Toàn tỉnh hiện có trên 10.534 doanh nghiệp, 475 hợp tác xã và khoảng 35.000 hộ kinh doanh đang hoạt động. Trong đó, một số lĩnh vực kinh tế mũi nhọn được các doanh nghiệp tư nhân quan tâm đầu tư như: năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến, du lịch…
Hàng năm, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 40-45% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh và giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho hàng chục ngàn lao động tại địa phương. Điều này khẳng định lĩnh vực kinh tế tư nhân đang có sự phát triển mạnh mẽ và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế-xã hội của tỉnh. Một số doanh nghiệp đã trở thành đầu tàu, đứng tốp đầu của cả nước.

Điển hình như Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đứng đầu cả nước trong năm 2024 và thương hiệu cà phê L’amant của Công ty cũng đã được vinh danh là Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024.
Bà Trần Thị Lan Anh-Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-chia sẻ: “Với 25 năm xây dựng và phát triển, chúng tôi đã tạo ra được sản phẩm cà phê đạt chất lượng cao, mang thương hiệu quốc gia. Chúng tôi đã liên kết với hàng ngàn nông dân thông qua các hợp tác xã để canh tác hàng chục ngàn ha cà phê bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu. Nhờ đó, năm 2024, Công ty đạt kim ngạch xuất khẩu trên 500 triệu USD, chiếm gần 80% kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh”.
Là tỉnh có tiềm năng, lợi thế cũng như dư địa để phát triển, Gia Lai đang đẩy mạnh các giải pháp và triển khai nhiều cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư trên các lĩnh vực như: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, du lịch...
Cùng với đó, tỉnh cũng tập trung tìm giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư. Qua đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến Gia Lai để tìm kiếm cơ hội đầu tư; nhiều doanh nghiệp được thành lập mới và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng ngày càng phát triển, mang về lợi nhuận cao.

Ông Nguyễn Tiến Định-Giám đốc Công ty cổ phần Vietnam Coffee United (thị trấn Chư Prông) đánh giá: Những năm qua, các cấp trong tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cũng như có nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng hơn nên doanh nghiệp cũng có nhiều cơ hội để phát triển.
“Với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, chúng tôi đã xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất cà phê bền vững, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định phục vụ cho chế biến. Đồng thời, chúng tôi được các sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi để tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại để tìm kiếm khách hàng…
Nhờ đó, đến nay, chúng tôi đã mở rộng thị trường xuất khẩu sang 10 quốc gia trên thế giới. Tiếp đà thành công, Công ty đang tập trung vào mảng cà phê xuất khẩu, hướng đến các thị trường lớn, khó tính trên thế giới như: Nhật Bản, Mỹ… Đồng thời, tiếp tục liên kết, mở rộng vùng sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn quốc tế”-ông Định cho hay.
Môi trường kinh doanh của tỉnh đang dần được cải thiện theo hướng phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế cũng vẫn còn những điểm nghẽn, nút thắt đang cần tiếp tục được tháo gỡ. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vẫn gặp khó trong thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, nguồn vốn...
Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân chủ yếu chỉ tham gia ở các khâu có giá trị gia tăng thấp. Nếu không có chính sách hỗ trợ phù hợp thì khu vực kinh tế tư nhân sẽ khó phát huy vai trò của mình trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Do đó, các doanh nghiệp cũng mong muốn tỉnh có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nữa.

Ông Phan Thanh Thiên-Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Tổng Giám đốc Trường Sinh Group-cho rằng: Kinh tế tư nhân được Đảng và Nhà nước xác định là động lực quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế đất nước, đóng vai trò then chốt trong tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời, thúc đẩy sự năng động, sáng tạo và hội nhập quốc tế của nền kinh tế.
Tuy nhiên, để kinh tế tư nhân nói chung và các doanh nghiệp trẻ nói riêng phát triển tương xứng với kỳ vọng, tỉnh cần quan tâm triển khai một số chính sách mới. Cụ thể như có chính sách hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nhất là các doanh nghiệp trẻ, startup trong giai đoạn đầu; cần xây dựng các chương trình hỗ trợ đào tạo quản trị kinh doanh hiện đại, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng chuyển đổi số để giúp các doanh nghiệp trẻ nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đồng thời, có các cơ chế ưu đãi như đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu các rào cản về thủ tục đầu tư, thuế, đất đai và hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn. Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, vườn ươm doanh nghiệp, tạo ra môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp trẻ được hỗ trợ, tư vấn và phát triển các ý tưởng kinh doanh mới.

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 8% trở lên, UBND tỉnh đã ban hành kịch bản tăng trưởng kinh tế của tỉnh với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025; tạo tiền đề để hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030.
Trong đó, tỉnh xác định rõ vai trò của các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân đối với mục tiêu tăng tốc, bứt phá về kinh tế.
Cụ thể, UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; ưu tiên thu hút đầu tư các ngành năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư về đất đai, vốn, công nghệ...
Nguồn: https://baogialai.com.vn/thao-go-rao-can-de-kinh-te-tu-nhan-phat-trien-xung-tam-post316852.html
Bình luận (0)