Thực hiện việc tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị ngành than, Sở Công Thương đã tập trung tham mưu, đôn đốc công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc, kịp thời báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết. Tính đến hết tháng 3/2025, đã thực hiện giải quyết kiến nghị với 58 kiến nghị, phần lớn các kiến nghị liên quan đến vướng mắc trong thủ tục triển khai dự án, mở rộng, nâng cấp các mỏ và vướng mắc về đất đai, GPMB. Trong đó, số kiến nghị đã tháo gỡ xong và cơ bản xong là 25 kiến nghị; tiếp tục phối hợp với ngành Than giải quyết 33 kiến nghị còn lại theo Thông báo số 37/TB-UBND ngày 17/02/2025 và số 1443/PCVP.UBND ngày 10/3/2025 của UBND tỉnh.
Sở Công Thương cũng đã thực hiện tham mưu UBND tỉnh, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp phép hoạt động khoáng sản của ngành Than. Theo đó, tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, cho phép sử dụng Quy hoạch 893 làm căn cứ cấp phép hoạt động khoáng sản. Ngày 8/3/2025, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 1866/VPCN-CN thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, trong đó đồng ý sử dụng Quy hoạch khoáng sản than trong Quy hoạch 893 làm căn cứ để cấp phép. Như vậy đến nay, khó khăn lớn nhất của ngành Than đã được tháo gỡ, hiện các đơn vị ngành Than đang làm việc với Bộ Nông nghiệp và Môi trường để được cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định.
Thông qua việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho quy hoạch 893, sẽ góp phần tháo gỡ, tổ chức cấp phép các dự án tổng cộng 5,12 triệu tấn/năm. Trong đó, Mỏ Cọc Sáu Đèo Nai công suất 2,7 triệu tấn/năm; Mỏ Hà Ráng 0,9 triệu tấn/năm; Mỏ Tân Yên (Than Uông Bí) 0,45 triệu tấn/năm; Lộ thiên Vàng Danh 0,1 triệu tấn/năm; Đồng Vông (Than Uông Bí) 0,6 triệu tấn/năm; Tây Bắc Khe Chàm 0,12 triệu tấn/năm; Đông Quảng La 0,25 triệu tấn/năm. Nếu được Bộ Nông nghiệp và Môi trường cấp phép trong quý II/2025, sẽ bắt đầu khởi công, thực hiện đầu tư với tổng mức 7000 tỷ đồng.
Cùng với đó, Sở Công Thương cũng đã đẩy nhanh công tác thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế triển khai sau thiết kế kỹ thuật đối với 5 Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác chế biến khoáng sản cho ngành Than, tạo điều kiện rút ngắn thời gian chuẩn bị công tác đầu tư, sớm hoàn thiện thủ tục đưa các dự án vào khai thác.
Đối với việc tháo gỡ khó khăn cho ngành điện, từ đầu năm đến nay Sở Công Thương cũng đã tổ chức họp để rà soát, nắm bắt khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện kế hoạch chuyển giao công trình điện có cấp điện áp đến 110kV là tài sản công trên địa bàn tỉnh sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2024-2025 vào ngày 28/2/2025. Trên cơ sở kết quả buổi làm việc, Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh nội dung chỉ đạo các sở ngành địa phương thực hiện có hiệu quả Nghị định số 02/2024/NĐ-CP ngày 10/01/2024 của Chính phủ về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Kế hoạch 231/KH-UBND của UBND tỉnh. Đồng thời, thực hiện việc báo cáo định kỳ, đề xuất UBND tỉnh tổ chức làm việc với chủ đầu tư, chỉ đạo các sở ngành địa phương đơn vị có liên quan triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh; đôn đốc nhà đầu tư lập bảng tiến độ tổng thể dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành đóng điện trong năm 2027.
Đặc biệt, Sở đã thực hiện nhanh chóng việc tháo gỡ các vướng mắc về nguồn điện sản xuất tại các KCN: Bắc Tiền Phong, Texhong, và Sông Khoai. Cụ thể, đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đấu nối trạm TBA 110kV vào lưới điện 110kV, dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2025 tại KCN Bắc Tiền Phong; hỗ trợ thỏa thuận đấu nối cấp điện TBA 110kV Texhong Hải Hà 2, hiện chủ đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc; đề xuất bổ sung trạm 110kV vào Quy hoạch tỉnh, cập nhật nhu cầu phụ tải vào Quy hoạch điện VIII để đảm bảo cung cấp điện ổn định tại KCN Sông Khoai. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng tham mưu UBND tỉnh đề xuất danh mục các dự án nguồn và lưới điện đồng bộ cập nhật trong Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, trong đó đề xuất bổ sung tăng thêm đối với: 32MW thủy điện, 400 MW điện mặt trời tập trung, 695 MW điện mặt trời mái nhà giai đoạn 2026-2030, 84 MW điện mặt trời mái nhà giai đoạn 2031-2040.
Với việc triển khai quyết liệt các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành than, điện để phát triển sản xuất, tính đến hết quý I/2023, sản lượng than sạch sản xuất ước đạt 10,837 triệu tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ, tăng 1,1% so với kịch bản; sản lượng điện sản xuất ước đạt 9,992 tỷ kWh tăng 3,2% so với cùng kỳ, tăng 3 % so với kịch bản.
Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo của UBND tỉnh để nhanh chóng nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành than, điện. Trong đó, sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị thành viên của TKV, TCT Đông Bắc trong việc đẩy nhanh tiến độ thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, công tác kiểm tra nghiệm thu của các dự án ngành Than. Đồng thời, phối hợp với 7 nhà máy điện để nắm bắt thông tin tình hình sản xuất điện của các đơn vị trong những tháng cao điểm; kịp thời tham mưu, chỉ đạo các giải pháp để đảm bảo sản lượng điện sản xuất theo kế hoạch đề ra; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong quý II/2025 đối với 3 Dự án phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ tại các khu công nghiệp trên địa bàn các địa phương Uông Bí, Quảng Yên, Hải Hà với tổng công suất 49,2MW; phối hợp chặt chẽ với Công ty Điện lực Quảng Ninh trong việc đảm bảo cung cấp điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, không để xảy ra tình trạng thiếu điện, đặc biệt trong mùa du lịch cao điểm.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-than-dien-3353629.html
Bình luận (0)