Chương trình ươm tạo kéo dài 4 tháng dành cho 5 dự án khởi nghiệp xuất sắc nhất được lựa chọn năm nay, đồng thời công bố triển khai chương trình tiền ươm tạo dành riêng cho 30 ý tưởng khởi nghiệp đến từ sinh viên.
.jpg)
Phát triển mô hình kinh doanh bền vững
Điểm nổi bật ở các dự án tham gia Chương trình ươm tạo tương tác FINC+ 2025 là khả năng xuất phát từ thực tiễn, phản ánh đúng nhu cầu thị trường, đồng thời cho thấy tư duy giải pháp rõ ràng, có thể phát triển thành mô hình kinh doanh bền vững.
Chẳng hạn, dự án enfue TalentSpike được nhóm sáng lập xây dựng từ bài toán tuyển dụng thực tế tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nơi cần một công cụ hỗ trợ sàng lọc ứng viên nhanh, chính xác và có khả năng tích hợp với các quy trình quản trị nội bộ. Việc sử dụng công nghệ AI để đánh giá năng lực hành vi của ứng viên và cung cấp dữ liệu phân tích tuyển dụng theo mô hình SaaS (phần mềm dưới dạng dịch vụ) là bước đi có tính chiến lược trong bối cảnh chuyển đổi số nhân sự đang diễn ra mạnh mẽ.
.jpg)
Tương tự, dự án trà ươi được phát triển từ nhu cầu sử dụng sản phẩm thiên nhiên, thân thiện với sức khỏe và môi trường. Việc chuẩn hóa quy trình sơ chế, đóng gói theo hướng thương mại hóa đã giúp dự án không chỉ dừng lại ở quy mô gia đình mà có thể hướng đến các kênh phân phối rộng hơn, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng xanh.
Ở mảng giáo dục, nền tảng Skoolib được phát triển nhằm giải quyết khoảng trống kết nối giữa nhà trường, phụ huynh và giáo viên thông qua việc số hóa quy trình học tập, báo cáo định kỳ và trao đổi thông tin.
.jpg)
Trong khi đó, Vietro Care lại tiếp cận lĩnh vực hậu mãi - nơi sự thiếu minh bạch đang làm giảm chất lượng trải nghiệm khách hàng - bằng cách xây dựng một nền tảng đồng bộ cho quy trình bảo hành, sửa chữa thiết bị. Gooride, với định hướng phát triển hệ sinh thái cho người sử dụng xe đạp, kết nối bản đồ, dịch vụ kỹ thuật và cộng đồng, lại mở ra một không gian ứng dụng mới cho xu hướng vận động xanh tại các đô thị.
Từ những nền tảng đó, các dự án sẽ được tiếp tục hỗ trợ hoàn thiện mô hình kinh doanh, kỹ năng gọi vốn và chiến lược thương mại hóa trong 4 tháng tới. Mỗi dự án là một phần nhỏ trong bức tranh đổi mới sáng tạo đang được thành phố Đà Nẵng thúc đẩy mạnh mẽ.
[VIDEO] - Đại diện dự án enfue TalentSpike chia sẻ về Chương trình ươm tạo tương tác FINC+ 2025:
Chị Lê Thị Phượng Hằng - phụ trách phát triển kinh doanh của dự án enfue TalentSpike cho biết: “Tham gia chương trình không chỉ giúp chúng tôi được cố vấn bài bản về mô hình kinh doanh, chiến lược thương hiệu, mà còn có cơ hội kết nối với các dự án khởi nghiệp khác để học hỏi kinh nghiệm, mở rộng năng lực và tìm kiếm thị trường phù hợp”.
Đồng hành từ ý tưởng đến thị trường
Chương trình ươm tạo tương tác FINC+ 2025 còn đánh dấu bước chuyển mình của DNES khi lần đầu tiên triển khai hoạt động ươm tạo bằng nguồn ngân sách nhà nước.
Theo bà Đoàn Thị Xuân Trang - Phó Giám đốc phụ trách DNES, việc lồng ghép giữa chương trình ươm tạo chính thức và tiền ươm tạo cho sinh viên đã tạo ra một hành trình khởi nghiệp liền mạch, từ hình thành ý tưởng đến hoàn thiện mô hình, tiếp cận thị trường. Trong đó, nền tảng số FINC+ với các phần tương tác, công cụ trực quan và cơ chế đào tạo một kèm một giúp đội ngũ sáng lập chủ động thiết kế hành trình phát triển, đồng thời tạo điều kiện để DNES đánh giá chính xác tiềm năng từng dự án.
[VIDEO] - Bà Đoàn Thị Xuân Trang - Phó Giám đốc phụ trách DNES chia sẻ về những khác biệt của chương trình năm nay:
"Chúng tôi không chỉ cung cấp phương tiện hỗ trợ, mà còn đồng hành như một đối tác chiến lược trong từng bước đi của startup. Từ việc xác định thị trường, tối ưu mô hình kinh doanh cho đến kế hoạch tài chính và gọi vốn đều được cụ thể hóa trên một nền tảng số có khả năng đo lường và phản hồi tức thời. Đây là cách chúng tôi thúc đẩy hiệu quả ươm tạo trong bối cảnh nguồn lực hỗ trợ cần được sử dụng thông minh và có trọng tâm" - bà Trang chia sẻ.
Từ góc độ quản lý nhà nước, bà Lê Thị Thục - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.Đà Nẵng đánh giá cao tính ứng dụng của chương trình và nhấn mạnh việc tiếp nối hỗ trợ sau ươm tạo.
Với các dự án đã qua ươm tạo, sở sẵn sàng hỗ trợ tiếp về mặt công nghệ, kết nối thị trường trong và ngoài nước, nhất là những doanh nghiệp bước vào giai đoạn tăng trưởng. Ngoài ra, năm nay có thêm phần kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho các đội dự án, điều này tạo động lực rất lớn, giúp ý tưởng không chỉ dừng lại trên giấy mà có khả năng đi xa hơn"
Bà Lê Thị Thục - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.Đà Nẵng
.jpg)
Ông Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng thành viên DNES nhìn nhận, ươm tạo là mắt xích đầu tiên và then chốt để hình thành những startup có khả năng trở thành kỳ lân trong tương lai. Đà Nẵng phải có những mô hình khởi nghiệp mạnh, đủ sức cạnh tranh không chỉ trong nước mà còn vươn ra thị trường khu vực.
.jpg)
"Muốn vậy, các dự án phải tranh thủ chính sách thành phố, tận dụng nguồn lực sẵn có như hạ tầng, mentor, tài chính… để phát triển bền vững, trở thành doanh nghiệp thực thụ. Đặc biệt, các dự án phải bám sát những định hướng của thành phố về lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, nâng cao năng lực về ứng dụng công nghệ trong phát triển dự án", ông Khương khẳng định.
Nguồn: https://baodanang.vn/tap-trung-uom-tao-doanh-nghiep-khoi-nghiep-huong-toi-su-ben-vung-3297267.html
Bình luận (0)