử lý nghiêm nếu có vi phạm, tiêu cực, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc...

Sau gần 50 năm xa quê, bà Nguyễn Thị Liên (TP Hồ Chí Minh) cùng với gia đình về thăm quê đúng dịp tổ chức lễ hội đền Đồng Cổ, vì thế trong bà dâng trào niềm vui thật khó tả. Buổi tối, xem giao lưu văn nghệ ở xã với các câu lạc bộ, bà Liên như thấy bóng dáng tuổi thơ của mình ở đó. Nhất là tham gia đoàn rước kiệu thần Đồng Cổ từ làng vào đền, bà không thấy mệt mà đôi chân như dẻo hơn, khỏe hơn. Bà Liên chia sẻ: “Lâu lắm gia đình tôi mới về thăm quê, các con cháu quây quần trò chuyện, đi xem lễ hội mà thấy thư thái, tự hào vì quê hương có lễ hội đền Đồng Cổ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Mặc dù tuổi đã cao, nhưng các cụ ở làng Đan Nê - nơi khai sinh ngôi đền Đồng Cổ vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Nhiều ngày trước khi diễn ra lễ hội, họ miệt mài tập luyện những nghi thức để trình diễn trong lễ hội, như: đội bát âm, tế lễ, đội làm hoa, khiêng kiệu... Trong trí nhớ của các bậc cao niên và cuốn cẩm nang của làng, tế lễ được xem là linh hồn của lễ hội. Đội tế luyện tập rất tích cực. Từng nghi thức tế phải khớp với đội bát âm; trang phục, đi đứng phải đúng từng chi tiết nhỏ. Đọc văn tế rõ ràng, âm điệu hùng hồn... Những việc đó tưởng đơn giản nhưng đòi hỏi rất kỹ lưỡng nên các thành viên đều tập trung cao để tránh những sơ suất nhỏ nhất.

Trong phần lễ, dân làng rước kiệu quanh làng, rước kiệu từ đền Đồng Cổ về đình Phúc, tế lễ xin linh khí thần Đồng Cổ và ngược lại. Dân làng chuẩn bị vật phẩm dâng lên thần Đồng Cổ nhằm tri ân công đức của thần và tái hiện đầy đủ các nghi thức văn hóa độc đáo của đất và người làng Đan Nê xưa. Phần hội diễn ra sôi nổi với các trò chơi dân gian như: cờ người, bịt mắt bắt gà, chèo thuyền, giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao quần chúng...

Ông Lê Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thọ, cho biết: “Lễ hội đền Đồng Cổ là sự kiện văn hóa độc đáo, có lịch sử hàng nghìn năm, gắn với di tích quốc gia núi và đền Đồng Cổ, ở làng Đan Nê. Lễ hội là hoạt động văn hóa đáp ứng nhu cầu tâm linh của Nhân dân và thu hút đông con em địa phương, các xã lân cận đến dâng hương và xem hội. Qua lễ hội đã gắn kết tình cảm con em xa quê hướng về quê hương, bà con gần gũi sẵn sàng giúp đỡ nhau và tham gia các hoạt động của địa phương”.

Tại xã Yên Ninh, lễ hội Trò Chiềng được tổ chức từ ngày 10 đến 12 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội có 4 phần rước và 12 trò Chiềng đặc sắc như: kén rể, tẩu mã, chọi voi, chọi rồng, cá chép hóa rồng, lễ rước phụng hoàn... Trong đó, trò chọi voi được xem là đặc sắc nhất và trở thành một nét đẹp văn hóa được chính quyền các cấp, Nhân dân gìn giữ và tổ chức hàng năm. Các trò đều do diễn viên quần chúng là người dân trong xã biểu diễn nhằm phản ánh cuộc sống lao động, chiến đấu, mơ ước của Nhân dân, gắn liền với lịch sử chống giặc ngoại xâm và tên tuổi của tướng quân Tam công Trịnh Quốc Bảo - người có công lớn trong dẹp giặc, gìn giữ non sông, tạo dựng và truyền dạy Trò Chiềng cho người dân trong xã. Với ý nghĩa lịch sử và những đặc sắc văn hóa riêng biệt này, năm 2017, lễ hội Trò Chiềng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bà Hoàng Thị Vân, xã Yên Ninh, tâm sự: "Chúng tôi yêu thích lễ hội Trò Chiềng và coi lễ hội như một phần cuộc sống tinh thần của mình. Chúng tôi sẵn sàng tham gia các trò và luyện tập miệt mài. Ai cũng mong chờ lễ hội diễn ra để được hòa mình vào lễ hội, vừa cầu may cho gia đình, vừa góp công sức lưu truyền, gìn giữ lễ hội văn hóa phi vật thể cấp quốc gia".

Những năm qua, huyện Yên Định đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của các lễ hội và các di tích, phối hợp với các nhà nghiên cứu, cơ quan chuyên môn sưu tầm, phục dựng các nghi thức, hoạt động của lễ hội gắn với phát triển du lịch, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Ông Lê Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định, cho biết: “Hai lễ hội được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia là lễ hội Trò Chiềng và lễ hội đền Đồng Cổ đều khẳng định vị thế, sức lan tỏa. Qua đó, nhắc nhở cháu con đề cao uy danh của các thần, thúc gọi mọi người đoàn kết bảo vệ và dựng xây quê hương, đất nước. Đồng thời, quảng bá các điểm du lịch tâm linh gắn với phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa cho Nhân dân".

Bài và ảnh: Lê Hà

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/ve-yen-dinh-xem-le-hoi-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-245466.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

TP Hồ Chí Minh: Những quán cà phê rực rỡ cờ hoa chào mừng đại lễ 30/4
36 khối quân đội, công an hợp luyện diễu binh đại lễ 30/4
Việt Nam không những..., mà còn...!
Victory - Bond in Vietnam: Khi âm nhạc đỉnh cao hòa quyện với kỳ quan thiên nhiên thế giới

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm